Động viên và phân phối hợp lý nguồn lực tài chính nhà nước giai đoạn 1955 – 1960

Giai đoạn 1955-1960, đi đôi với chủ trương khôi phục kinh tế, Đảng và Nhà nước đã chủ trương củng cố nền tài chính quốc gia, chỉ rõ những nhiệm vụ tài chính thích hợp trong điều kiện lịch sử kinh tế - xã hội thời điểm này. Tài chính đã quán triệt chủ trương quan điểm của Đảng, Nhà nước, vươn lên cân bằng được thu chi ngân sách một cách tích cực, đáp ứng tốt nhu cầu về vốn to lớn hơn trước và sử dụng vốn đúng hướng, có hiệu quả góp phần xứng đáng vào thắng lợi của những nhiệm vụ kinh tế xã hội giai đoạn này.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc ngành Tài chính (năm 1958)

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc ngành Tài chính (năm 1958)

Bối cảnh kinh tế - xã hội giai đoạn 1955-1960

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve được ký kết năm 1954 đã kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến của Nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược. Tuy nhiên, đất nước vẫn bị chia cắt 2 miền Nam, Bắc, trong khi miền Bắc phải chịu những tàn dư nặng nề của chiến tranh tàn phá thì miền Nam phải sống dưới ách đô hộ tàn bạo của đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.

Sự nghiệp cách mạng của miền Bắc có thuận lợi cơ bản là đã lập lại được hòa bình, nhân dân ta đoàn kết, yêu nước, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hăng hái thực hiện chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Tuy vậy, khó khăn thách thức với chính quyền vừa thực hiện tiếp quản là rất lớn do nền kinh tế miền Bắc vốn có xuất phát điểm là kinh tế nông nghiệp lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh ác liệt kéo dài. Trong vùng mới giải phóng, nhiều ngành sản xuất bi đình đốn, kéo theo nạn thất nghiệp trầm trọng.

Bên cạnh những khó khăn trên, tình trạng đất nước tạm thời bị chia cắt làm mất đi sự bổ sung, hỗ trợ nhau về kinh tế của miền Nam đối với miền Bắc về lúa gạo cũng là một thách thức không nhỏ. Ngoài ra, thực dân Pháp câu kết với đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền tay sai ở miền Nam, ra sức phá hoại sự nghiệp thống nhất của nhân dân ta, âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự để tiến công, thôn tính miền Bắc.

Đi đôi với chủ trương khôi phục kinh tế, Đảng và Nhà nước đã chủ trương củng cố nền tài chính quốc gia, chỉ rõ những nhiệm vụ tài chính thích hợp trong điều kiện lịch sử kinh tế - xã hội và yêu cầu khôi phục kinh tế trong thời điểm này. Theo đó, ngành Tài chính nỗ lực tìm giải pháp để tạo thêm nguồn thu trên cơ sở phát huy quyền chủ động sản xuất - kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh đi đôi với việc tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển và đời sống nhân dân.

Sau 3 năm khôi phục kinh tế (1955-1957), tình hình kinh tế miền Bắc có những chuyển biến quan trọng. Tuy nhiên, về cơ bản, miền Bắc vẫn là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, có nhiều thành phần, trong đó kinh tế cá thể, cả nông nghiệp và tiểu thù công nghiệp, chiếm tỷ trọng rất lớn. Hoạt động của kinh tế tư bản tư doanh bước đầu bị hạn chế nhưng vẫn giữ nguyên bản chất tự phát, đầu cơ, lũng đoạn thị trường, khu vực quốc doanh phát triển nhanh nhưng vẫn chưa trở thành chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 (tháng 11/1958) và lần thứ 16 (tháng 4/1959) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định đẩy mạnh cuộc Cách mạng XHCN ở miền Bắc. Hội nghị lần thứ 14 đã vạch ra kế hoạch 3 năm cải tạo XHCN, bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa, mà nhiệm vụ trọng tâm là ra sức cải tạo nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh theo CNXH, khâu chính là đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp, đồng thời tích cực phát triển và củng cố các thành phần kinh tế quốc doanh.

Từ đó, nhiệm vụ của ngành Tài chính được đặt ra trong thời kỳ này là: Nghiên cứu, xây dựng các chính sách, chế độ, biện pháp tài chính thích hợp với tình hình mới để điều tiết một phần thu nhập xã hội, phục vụ nhiệm vụ cải tạo và phát triển; Tích cực tăng thu; chú trọng tăng thu từ nội địa, dựa trên cơ sở phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hóa; Cải tiến quản lý chi, phát huy triệt để hiệu quả đầu tư xây dựng kinh tế, văn hóa, thiết thực phục vụ lợi ích của nhân dân; triệt dể tiết kiệm trong mọi chi phí về hành chính và tiêu dùng; Đổi mới chính sách quản lý tài chính nhằm phù hợp với điều kiện mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo, để cao ý thức chấp hành kỷ luật tài chính của các ngành, các cấp; xúc tiến việc phân cấp quản lý tài chính.

Thực hiện các nhiệm vụ trên, ngành Tài chính trong thời kỳ này đặc biệt chú trọng đến việc sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm củng cố quan hệ sản xuất mới trên cơ sở giúp đỡ về mặt tài chính cho phát triển sản xuất kinh doanh; Tăng cường đầu tư đi đôi với cải tiến quản lý kinh tế quốc doanh, đưa kinh tế quốc doanh lên vị trí chủ đạo đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân, bảo bảo nguồn tích lũy lớn nhất và vững chắc nhất cho NSNN.

Động viên và phân phối nguồn lực tài chính nhà nước

Về thu ngân sách nhà nước

Nhờ việc thay đổi nhiều chính sách thu, linh hoạt trong điều hành chính sách thuế, phí phù hợp với thực tế và từng vùng miền nên thu NSNN thời kỳ này ngày càng tăng. Kết quả của việc thực hiện nhiều giải pháp thu NSNN là tổng số thu ngân sách năm 1956 từ nguồn trong nước tăng 1,34 lần so với năm 1955; năm 1957 tăng 1,94 lần so với năm 1956.

Số thuế thu được chiếm tỷ trọng trên 74% tổng số thu trong nước năm 1956 và 87% năm 1957 (mặc dù Nhà nước đã có chính sách giảm nhẹ tỷ lệ đóng góp đối với nông dân, hạ thấp thuế nông nghiệp từ 17,5% thu nhập của nông dân năm 1955 xuống 10% năm 1956 và 6% năm 1957). Nguồn thu trong nước tăng lên, trong đó thuế chiếm vị trí chủ yếu.

Đáng chú ý là thu về thuế ngoài quốc doanh trong giai đoạn này vẫn là nguồn thu quan trọng, chiếm vị trí lớn nhất, song chiều hướng có phần giảm tỷ trọng trong cơ cấu thu ngân sách do tốc độ thu từ xí nghiệp quốc doanh tăng nhanh hơn và do Đảng và Nhà nước quan tâm giảm nhẹ mức đóng góp cho nhân dân. Về mặt cơ cấu, số thu từ 2 khu vực này chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng trong tổng số thu ngân sách nhà nước: năm 1956 chiếm 44,4%, năm 1957 chiếm 54,6%, trong đó thu từ xí nghiệp quốc doanh tăng từ 13,6% lên 24,6%.

Trong cơ cấu nguồn thu, thuế nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng thu trong nước (năm 1955: 50,5%; năm 1956: 25,8%; năm 1957: 17,9%) trong điều kiện cải cách ruộng đất cơ bản đã hoàn thành. Trong giai đoạn đầu mới ban hành, thuế thổ trạch cũng là nguồn thu đáng kể của NSNN, đặc biệt là đối với ngân sách địa phương.

Một nguồn thu quan trọng của Việt Nam giai đoạn này là viện trợ. Việt Nam vẫn được các nước XHCN anh em dành cho sự viện trợ khá lớn. Phần viện trợ quan trọng của các nước XHCN chiếm khoảng 37% tổng số thu của NSNN đã đáp ứng được mọi nhu cầu chi tiêu cần thiết, kể cả phần đầu tư phát triển kinh tế (năm 1955: 35,7%, năm 1956: 47,8%, năm 1957: 51,1% so với tổng số chi NSNN).

Trong ba năm 1958-1960, nhờ những cố gắng về mọi mặt thực hiện thắng lợi kế hoạch cải tạo XHCN và phát triển kinh tế văn hóa nền sản xuất xã hội của miền Bắc với tốc độ nhanh. Bình quân hàng năm sản phẩm xã hội tăng 14,1% thu nhập quốc dân càng tăng với nhịp độ cao.

Trên cơ sở thu nhập quốc dân tăng và với các chính sách tài chính được hoàn thiện, bổ sung thêm, đã cố gắng tổ chức công tác động viên nguồn vốn trong nước, tranh thủ nguồn vốn ngoài nước nên thu NSNN tăng nhanh qua từng năm với tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mở đầu công cuộc xây dựng kinh tế XHCN. Mặc dầu nguồn viện trợ của các nước anh em ngày càng nhiều, tỷ trọng số thu trong nước trong tổng số thu ngân sách vẫn tăng lên năm sau cao hơn năm trước, nhất là thu từ kinh tế quốc doanh.

Nhịp độ tăng thu từ kinh tế quốc doanh lớn hơn nhịp độ tăng thu ngân sách nói chung và nhịp độ tăng thu trong nước nói riêng tiếp tục đánh dấu bước cải thiện quan trong trong cơ cấu thu ngân sách: một mặt thể hiện sự lớn mạnh của khu vực kinh tế quốc doanh (đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách hàng năm), mặt khác góp phần nâng cao tỷ trọng thu ngân sách trong nước, giảm tỷ trọng thu ngoài nước, thể hiện quan điểm tự lực, tự cường, xây dựng nền tài chính quốc gia của Đảng và Nhà nước ta thời kỳ này.

Về chi ngân sách nhà nước

Bước vào giai đoạn đất nước có hòa bình, độc lập tại miền Bắc, quy mô, phương hướng và kết cấu chi có sự thay đổi rõ rệt so với thời kỳ kháng chiến, phản ánh đúng chủ trương và đáp ứng tốt đòi hỏi của nhiệm vụ mới. Nét nổi bật trong chi NSNN là nếu trong chiến tranh, ngân sách chủ yếu phục vụ cho chiến đấu và một phần ít ỏi dành cho xây dựng kinh tế thì nay khoản chi về xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa chiếm tỷ trọng lớn.

Ba năm đầu sau khi miền Bắc giành được độc lập, giai đoạn 1955 - 1957, nhiệm vụ chi tập trung cho khôi phục, xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa chiếm khoảng 60% tổng số chi NSNN, ngược lại chi cho quốc phòng giảm nhiều so với trước, đặc biệt là chi cho quản lý hành chính đã được Nhà nước tăng cường theo tiêu chuẩn, định mức chặt chẽ, nên tỷ trọng giảm nhanh qua từng năm.

Để đáp ứng nhiệm vụ kiến thiết đất nước sau chiến tranh, ngân sách đã dành trên 45% tổng số chi cho XDCB, trong đó tập trung cho khu vực sản xuất gần 80%, với tốc độ tăng chi bình quân hàng năm là 56%. Từ số vốn này, ngành công nghiệp đã được đầu tư khoảng 30%, ngành nông nghiệp được dầu tư 13,3%, còn lại là các ngành khác.

Nhờ bảo đảm cung ứng kịp thời nguồn vốn, công cuộc khôi phục kinh tế đã đạt thành tựu to lớn về nhiều mặt, trước hết về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Cụ thể là so với mức sản xuất của năm 1939 (là năm có mức thịnh vượng cao nhất trong thời kỳ Pháp thuộc), năm 1957, diện tích trồng lúa bằng 1,21 lần, năng suất bằng 1,38 lần, sản lượng bằng 1,64 lần, thóc bình quân đầu người bằng 1,35 lần.

Cũng như vậy, sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp bằng 2,99 lần (trong đó nhóm A bằng 1,34 lần, nhóm B bằng 4,83 lần). Nhờ đó, công nghiệp đã cung cấp cho nền kinh tế quốc dân những sản phẩm thiết yếu cũng như đã đáp ứng được cho nhân dân nhiều hàng tiêu dùng, kể cả một số mặt hàng trước đây ta chưa sản xuất được, phải hoàn toàn đưa vào nhập khẩu.

Sản xuất công, nông nghiệp không những đạt mà còn nhiều mặt có mức vượt so với năm cao nhất trước chiến tranh. Giao thông vận tải không còn bị ách tắc. Lưu thông hàng hóa được mở rộng trên toàn miền Bắc. Thị trường giá cả, tiền tệ đi vào thế ổn định...

Những thành tựu của công cuộc khôi phục kinh tế, tài chính đã tạo cơ sở vững chắc hơn để phát huy vai trò và tác dụng tích cực trên con đường xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Giai đoạn 1958-1960, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục trên đà phát triển, số thu không ngừng tăng lên, do vậy, tốc độ chi cũng tăng theo tương ứng. Từ tổng số chi cho phát triển kinh tế - văn hóa chiếm tỷ trọng trên dưới 60% chi NSNN giai đoạn khôi phục kinh tế, sang những năm 1958 - 1960, Nhà nước đã dành khoảng 70% chi ngân sách cho kiến thiết kinh tế và phát triển văn hóa, tăng 10% về tỷ trọng so giai đoạn 1955-1957. Cụ thể: Năm 1958 tăng 11%, năm 1959 tăng 26,4%, năm 1960 tăng 27,9% so tương ứng với năm trước đó.

Số chi được tập trung chủ yếu cho việc xây dựng các cơ sở quốc doanh công nghiệp, giao thông vận tải, thương nghiệp và hệ thống các trường trung học chuyên nghiệp... riêng chi cho phát triển kinh tế chiếm trung bình 55% tổng số chi (chi XDCB chiếm vị trí cao nhất, 35,3% tổng số chi năm 1958, sau đó tăng lên 43,8% năm 1959 và lên tới 50,6% năm 1960).

Trong khi đó, chi cho quốc phòng giảm từ 21,2% tổng số chi năm 1957 xuống còn 16,6% năm 1960; chi hành chính và chi khác từ 17% xuống 14,8%.

Tài liệu tham khảo:

1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính

2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính: mof.gov.vn

PV (t/h)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chuyen-dong-tai-chinh/dong-vien-va-phan-phoi-hop-ly-nguon-luc-tai-chinh-nha-nuoc-giai-doan-1955-1960-350972.html