Đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất tại Trung Quốc kể từ sau Vũ Hán

Trung Quốc hôm nay (27/7) báo cáo số ca nhiễm Covid-19 tại địa phương nhiều nhất trong hơn 4 tháng, làm dấy lên lo ngại về sự hồi sinh nghiêm trọng của đại dịch.

Tại một trạm kiểm dịch cộng đồng ở Đại Liên, Trung Quốc.

Tại một trạm kiểm dịch cộng đồng ở Đại Liên, Trung Quốc.

Trong số 61 trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo hôm 27/7, có 57 trường hợp lây nhiễm tại địa phương, với 41 người trong số đó ở Tân Cương - tỉnh miền Tây của Trung Quốc vướng nhiều tranh cãi chính trị.

Số ca bệnh còn lại chủ yếu tập trung tại TP cảng Đại Liên. Các trường hợp tại đây đã lan rộng đến một số TP khác phía Đông Bắc Liêu Ninh và các tỉnh phía Nam Phúc Kiến.

Với những đợt bùng phát mới nhất, các quan chức tập trung vào phương pháp thử nghiệm hàng loạt nhanh chóng, cùng các hạn chế để khóa "ổ dịch".

Tại TP Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, các dịch vụ giao thông công cộng đã bị tạm dừng trong hơn 1 tuần, trong khi các tòa nhà được lệnh phải giới hạn số người có thể ra vào.

Ở Đại Liên, các quan chức cho biết vào cuối tuần qua rằng họ sẽ bắt đầu thử nghiệm cho toàn bộ khoảng 6 triệu dân của TP, tương tự nỗ lực ở tâm dịch Vũ Hán hồi đầu năm nay.

Phương pháp này được áp dụng trong tâm chấn ban đầu của Trung Quốc đã giúp tìm ra được hàng trăm ca nhiễm Covid-19 không triệu chứng, và dường như đã thành công trong việc cắt đứt các chuỗi lây truyền. Trung Quốc đã từng thực hiện xét nghiệm 11 triệu người chỉ trong 2 tuần.

Vũ Hán ngày chấm dứt phong tỏa.

Chính phủ Bắc Kinh đang tiếp viện cho Đại Liên, trong khi người đứng đầu Ủy ban Y tế Quốc gia Mã Hiểu Vĩ kêu gọi TP dành riêng 1 bệnh viện trong 24 giờ chỉ để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.

Ca nhiễm đầu tiên được phát hiện trong cụm Đại Liên là một người đàn ông 58 tuổi, làm việc tại một cơ sở chế biến hải sản nhập khẩu. Thông tin này một lần nữa khiến người tiêu dùng Trung Quốc không khỏi lo ngại với các mặt hàng thực phẩm đông lạnh được vận chuyển từ nước ngoài.

Trong đợt bùng phát Bắc Kinh hồi tháng trước, dấu vết của virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện trên thớt của cơ sở xử lý cá hồi nhập khẩu. Kể từ đó, Trung Quốc đã nhiều lần tìm thấy dấu vết virus trong bao bì tôm nhập khẩu, dấy lên lo ngại rằng sự bùng phát mới của dịch tại nước này có liên quan đến đường nhập khẩu bị ô nhiễm.

Tuy nhiên các nhà khoa học đến nay vẫn khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy thương mại thực phẩm toàn cầu có thể truyền virus.

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dot-bung-phat-covid-19-toi-te-nhat-tai-trung-quoc-ke-tu-sau-vu-han-391114.html