Dòng vốn ngoại tệ đã đi đâu?

Thị trường ngoại hối có những biến động đáng chú ý kéo dài từ tuần cuối tháng 4 sang tuần đầu tháng 5. Liệu nguồn cung ngoại tệ có đang thiếu hụt đến mức gây áp lực lên tỷ giá?

Những số liệu thống kê cho thấy nguồn cung ngoại tệ trên thị trường vẫn khá tích cực trong 4 tháng đầu năm nay, tiếp nối diễn biến trong năm 2018, trong đó chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư, thặng dư thương mại và kiều hối.

 Một lượng vốn ngoại tệ lớn đã bị hút ra khỏi thị trường. Ảnh: IT.

Một lượng vốn ngoại tệ lớn đã bị hút ra khỏi thị trường. Ảnh: IT.

Cung ngoại tệ vẫn tích cực

Cụ thể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 4 tháng đầu năm đạt hơn 7,45 tỷ USD, tăng mạnh 28,6% so với cùng kỳ năm 2018. Lượng vốn FDI giải ngân 4 tháng qua cũng xấp xỉ 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Ở dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, trong 4 tháng đầu năm nay ghi nhận 2.416 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 7,14 tỷ USD, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2018. Thống kê trên thị trường chứng khoán, riêng trên sàn HOSE khối ngoại cũng mua ròng lên đến hơn 4,3 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung vào 2 tháng đầu năm với tổng giá trị đạt 3,5 nghìn tỷ đồng.

Có thể thấy trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại tiếp tục gia tăng, thì dòng vốn đầu tư quốc tế có thể chọn Việt Nam như là điểm thay thế trong Trung Quốc để tránh tác động từ các hàng rào thuế quan mà Mỹ đã dựng lên với hàng Trung Quốc. Mới đây vào hôm 10/5, tổng thống Donald Trump đã tiếp tục tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, đồng thời đe dọa sẽ đánh thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại chưa chịu thuế.

Ngoài dòng vốn đầu tư, Việt Nam tiếp tục ghi nhận cán cân thương mại hàng hóa duy trì xu hướng thặng dư. Cụ thể, cán cân thương mại hàng hóa riêng tháng 3 xuất siêu lên đến 1,6 tỷ USD giúp quý 1 xuất siêu 1,4 tỷ USD. Riêng tháng 4 ước tính nhập siêu 700 triệu USD nhưng tính chung 4 tháng vẫn xuất siêu 711 triệu USD.

Đáng lưu ý là theo số liệu chi tiết quý 1 từ Tổng cục Hải quan, riêng tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã đạt 13,317 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ, tương đương kim ngạch tăng thêm gần 3 tỷ USD.

Theo nhận định của giới phân tích, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay cũng là cơ hội cho những quốc gia như Việt Nam tận dụng để khai thác gia tăng thị phần tại Mỹ từ khoảng trống mà hàng hóa Trung Quốc bỏ lại. Với thuế suất bị áp cao hơn, hàng hóa Trung Quốc rõ ràng sẽ bị giảm sức cạnh tranh đáng kể, do đó cơ hội là rất lớn đối với những đối tác thương mại còn lại của Mỹ.

Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ còn đến từ dòng vốn kiều hối đổ về khá lớn trong những tháng đầu năm nay, cũng như các khoản vay vốn, tài trợ thương mại từ các định chế quốc tế. Những dòng vốn này thường có tính ổn định xuyên suốt.

Lượng lớn ngoại tệ đã bị rút ra khỏi thị trường

Nguồn cung ngoại tệ từ đầu năm đến nay vẫn ở thế tăng ròng, tuy nhiên một lượng lớn ngoại tệ đã bị rút ra khỏi thị trường. Theo chia sẻ mới nhất cho thấy tính từ đầu năm đến ngày 17/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua ròng 8,35 tỷ USD để gia tăng kho dự trữ ngoại hối. Con số này lớn hơn cả dòng vốn FDI giải ngân và thặng dư thương mại hàng hóa cộng lại.

Xu hướng mua ròng ngoại tệ trên thị trường cùng với diễn biến liên tiếp nâng tỷ giá trung tâm của NHNN dường như khá nhất quán kể từ đầu năm đến nay. Việc mua ròng ngoại tệ giúp dự trữ ngoại hối gia tăng mạnh dù có những ảnh hưởng tích cực trong trung dài hạn, giúp nhà điều hành có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường nhưng trước mắt có thể gây áp lực lên thị trường.

Trong khi đó ở hoạt động cho vay, dù theo quy định của thông tư 42 các khoản vay ngoại tệ ngắn hạn đã kết thúc vào cuối tháng 3 vừa qua, tuy nhiên thống kê cho thấy tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tính đến ngày 17/4 vẫn tăng mạnh 7,62%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng trưởng chung là 3,23% và gấp 2,5 lần mức tăng trưởng tín dụng VNĐ chỉ ở mức 2,93%.

Rõ ràng cùng với việc bán mạnh ngoại tệ cho NHNN và đẩy mạnh cho vay ngoại tệ đã khiến hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng thiếu hụt ngoại tệ, cũng như dẫn đến trạng thái ngoại tệ âm khá lớn, do đó buộc phải tăng cường mua ngoại tệ trên thị trường để cải thiện. Vì vậy, các ngân hàng liên tiếp nâng mạnh tỷ giá giao dịch trong suốt 2 tuần qua cũng là điều dễ hiểu.

Như trong tuần vừa qua, tỷ giá mua bán tại nhiều ngân hàng tăng vọt thêm 150 đồng, lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay, trong khi diễn biến USD trên thị trường quốc tế không có nhiều biến động và tỷ giá trung tâm của NHNN chỉ điều chỉnh tăng tương đối. Diễn biến trên thị trường liên ngân hàng cũng đã tác động lên tâm lý trên thị trường tự do, khiến giá mua bán USD trên thị trường phi chính thức cũng “nhảy múa” theo.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/dong-von-ngoai-te-da-di-dau-163448.html