Đồng ý với đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo ước tính, việc đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp vừa có thể làm giảm thu NSNN khoảng 22.440 tỷ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp

Cuối phiên họp chiều 1-6, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đáp ứng một số tiêu chí cụ thể đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Theo Tờ trình được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực phát triển, Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 10 người (thuộc nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ); doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người (thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ).

Theo ước tính, việc đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp vừa có thể làm giảm thu NSNN khoảng 22.440 tỷ.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề nghị giảm số thuế phải nộp (30%) và chỉ áp dụng hai tiêu chí xác định là doanh thu, kết hợp với tiêu chí về lao động để thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đối tượng này, theo đó về cơ bản đã bao quát hết các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn, thông qua ngay tại kỳ họp thứ 9 để đảm bảo kịp thời xử lý các trường hợp khẩn cấp trong phòng chống dịch bệnh. Để đảm bảo cân đối NSNN năm 2020, đề nghị Chính phủ làm rõ các phương án bù đắp nguồn hụt thu do thực hiện chính sách giảm thuế này, gắn với các chính sách đã ban hành làm giảm thu NSNN trong thời gian qua hoặc cần thiết phải trình Quốc hội điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước để bảo đảm cân đối NSNN trong năm 2020.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ, có chỉnh sửa tên gọi của dự thảo nghị quyết để phù hợp với phạm vi điều chỉnh là chỉ những doanh nghiệp đáp ứng hai tiêu chí về doanh thu và lao động (chứ không phải tất cả doanh nghiệp nhỏ đều được giảm thuế).

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dong-y-voi-de-xuat-giam-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-665274.html