'Đột nhập' chợ đầu mối nông sản tự phát nhộn nhịp nhất đất Tây Ninh

Với khối lượng giao dịch 30 – 40 tấn mỗi ngày, chợ Cầu K13 được xem là chợ đầu mối nông sản chuyên về rau ăn quả lớn nhất đất Tây Ninh.

Chợ đã có từ nhiều năm trước đây, do nông dân mang nông sản của mình thu hoạch được trong khu vực đem ra bán cho các thương lái trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chợ hình thành do nhu cầu tự phát của tiểu thương, nằm ở ven đường 781 và cặp bờ kênh Tây tại cầu K13 thuộc xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh.

Sau một thời gian dài, nơi đây phát triển thành một khu chợ đầu mối nông sản. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hàng hóa từ các nơi tập trung về chợ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chợ do tư nhân đứng ra thuê đất với diện tích 4.000m2 để xây dựng tạm, cho tiểu thương thuê tập kết hàng hóa do các hợp tác xã, hộ nông dân ở các huyện, thành phố trong tỉnh cung cấp.

Cũng có nông dân chở rau trực tiếp đến chợ đầu mối bán, nhưng đa số bán qua thương lái thu mua tại ruộng. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Hàng hóa chủ yếu ở khu chợ đầu mối này gồm các loại khổ qua, dưa, cà, bầu bí, đậu bắp… (gọi chung là hàng bông).

Các thương lái thu mua và tập kết hàng bông tại chợ đầu mối rồi sang lại cho thương lái đường dài vận chuyển đi nơi khác bằng xe tải. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các thương lái giao dịch tại chỗ. Trong chợ có khoảng 50 thương lái. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong chợ hiện có khoảng 50 tiểu thương. Mỗi người có một khu vực dành riêng để tập kết hàng hóa trước khi hàng được đưa lên xe tải. Ngoài ra còn có khoảng 20 người lo việc bốc vác, đẩy hàng tại đây.

Lực lượng khuân vác chuyển rau vào điểm tập kết. Ảnh: Nguyên Vỹ

Với những xe đẩy nặng cả trăm ký, việc khuân vác, di chuyển hàng hóa phải nhờ đến sức vóc đàn ông, trai tráng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hàng đã tập kết sẵn sàng để chờ giao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Lựa rau. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chợ hoạt động nhộn nhịp từ 9 giờ sáng. Sau đó, các thương lái sẽ vận chuyển về các chợ ngoài tỉnh như TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước hoặc đưa ngược lên khu vực biên giới Xa Mát, Chàng Riệc để sang Campuchia. Cũng có người mua hàng về bán lẻ tại các buổi chợ chiều.

Mỗi ngày ở chợ có khoảng hơn 20 xe tải các loại vận chuyển đến các nơi. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chợ chỉ hoạt động nhộn nhịp khoảng 5 tiếng đồng hồ, và thường kết thúc lúc 2 giờ chiều mỗi ngày.

Có người chỉ mua vài chục ký đem về bán lại ở chợ chiều. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tuy là chợ tự phát nhưng vẫn được xem là chợ đầu mối vì hình thức kinh doanh bán sỉ, theo nguyên tắc thương lái này bán cho thương lái kia.

Việc giao dịch nhộn nhịp kéo dài quá giờ trưa, các hộ kinh doanh tranh thủ ăn uống ngay tại chỗ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chị Bích Thủy, một thương lái ở chợ Cầu K13 cho biết, thời điểm nhộn nhịp nhất, các tiểu thương thu mua hàng hóa đưa về khắp các nơi trong tỉnh. Đến chiều, nông sản mới được tập kết chở xuống chợ Bùi Môn (quận 12) và chợ nông sản Thủ Đức (TP.HCM).

Tiếng cười nói lúc nào cũng rộn ràng náo nhiệt suốt phiên chợ. Ảnh: Nguyên Vỹ

So với các tỉnh lân cận, Tây Ninh có thế mạnh sản xuất rau ăn quả hơn là rau ăn lá. Trong đề án tái cơ cấu, Tây Ninh xác định, rau ăn quả cùng với trái cây là những mặt hàng chủ lực trong chuỗi nông sản. Cũng trong đề án này, Tây Ninh dự kiến sẽ xây dựng một chợ đầu mối nông sản chính quy để tăng cường chuỗi cung ứng và giảm bớt khâu trung gian.

Nguyên Vỹ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/dot-nhap-cho-dau-moi-nong-san-tu-phat-nhon-nhip-nhat-dat-tay-ninh-894768.html