Động vật sẽ không còn 'lo' bị làm thịt?

Thịt được bào chế trong phòng thí nghiệm, tức thịt sinh sôi nảy nở từ một ít tế bào động vật có được gọi là thịt không? Mặc dù cho đến nay loại thịt này vẫn chưa được bán rộng rãi trong siêu thị, nó có tiềm năng thay đổi tận gốc rễ ngành chăn nuôi và đang gây ra tranh luận về tên gọi.

Tháng 5-2018, tiểu bang Missouri thông qua đạo luật cấm chào bán trên thị trường bất kỳ vật gì không “trích xuất từ gia súc, gia cầm được nuôi để tiêu thụ” mà gọi tên là thịt. Tuần trước, những người ủng hộ loại thịt nhân tạo đã kiện đạo luật này, trên cơ sở bị xâm phạm quyền tự do ngôn luận ngay trước khi đạo luật có hiệu lực.

Những doanh nghiệp khởi nghiệp từ loại thịt nhân tạo tin rằng sản phẩm của họ một ngày nào đó không xa sẽ làm cho ngành nuôi bò, heo, gà - ngay cả cá - trở nên lạc hậu. Memphis Meats, Just, Finless Foods, SuperMeat (tại Israel), và Mosa Meat (tại Hà Lan) là một số công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Còn các tổ chức phi lợi nhuận rót tiền tài trợ cho các doanh nghiệp này.

Nhiều tỉ phú như Bill Gates và Richard Branson đang ủng hộ các nỗ lực này vì họ cho rằng nếu có thể tạo ra thịt trong phòng thí nghiệm để thỏa mãn một phần nhu cầu của con người mà không gây hại cho môi trường, không gây ra các vấn đề thể chất và tinh thần cho vật nuôi thì đây là một hướng đi cần khuyến khích. Một số công ty tuyên bố gần đến lúc họ giới thiệu sản phẩm giống y thịt heo bằm (hamburger) hay xúc xích ra thị trường. Công ty Just có kế hoạch tung ra thịt gà phát triển trong phòng thí nghiệm vào cuối năm nay ra các tiệm ăn bên ngoài nước Mỹ.

Theo giải thích của tờ Vox, thịt nhân tạo bắt nguồn từ tế bào, có thể dùng tế bào gốc, tế bào ở bắp thịt, tế bào mô mỡ... nhúng trong một môi trường tăng trưởng. Môi trường này như một thứ súp các dưỡng chất bắt chước những gì diễn ra bên trong cơ thể động vật. Tùy vào loại tế bào ban đầu và môi trường dưỡng chất, người ta có thể “tạo” ra các loại mô khác nhau. Tế bào bắp thịt sinh ra thêm nhiều tế bào bắp thịt khác, còn tế bào mỡ sinh ra thêm nhiều tế bào mỡ. Tế bào gốc thì có thể kích thích để sinh ra nhiều loại mô khác nhau.

Còn thêm một yếu tố khác ngoài tế bào và súp dưỡng chất: bộ khung. Tế bào cần một khung để phát triển. Nếu bộ khung sau này thành một phần của sản phẩm sau cùng, như thịt beefsteak, thịt ức gà đương nhiên nó cũng phải ăn được. Còn nếu sau này thịt được tách khỏi bộ khung như trong các loại thịt băm, thịt xay nhuyễn thì bộ khung phải an toàn cho sức khỏe con người.

Vox cho biết cách giải thích trên là đơn giản hóa một quy trình phức tạp hơn nhiều và được kiểm soát chặt chẽ. Quy trình diễn ra bên trong một thứ gọi là lò phản ứng sinh học - một hộp kín nơi người ta có thể kiểm soát nhiệt độ, độ pH, tỷ lệ oxy và một loạt các yếu tố khác. Hiện nay công ty Just đang thử nghiệm với hộp 2 lít. Một trong những câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp này là liệu quy trình có thể nhân rộng một cách dễ dàng.

Để làm ra thịt nhân tạo, người ta phải vượt qua một số thử thách quan trọng. Đầu tiên, nguồn protein, vitamin, đường và hormone dùng trong súp dưỡng chất nếu không lấy từ máu động vật thì lấy đâu ra để tránh chi phí rất đắt đỏ khi chế tạo thịt. Thứ hai là chế tạo lò phản ứng sinh học có cấu trúc chuyển giao dưỡng chất đến tế bào ở trung tâm miếng thịt (như hệ mạch máu trong tế bào động vật trong thực tế). Lò phản ứng làm được chuyện đó mới mong chế tạo thịt tảng còn không sẽ chỉ tạo ra được thịt bằm, thịt xay.

Sau đó là đến những khó khăn trong quản lý nhà nước trước khi phê duyệt cho thịt nhân tạo ra thịt trường. Chẳng hạn, phải bảo đảm không có chất gây dị ứng trong bộ khung tạo thịt, mức độ hormone tương đương với thịt truyền thống, thịt nhân tạo không gây hại cho sức khỏe người tiêu thụ, cả trước mắt lẫn lâu dài. Tháng 7-2018, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã tổ chức buổi điều trần chi tiết về các vấn đề an toàn thực phẩm của thịt nhân tạo. Những người làm trong ngành này đều hiểu rõ, quản lý nhà nước là thiết yếu để chiếm lòng tin của người tiêu dùng. Bằng không nếu họ không chấp nhận thịt nhân tạo, coi như mọi công sức nghiên cứu sẽ trôi sông.

Trở lại với vấn đề gọi tên, hiện nhiều người đề nghị các tên gọi khác nhau, người thì thịt sạch, người thì thịt nuôi trong phòng thí nghiệm. Các nhóm vận động thuộc các hiệp hội chăn nuôi phản đối việc dùng từ thịt. Những người làm thịt nhân tạo cho rằng sản phẩm của họ có vị y như thịt thật vì bản chất của chúng cũng là thịt. Sau này họ có thể chiếm cảm tình của người tiêu dùng bằng các câu chuyện, chẳng hạn, thịt của họ giúp gia súc tránh cảnh bị giết mổ, gia cầm khỏi bị nhốt trong các chuồng chật hẹp, không bị hành hạ trước khi bị đem ra làm thịt. Hay thịt nhân tạo sẽ giúp giải quyết các đợt dịch bệnh từ gia cầm, gia súc; giải quyết luôn chuyện vi khuẩn lờn thuốc vì người ta cho động vật nuôi dùng kháng sinh bừa bãi.

Có lẽ tất cả đều không quan trọng so với tâm lý người tiêu dùng. Theo một khảo sát của Datassential chỉ 10% người tiêu dùng có biết đến thịt nhân tạo, chủ yếu là giới say mê công nghệ và giới trẻ. Vì thế không có cách nào thăm dò xem mọi người sẽ đón nhận thịt nhân tạo như thế nào một cách chính xác. Và trong tâm lý của người tiêu dùng còn thêm yếu tố tiền bạc nữa. Chiếc bánh mì kẹp thịt nhân tạo đầu tiên vào năm 2013 có giá thành đến 300.000 đô la, nay giảm xuống còn 11 đô la nhưng vẫn còn cao. Năm ngoái thịt của Memphis Meats có giá thành vào khoảng 5.000 đô la mỗi ki lô gam! Dĩ nhiên giá thành này sẽ giảm nhanh chóng khi người ta đưa vào sản xuất đại trà nhưng để giảm đến mức người tiêu dùng chấp nhận được thì còn phải một thời gian khá dài nữa.

Nguyễn Phan

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278098/dong-vat-se-khong-con-lo-bi-lam-thit-.html