Động viên tinh thần chiến sĩ trên tuyến đầu

'Tự hào người lính hôm nay/ Quên mình chống dịch tháng ngày xông pha/ Dịch bệnh mấy chục ngày qua/ Các anh dọn dẹp cửa nhà đón dân...', những lời hát văn trong bài 'Tự hào người lính Cụ Hồ' do Nghệ sĩ Ưu tú Cao Ngọc Sơn thể hiện qua lời thơ của Trần Quang Đẩu đang nhận được sự yêu thích của đông đảo người nghe trong thời điểm cả đất nước chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19.

Nói đến Trần Quang Đẩu là nhắc đến một nhà thơ, một người mê dân ca. Sinh ra và lớn lên tại xã Mê Linh, huyện Đông Hưng (Thái Bình) có truyền thống văn hóa, văn nghệ, vì thế Quang Đẩu sớm có tình yêu với nghệ thuật chèo. Quê anh mỗi thôn trong xã đều có một chiếu chèo. Trong gia đình, bố anh là thầy thuốc nhưng rất thích hát chèo; anh trai của anh cũng từng là nghệ sĩ của đội chèo Tỉnh đội Hà Bắc trước đây. Anh lớn lên trong tiếng hát ru và điệu chèo ấm áp của bà, của mẹ để đến tận bây giờ khi đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn còn khắc sâu vào tâm trí anh.

Tình yêu với nghệ thuật chèo ngày càng nồng đượm hơn khi anh được rèn luyện 25 năm trong quân đội và hơn 10 năm chuyển ngành về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chính thời gian trong quân ngũ, anh có nhiều cơ hội tiếp xúc với các bạn trẻ trong và ngoài quân đội, được giao lưu và hát những ca khúc trong trẻo, trong đó có nhiều làn điệu dân ca của ba miền.

 Tác giả bài hát văn “Tự hào người lính Cụ Hồ” Trần Quang Đẩu.

Tác giả bài hát văn “Tự hào người lính Cụ Hồ” Trần Quang Đẩu.

Từ khi rời quân ngũ, nhà thơ Trần Quang Đẩu tích cực tham gia và đã đoạt giải tại các hội diễn văn nghệ. Anh đã sáng tác và được Hội Nhà văn Việt Nam cấp phép in hai tập thơ (“Giọt nước Trường Sa”-2017, “Quà quê”-2018) và cũng đã viết lời cho hàng chục bài hát chèo, chầu văn, xẩm, ca cải lương, ca Huế. Đặc biệt, ngay từ khi có dịch Covid-19, anh đã nghĩ ngay đến công tác tuyên truyền bằng âm nhạc dân tộc và thơ ca để phòng, chống dịch bệnh. Và bài “Tự hào người lính Cụ Hồ” được anh sáng tác sau nhiều ngày ấp ủ. Anh chia sẻ: “Tôi đã từng là người lính hải quân xung trận nơi “đầu sóng ngọn gió” ở quần đảo Trường Sa từ năm 1988, nay trước đại địch thì phải viết thơ rồi chuyển thành những bài hát chèo, hát văn và cả xẩm, ca Huế, ca cải lương để bà con ba miền cùng hiểu về dịch bệnh, từ đó chung tay phòng, chống dịch. Vậy là tôi viết ngày đêm không nghỉ, cứ xem xong thông tin trên truyền hình hay qua đài, báo là tôi lại có ý tưởng viết một bài thơ. Đến nay tôi đã viết hơn chục bài thơ và được các anh chị nghệ sĩ khắp nơi hát cũng đến gần chục bài đủ các thể loại”.

Là người thể hiện bài hát “Tự hào người lính Cụ Hồ”, NSƯT Cao Ngọc Sơn (Nhà hát Chèo quân đội) cho biết: “Tôi rất hào hứng khi được hát bài này trong lúc toàn dân, toàn quân đang đẩy mạnh phòng, chống dịch. Bài hát ra đời đã kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ quân đội nêu cao tinh thần cống hiến vì cộng đồng, sẵn sàng xông pha lên tuyến đầu chống dịch, khắc sâu hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng dân".

Bài và ảnh: NGÔ KHIÊM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/dong-vien-tinh-than-chien-si-tren-tuyen-dau-616440