Đột nhập 'công trường' phá rừng ở Ea H'leo

Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng tự nhiên tại Đác Lắc lại nóng lên khi người dân phát hiện hàng chục mét khối gỗ bị khai thác trái phép nằm sâu trong rừng, nhưng chủ rừng và các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) không hề hay biết. Khi chủ rừng và các đơn vị QLBVR phát hiện ra thì đã có nhiều diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá nặng nề, nhiều khối gỗ đã được tuồn ra khỏi rừng. Dư luận đặt câu hỏi, liệu có hay không tình trạng bao che hoặc tiếp tay khai thác rừng trái phép và cần phải được điều tra làm rõ.

Một ngày cuối tháng 11, thời tiết ở Đác Lắc mưa nắng thất thường, đường giao thông dẫn về các huyện, đặc biệt là vào các khu rừng tự nhiên vẫn còn hết sức khó khăn, lầy lội. Thế nhưng, khi chúng tôi nhận được một nguồn tin từ người dân xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo cho biết, vừa phát hiện một bãi tập kết gỗ với quy mô lớn ngay giữa rừng thuộc địa giới hành chính của xã Ea H’leo, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, nhóm phóng viên chúng tôi lập tức lên đường vượt gần 100km từ TP Buôn Ma Thuột để có mặt tại địa bàn xã Ea H’leo. Tại đây, sau nhiều giờ hỏi thăm, tìm đường, cuối cùng chúng tôi cũng xác định được con đường dẫn vào khu vực bãi tập kết gỗ giữa rừng.

Men theo con đường mòn rộng khoảng 3m, đất đá lổm nhổm với những đoạn dốc thẳng đứng, nhóm phóng viên kiên trì lội bộ vào rừng dưới cơn mưa dầm với hy vọng tìm cho bằng được nơi tập kết gỗ mà nguồn tin từ người dân cung cấp. Trên con đường mòn ấy, phóng viên bất ngờ bắt gặp hàng chục chiếc xe máy độ chế đi rừng của lâm tặc nằm ngổn ngang giữa đường hoặc được dựng gọn gàng bên đường mòn. Hỏi ra mới biết, những chiếc xe máy độ chế này là của lâm tặc bỏ lại khi phát hiện lực lượng kiểm lâm.

Đồng hồ chỉ 16 giờ 30 phút, cơn mưa ngày càng nặng hạt hơn khiến việc đi vào rừng của nhóm phóng viên gặp nhiều khó khăn, gian khổ. Đang cố tìm lối dẫn vào hiện trường khai thác gỗ, chúng tôi bất ngờ nghe thấy tiếng cưa máy gầm rú inh ỏi từ các quả đồi chung quanh phá tan không gian yên tĩnh vốn có của núi rừng. Cùng lúc này, trước mắt chúng tôi xuất hiện nhiều dấu vết bánh xe công nông độ chế còn mới in hằn trên đường mòn dẫn vào sâu trong rừng.

Lần theo dấu vết những bánh xe độ chế thêm khoảng 8km đường rừng, chúng tôi đến một quả đồi giữa rừng sâu. Tại đây, đập vào mắt chúng tôi là một bãi gỗ bị cưa xẻ nằm la liệt chẳng khác nào một “công trường” khai thác gỗ giữa rừng khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Hàng trăm lóng gỗ đủ loại, lóng có chiều dài ngắn nhất khoảng 3-4m, nhiều lóng dài 6-8m, bán kính từ 40-60cm đã được cưa xẻ vuông vắn nằm chồng chất lên nhau.

Tiếp tục di chuyển lên phía ngọn đồi, nhóm phóng viên được tận mắt mục sở thị vô số khúc gỗ xẻ đã được tập kết tại một bãi đất trống. Chung quanh bãi khai thác, tập kết gỗ trái phép này hiện hữu dấu vết của những đống tro tàn, chai, can đựng xăng dầu, những khúc gỗ cháy xém của lâm tặc để lại. Ngoài ra, còn có một chiếc xe cày độ chế, rơ-moóc phía sau dài khoảng 5-6m đang dựng tại hiện trường sẵn sàng phục vụ cho việc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng sâu.

Trong lúc nhóm phóng viên đang hụp hình, quay phim hình ảnh gỗ rừng bị đốn hạ nằm la liệt thì tiếp tục phát hiện một chiếc lán trại dựng bằng bạt xanh hiện ra trước mắt. Di chuyển lại gần, chúng tôi mới biết đó là lực lượng kiểm lâm huyện Ea H’Leo và lực lượng bảo vệ của Công ty lâm nghiệp đang phối hợp bảo vệ hiện trường, tang vật. Theo lực lượng bảo vệ hiện trường và tang vật, bãi khai thác, tập kết gỗ nói trên đã được phát hiện và khám nghiệm khoảng một tuần trước đó nhưng vẫn chưa đưa tang vật ra khỏi rừng được.

Khi chúng tôi hỏi về những người trực tiếp khai thác số lượng gỗ lớn này thì lực lượng bảo vệ chỉ đáp lại bằng những cái lắc đầu và cho biết, họ chỉ có nhiệm vụ bảo vệ hiện trường, tang vật chứ không biết gì hơn. Cũng theo những người có mặt tại đây, hiện trường bãi tập kết gỗ thuộc diện tích rừng do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Phả, trụ sở tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo quản lý.

Sau khi “mục sở thị” khu vực phá rừng như một công trường nằm giữa rừng sâu thẳm, chúng tôi lẳng lặng rút ra bởi nếu bị lộ sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Ngày hôm sau, chúng tôi đã có buổi làm việc với Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Phả An Ngọc Tân. Ông Tân cho biết: “Ngày 21-11 vừa qua, khi lãnh đạo công ty đang phối hợp đoàn liên ngành đi phá các lò than trên địa bàn thì nhận được tin báo của Hạt Kiểm lâm Ea H’leo cho biết, có một bãi tập kết gỗ giữa rừng. Ngay lập tức, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng bảo vệ rừng của công ty phối hợp lực lượng kiểm lâm của Hạt đi kiểm tra thì xác định được hiện trường bãi tập kết gỗ thuộc khoảnh 3, 4 tiểu khu 22 thuộc diện tích công ty quản lý. Trước tình hình này, lãnh đạo Hạt đã báo cho cơ quan điều tra Công an huyện Ea H’leo và Viện Kiểm sát nhân dân huyện vào cuộc tiến hành khám nghiệm hiện trường, khối lượng gỗ cụ thể, còn đối tượng khai thác gỗ là ai thì công ty chưa nắm được”.

Cũng theo ông Tân, để xảy ra việc khai thác gỗ trái phép nói trên, trách nhiệm của chủ rừng chưa kiểm tra, nắm bắt kịp thời để có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ rừng. “Chúng tôi sẽ tiến hành xử lý trách nhiệm của những cán bộ được giao bảo vệ rừng để xảy ra sự việc theo quy chế của công ty. Bản thân tôi là người đứng đầu công ty nhận thấy chưa kiểm soát chặt chẽ, thiếu sót, chưa kịp thời trong công tác chỉ đạo nên để xảy ra sự việc này. Về thông tin có dấu hiệu bảo kê của lực lượng bảo vệ rừng hay không thì tôi khẳng định là không có. Tôi cho rằng, vụ phá rừng nói trên diễn ra vào những ngày mưa sau cơn bão số 12, 13, đường tuần tra lại dốc, nước chảy xiết nên anh em không đi tuần tra được để phát hiện kịp thời”, ông Tân nói.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo, vào ngày 21-11, Hạt Kiểm lâm nhận được tin báo của người dân cho biết tại tiểu khu 22, rừng giao cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Phả quản lý có một bãi gỗ tập kết. Hạt Kiểm lâm đã tổ chức lực lượng đi kiểm tra và phát hiện tại lô 3, khoảnh 3, lô 12 khoảnh 4 tiểu khu 22 có một bãi gỗ tập kết.

Qua kiểm tra phát hiện hai đầu kéo xe Zang Ma, hai rơ-moóc xe Zang Ma, hai xe cày tay, một xe máy, hai cưa xăng do các đối tượng bỏ lại, gần hiện trường tập kết gỗ có các gốc cây mới chặt hạ, có dấu vết kéo gỗ về tập kết. Hạt đã phối hợp Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Phả đo đếm được 126 lóng, hộp gỗ từ nhóm III đến nhóm VII với tổng cộng 45,109m3. Ngày 22-11, Hạt Kiểm lâm huyện đã mời Công an, Viện Kiểm sát nhân dân huyện, công ty, UBND xã Ea H’leo đi kiểm tra, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.

Cũng theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo, tang vật và lâm sản vi phạm đang được Hạt và công ty trông coi tại hiện trường, địa hình tập kết gỗ có dốc cao, đường đi lại rất khó khăn và chưa phát hiện được đối tượng khai thác gỗ. Theo nhận định của Hạt Kiểm lâm huyện, đây là vụ khai thác, vận chuyển và tập kết gỗ quy mô lớn, có tổ chức nên cần điều tra làm rõ vụ việc.

Như vậy, thời gian gần đây, trên địa bàn các huyện Ea Súp, Ea H’leo và Ea Kar, tỉnh Đác Lắc liên tục xảy ra các vụ phá rừng tự nhiên với quy mô lớn, nhưng các ngành chức năng của tỉnh Đác Lắc và các huyện vẫn chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn được.

Trong khi đó, thời gian vừa qua, sau khi Nhân Dân điện tử phản ánh về tình trạng phá rừng ở huyện Ea Súp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND tỉnh Đác Lắc chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác QLBVR, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng và kiểm điểm các tập thể, cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng... Thế nhưng, tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục xảy ra.

Một bãi tập kết gỗ đã xẻ thành hộp tại tiểu khu 22, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo.

Một bãi tập kết gỗ đã xẻ thành hộp tại tiểu khu 22, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo.

Nhiều cây gỗ lớn bị triệt hạ và được xẻ thành hộp còn tươi rói tại tiểu khu 22, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Phả quản lý.

Nhiều cây rừng có đường kính lớn được xẻ thành hộp nhưng chưa kịp tẩu tán khỏi rừng.

Chiếc xe máy độ chế dùng để chở gỗ lâm tặc vứt lại bên đường vào tiểu khu 22, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo.

Nhiều cây rừng được xẻ hộp chở đi khỏi rừng, còn lại hiện trường là những tấm bìa vứt ngổn ngang.

Một rơ-moóc xe Zang Ma dùng vận chuyển gỗ bị lâm tặc bỏ lại hiện trường.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phongsu/item/34866002-dot-nhap-%E2%80%9Ccong-truong%E2%80%9D-pha-rung-o-ea-h%E2%80%99leo.html