'Dòng vốn ngoại quay về các thị trường mới nổi đang đặt cược vào kết quả hội nghị G20'

Các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi (GEM) đã có 3 tuần bơm ròng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, điều này, có thể được duy trì hay không phụ thuộc vào kết quả cuộc họp G20, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân SSI.

Tính từ đầu năm, chỉ số MSCI EM Index (chỉ số chứng khoán cho các thị trường mới nổi) giảm -15,4% trong khi S&P 500 tăng +0,3%.

Trong 2 tháng vừa qua, MSCI EM Index ít biến động hơn so với S&P500 và nguyên nhân theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), không phải từ yếu tố cơ bản hay triển vọng tích cực mà chính sự mất điểm trong hầu hết thời gian của năm 2018.

Trong 20 năm gần đây, thị trường mới nổi đã trải qua 4 đợt sụt giảm mạnh. Bong bóng internet 2000-2001, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, rủi ro Trung Quốc “hạ cánh cứng” năm 2015 và đợt sụt giảm đang xảy ra, bắt đầu từ tháng 2/2018.

Ở cả 4 đợt, MSCI EM Index đều giảm sâu hơn so với S&P 500 và bù lại là khi thị trường toàn cầu hồi phục, MSCI EM Index lại tăng nhanh hơn. Đây chính là đặc thù rủi ro cao, lợi nhuận lớn (“high risk – high return”) của các thị trường mới nổi.

Nếu kinh tế 2019 tăng trưởng chậm lại, chu kỳ giảm giá của thị trường phát triển từ tháng 11 và thị trường mới nổi từ tháng 2/2018 rất có thể sẽ còn tiếp diễn. Ông Linh cho rằng với những gì đã diễn ra ở các giai đoạn sụt giảm trước, MSCI EM Index khả năng cao sẽ tiếp tục có hiệu suất kém hơn S&P 500.

Cùng với đó, căng thẳng Mỹ - Trung sẽ còn tiếp tục đè nặng lên triển vọng thị trường mới nổi nói chung. Dù có đạt được thỏa thuận nào đó tại hội nghị G20, sẽ không gì thay đổi được mục đích chiến lược của Mỹ là kiềm chế Trung Quốc. Ngoài việc gia tăng các ảnh hưởng địa chính trị, các giải pháp kinh tế chắc chắn cũng sẽ được sử dụng.

Gần đây, các quỹ đầu tư cổ phiếu của Mỹ đã có 3 tuần rút ròng, ngược lại, các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi toàn cầu (GEM) được bơm ròng 3 tuần liên tiếp. Lần gần nhất GEM có tiền bơm ròng 3 tuần liền là tháng 4/2018. Đây là một diễn biến rất mới, xảy ra cùng thời điểm Hội nghị G20 đang đến gần. Điều này thể hiện sự kỳ vọng, thậm chí là đánh cược vào kết quả tích cực của cuộc gặp giữa ông Donald Trump – Tập Cận Bình tại hội nghị G20.

Tuy nhiên sẽ không gì có thể đảm bảo dòng tiền này sẽ gia tăng hoặc kéo dài. Thậm chí nếu hội nghị G20 diễn ra không như mong đợi, dòng vốn đảo chiều sẽ gây áp lực lớn hơn cho EM trong bối cảnh mức bi quan của giới đầu tư đang lên cao.

Vì vậy, thị trường mới nổi nhìn một cách tổng thể chưa có điểm sáng. Với những quốc gia có câu chuyện riêng biệt, dòng vốn vẫn có thể vào nhưng quy mô sẽ khó đạt được như thời “hoàng kim” cuối 2017, đầu 2018.

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/dong-von-ngoai-quay-ve-cac-thi-truong-moi-noi-dang-dat-cuoc-vao-ket-qua-hoi-nghi-g20-3482105.html