Dòng xe tăng hạng nặng Liên Xô từng khiến Mỹ dè chừng

Xe tăng hạng nặng IS-3 mang tên nhà lãnh đạo Josef Stalin được coi là một trong những chiếc xe tăng mạnh nhất trong Thế chiến thứ II.

Xe tăng IS-3 hình thành từ tháng 10-1944, mẫu thiết kế mang tên “Đề án 703” được trình lên Tướng Zhukov và Vasilevski, sau đó được Nguyên soái Stalin chấp nhận để trang bị với tên gọi IS-3.

Đây là mẫu thiết kế mới hoàn toàn, với tháp pháo tròn, thân xe vát nghiêng để tăng khả năng chịu đạn xuyên giáp tốt hơn.

Sau đó, Liên Xô đã xuất khẩu loại xe tăng hạng nặng này cho các nước đồng minh, cũng như các nước Trung Đông.

Quân đội Ai Cập sử dụng xe tăng IS-3 trong chiến tranh 6 ngày với Israel. Loại xe tăng này đã khiến Israel khiếp sợ, vì nó có thể chịu được các đòn tấn công từ đạn xuyên giáp 90mm từ xe tăng M48 Patton và các loại vũ khí chống tăng khác.

Mỹ cũng đã rất cảnh giác khi xe tăng IS-3 xuất hiện lần đầu trong cuộc duyệt binh chung của quân đồng minh ở Berlin vào ngày 7/9/1945.

Nhưng cũng chính sự xuất hiện của IS-3 đã kích thích cho sự xuất hiện của nhiều dự án chế tạo xe tăng hạng nặng của phương Tây, trong đó có xe tăng hạng nặng M103 của Mỹ, nhưng tỏ ra kém hữu dụng hơn so với dự kiến do bị trang bị động cơ không hiệu quả và thua xa so với IS-3.

IS-3 có sức tấn công rất mạnh nhờ được trang bị pháo chính cỡ lớn 122mm, tốc độ bắn 2-3 viên/phút, cơ số đạn thông thường là 18 viên đạn pháo nổ mảnh, 8 viên đạn xuyên giáp.

Trên xe còn bố trí thêm súng máy SGM 7,62mm có 756 viên đạn và súng máy DShK 12,7mm với 250 viên đạn.

Xe tăng IS-3 có chiều dài 9,98m, chiều rộng 3,09m và chiều cao 2,73m. Trọng lượng của xe tăng này lên tới 46 tấn.

Để di chuyển, xe được trang bị động cơ V-2 600 mã lực giúp chiếc xe cơ động với vận tốc chỉ khoảng 40km/h.

Do trọng lượng khá nặng trong khi động cơ lại không đủ sức nên quãng đường hoạt động tối đa của IS-3 chỉ là 185km.

Tuy được coi là đối thủ đáng gờm nhất của các loại xe tăng trong Thế chiến thứ 2, nhưng IS-3 lại không kịp tham gia vào chiến trận, bởi chiến tranh đã kết thúc trước khi chúng được đưa vào biên chế.

Xe tăng hạng nặng IS-3 được sản xuất hàng loạt cho đến giữa năm 1946 với 2.311 chiếc.

Hiện Nga vẫn còn giữ được một số chiếc ở tình trạng tốt và chúng thường tái xuất trong các lễ duyệt binh hoặc các chương trình văn hóa lịch sử về cuộc chiến tranh vệ quốc của Nga.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-dong-xe-tang-hang-nang-lien-xo-tung-khien-my-de-chung-post465947.antd