Dòng vốn hỗ trợ cho nhóm Nhật Cường Mobile

Trong quá trình phát triển, công ty Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường cũng không ít lần phát sinh nhu cầu vay vốn. Theo tìm hiểu, nhóm doanh nghiệp nổi danh đất thủ đô với thương hiệu Nhật Cường Mobile thường giao dịch với Ngân hàng TMCP Quân Đội (Mã CK: MBB) - Chi nhánh Ba Đình.

Địa chỉ đăng ký trụ sở của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường tại số 39-41 Lý Quốc Sư, Hà Nội (Ảnh: Q.V)

Như VietTimes đưa tin trước đó, ngày 9/5/2019, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện khám xét nhiều cửa hàng Nhật Cường Mobile.

Từ xuất phát điểm là cửa hàng sửa chữa điện thoại, từ năm 2001 tới nay, Nhật Cường Mobile đã phát triển hệ thống lên 9 cửa hàng bán lẻ tại Tp. Hà Nội, 1 trung tâm bảo hành và 1 trung tâm ERP tại Tp. HCM.

Được biết, Nhật Cường Mobile là thương hiệu do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (TMDV Nhật Cường - viết tắt: NC Technic) sở hữu.

Công ty TMDV Nhật Cường được thành lập ngày 20/6/2001, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 39 - 41 phố Lý Quốc Sư (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, HN). Song hành cùng sự phát triển của hệ thống của hàng Nhật Cường Mobile, quy mô vốn điều lệ của TMDV Nhật Cường đã tăng từ 5 tỷ đồng lên mức 38 tỷ đồng như hiện nay.

Cơ cấu cổ đông của Nhật Cường Mobile bao gồm 2 cá nhân là ông Trần Ngọc Ánh (góp 2,8 tỷ đồng, chiếm 10%) và ông Bùi Quang Huy (góp 34,2 tỷ đồng, chiếm 90% vốn). Ông Huy sinh năm 1974, đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật và có hộ khẩu thường trú tại phường Hàng Trống, Quận Hoàn Kiếm, HN.

Trong quá trình phát triển và hoạt động kinh doanh, công ty TMDV Nhật Cường cũng không ít lần phát sinh nhu cầu huy động nguồn vốn vay ngân hàng, mà ở đây chủ yếu đến từ Ngân hàng TMCP Quân Đội (Mã CK: MBB) - Chi nhánh Ba Đình.

Theo dữ liệu của VietTimes, các tài sản đảm bảo của công ty TMDV Nhật Cường cũng khá đa dạng, như ô tô con (nhãn hiệu: LANDROVER, TOYOTA), hàng tồn kho (điện thoại di động, phụ kiện các loại). Trong đó, TMDV Nhật Cường từng đem lượng hàng tồn kho có giá trị lên tới 60 tỷ đồng, gấp gần 2 lần quy mô vốn điều lệ, đem thế chấp ngân hàng.

Đáng chú ý, vào tháng 10/2017, TMDV Nhật Cường đã thay mặt liên danh giữa công ty này và Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đông Kinh thực hiện thế chấp tài sản đảm bảo là quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng kinh tế 01-2016/HĐKT/HAPI-NC-DKC ngày 26/12/2016 về việc thực hiện Gói thầu số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội của Sở Kế hoạch và Đầu tư - năm 2016.

Vị Tổng Giám đốc của công ty này - ông Bùi Quang Huy - cũng nhiều lần thế chấp tài sản để vay ngân hàng. Gần đây nhất, vào tháng 11/2018, ông Huy đã thế chấp 90% vốn góp tại TMDV Nhật Cường có giá trị 34,2 tỷ đồng để vay vốn tại MBB - Chi nhánh Ba Đình. Trước đó, vợ chồng ông Huy cũng sử dụng các tài sản có giá trị khác như xe sang Bentley, LandRover, Lexus hay căn nhà rộng 694 m2 tại 151 Thụy Khê, Tây Hồ để bảo đảm khoản vay.

Được biết, địa chỉ số 39 - 41 Lý Quốc Sư (Hà Nội) cũng là nơi đăng ký trụ sở chính của Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (GPPM Nhật Cường - viết tắt: Nhật Cường Software) do ông Bùi Quang Huy đảm nhiệm vai trò Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Công ty này có ngành nghề kinh doanh chính là xuất bản phẩn mềm, được thành lập vào năm 2016, có quy mô vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Dù mới được thành lập nhưng GPPM Nhật Cường đã thực hiện một số dự án tại Hà Nội như: Cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm Lưu trú trực tuyến...

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, công ty này chưa thực hiện giao dịch tín dụng nào với ngân hàng./.

Phạm Duy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/dong-von-ho-tro-cho-nhom-nhat-cuong-mobile-352667.html