Động viên phương phưởng!

Đoàn công tác của một tổ chức quần chúng vừa kết thúc chuyến thăm, tặng quà một địa phương miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn.

Tình cảm mà cán bộ, nhân dân nơi đây dành cho đoàn thật nồng ấm. Tôi không sao quên được những cái bắt tay thật chặt, những giọt nước mắt lưu luyến của không ít thành viên đoàn công tác trước giờ chia tay. Chuyến hành trình rất ý nghĩa và đầy ắp những cảm xúc là vậy, nhưng vẫn để lại trong tôi đôi điều suy nghĩ.

Ấy là chuyện một số thành viên trong đoàn công tác chỉ “thăm” mà không “động”, nghĩa là chủ yếu tham quan, khám phá vùng đất mới mà rất ít thăm hỏi, trò chuyện, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại những điểm mà đoàn dừng chân. Trong khi phần đông thành viên tất bật vận chuyển quà tặng, tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ và trò chuyện cùng chiến sĩ, bà con nhân dân, thì một số bạn trẻ mải mê chụp ảnh, ghi lại sự có mặt của mình ở những nơi đoàn đến, để khi về sẽ khoe “thành tích”, hình ảnh của mình với bạn bè, với cộng đồng trên facebook.

Thêm nữa, trong suốt hành trình gần một tuần lễ, một số thành viên còn mải giao lưu... bia, rượu với những thành viên khác trong đoàn công tác; có người, có ngày do quá chén nên không thể tham gia trọn vẹn các hoạt động... Kết thúc chuyến công tác, đồng chí trưởng đoàn hầu như chỉ điểm lại những nơi đã đến, những việc đã làm mà không hề nhắc đến, chấn chỉnh những "vết gợn" trên để rút kinh nghiệm.

Được đến những nơi còn nhiều khó khăn, nơi địa đầu Tổ quốc hay biển, đảo xa xôi là niềm mong mỏi, tự hào của rất nhiều người, nhưng cũng là ước nguyện chưa thành của không ít người. Bởi vậy, những ai đã, đang và sắp có cơ hội này hãy thật sự trân quý điều đó. Những hoạt động trên vừa mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, đồng thời là sự động viên, khích lệ đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các vùng còn khó khăn. Điều mà mỗi con người nơi đây rất cần là tình cảm tự đáy lòng, từ những cái bắt tay nồng ấm, những lời sẻ chia, khích lệ, động viên thực chất; sự giúp đỡ, sẻ chia thiết thực, hiệu quả.

Những hiện tượng như trên không nhiều, tuy nhiên, cần loại bỏ tư tưởng bàng quan, những kiểu động viên phương phưởng, mang tính hình thức. Để xảy ra tình trạng trên, cùng với nguyên nhân chủ quan thì một phần do công tác tổ chức chưa thực sự chặt chẽ, công tác tư tưởng chưa được quán triệt nghiêm túc đến từng thành viên trong đoàn...

Hoạt động thiện nguyện không phải là làm theo phong trào, làm cho có thành tích để được biểu dương, ghi nhận, cũng không phải là việc làm mang ý nghĩa ban phát, mà là trách nhiệm của toàn xã hội để chia sẻ khó khăn, chung tay góp sức giúp người nghèo, thu hẹp khoảng cách vùng, miền. Thăm hỏi, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn là hoạt động thường xuyên, rất ý nghĩa của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Những hoạt động đó sẽ trọn vẹn và ý nghĩa hơn nếu mỗi người ý thức rõ tình cảm, trách nhiệm của mình với tập thể và với cộng đồng, xã hội.

TRẦN MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/dong-vien-phuong-phuong-544871