Đồng Văn thoát nghèo

Đồng Văn từng là xã nghèo nhất của huyện nghèo Bình Liêu. Thời điểm năm 2016, cứ 10 hộ dân thì có đến 7,5 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, có bản 'bói không ra' hộ gọi là đủ ăn, đủ tiêu. Thế nhưng nhờ được đầu tư hạ tầng, nhờ có những điển hình tiên tiến để làm điểm tựa và người dân biết xấu hổ vì mình nghèo... giờ đây Đồng Văn không chỉ thoát 'mác' nghèo nhất huyện, mà còn ra khỏi diện 135 (diện ĐBKK) ở cả 2 cấp xã và thôn, về đích trước mục tiêu do tỉnh, huyện đề ra.

Người dân tộc Dao thôn Khe Mọi, xã Đồng Văn vui vẻ, hòa đồng và thân thiện.

Người dân tộc Dao thôn Khe Mọi, xã Đồng Văn vui vẻ, hòa đồng và thân thiện.

Lan tỏa tinh thần thoát nghèo

Tinh thần thoát nghèo, vươn lên làm giàu như làn gió tươi mới thổi vào từng căn bếp, mái nhà người Dao ở xã Đồng Văn. Trong 3 năm, Đồng Văn đưa 381 hộ dân ra khỏi diện nghèo, cận nghèo, trong đó năm 2019, số hộ thoát nghèo, cận nghèo là 163. Giờ toàn xã chỉ còn lại 35 hộ nghèo, vốn không có khả năng thoát nghèo. Những lá đơn tình nguyện xin thoát nghèo thấp thoáng đâu đó trong năm 2018 thì nay trở nên phổ biến, cho thấy quyết tâm rũ bỏ cái nghèo của người dân.

Xã Đồng Văn có 9 thôn, bản, với 702 hộ dân. Tuyến đường bê tông mới tinh, uốn lượn như dải lụa đưa chúng tôi đến Sông Moóc B, bản có số hộ nghèo cao nhất, cũng là bản có tốc độ thoát nghèo nhanh nhất hiện nay của xã. Toàn bản Sông Moóc B có 77 hộ dân thì thời điểm năm 2016 gần như toàn bộ đều là hộ nghèo, cận nghèo. Đầu năm 2019, con số này là 69, thế nhưng cuối năm đã có 41 hộ thoát nghèo, trong đó 17 hộ viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo; 13 hộ thoát cận nghèo.

Sông Moóc B có cảnh quan tươi đẹp, diện tích rừng hồi lớn, địa chất hợp với phát triển nông sản. Có lẽ, bao năm qua người dân nơi đây nghèo là do tư duy chậm tiến bộ, có phần trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Từ khi các thương lái theo con đường bê tông đến tận chân đồi nhận hàng, người dân không phải gồng gánh vài km trên con đường gập ghềnh, rộng chưa đầy 60cm ra trung tâm xã bán như xưa; khi ngày càng có nhiều những vị khách du lịch đến bản, kéo theo nhu cầu về dịch vụ nhà ở, hàng quán... người dân Sông Moóc B đã tự bảo mình, bảo nhau phải chuyển đổi, chăm chút cho vườn đồi, xây sửa lại nhà cửa, cải tạo chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh...

Đưa chúng tôi đến thăm các hộ đang xây nhà mới, Trưởng bản Sông Moóc B Tằng Dảu Phồng cho biết: Những năm trước đây, việc vận động người dân Sông Moóc B cứng hóa nhà ở không dễ, kể cả là được hỗ trợ kinh phí, thế nhưng từ năm 2018 đến nay, rất nhiều hộ trong bản đăng ký tham gia phong trào này. Cơ chế khuyến khích xây nhà dành cho xã 135 với mức hỗ trợ 10-25 triệu đồng/nhà càng làm cho các hộ dân phấn khởi, khí thế. Đến nay, Sông Moóc B đã có hơn 30 nhà mới, trong đó 20 nhà đang tích cực thi công để có thể hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2020.

Tuyến đường liên thôn chạy qua bản Sông Moóc B tạo động lực phát triển cho người dân.

Những rừng hồi mang lại nguồn thu lớn cho người dân Đồng Văn.

Đáng nói, trị giá mỗi nhà trung bình đạt 200 triệu đồng, có nhà lên tới 400-500 triệu đồng, gấp hàng chục lần số tiền được hỗ trợ, cho thấy sự nỗ lực, tính chủ động, khát khao đổi thay của người dân Đồng Văn, điều mà từ trước đến nay không có. Người dân Sông Moóc B hiện nay chăm lao động hơn, biết tích lũy và sau mỗi vụ lúa, hồi, thay vì quanh quẩn ở nhà, trai tráng rủ nhau đi làm thuê. Ngày công của họ không thấp, dù là phụ xây, hái hồi, bốc vác thuê trên chợ Đồng Văn, hay đi làm công nhân thời vụ, đều đạt đến 300.000 đồng/người/ngày. Nguồn thu nhập này phục vụ tiêu dùng hàng ngày, còn các khoản từ thu hoạch hồi, quế, người dân dành để xây nhà. Tính ra mỗi vụ hồi, 77 hộ dân Sông Moóc B thu hơn 70 tấn, đạt doanh thu trên 1,5 tỷ đồng, một năm 2 vụ, giúp mỗi nhà có khoản tích lũy gần 50 triệu đồng.

Thôn Khe Mọi năm nay có 11 hộ thoát nghèo, 20 hộ thoát cận nghèo, trong đó các hộ thoát nghèo đều có đơn tình nguyện xin thoát nghèo. Trong căn nhà 2 tầng đang thi công, anh Tằng Chỉ Pẩu (hộ thoát nghèo năm nay) e thẹn nói: "Thoát nghèo thôi, mình có sức khỏe mà. Xã giúp thêm tiền, anh em giúp công xây dựng thì mình làm nhà, phải làm mới có nhà mới để ở chứ". Anh Chíu Dì Ngằn, một hộ thoát nghèo khác cho biết thêm: "Ai cũng xây nhà, cũng viết đơn xin thoát nghèo, mình cũng phải làm được á. Giờ mình không sợ không xây được nhà nữa vì chỉ mấy vụ hồi là trả hết nợ thôi..."

Có thể thấy, tinh thần thoát nghèo không chỉ lan tỏa ở Sông Moóc B, Khe Mọi, mà ở cả 9 thôn, bản của Đồng Văn, trở thành phong trào đầy khí thế, sôi nổi nơi vùng biên, núi cao, từng nhiều năm bị nghèo đói vây quanh.

Ngôi nhà của anh Tằng Dẩu Ón (bản Khe Mọi), đang được hoàn thiện, trị giá lên đến gần 500 triệu đồng.

Người dân bản Khe Mọi giúp nhau làm nhà.

Những điểm tựa tạo cảm hứng

Kết quả thoát nghèo của Đồng Văn trước tiên đến từ sự đổi thay của chính người dân khi biết phá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, biết xấu hổ khi mình nghèo, bên cạnh đó là sự tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ trúng, đúng của Nhà nước, sự đồng lòng từ cán bộ đến người dân, sự lan tỏa của các điển hình tiên tiến.

Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, đề án 196, Đồng Văn được đầu tư tương đối đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, trong đó các tuyến đường giao thông đã trở thành động lực phát triển trên địa bàn; các chính sách hỗ trợ xây, sửa nhà ở, chuồng trại, công trình vệ sinh... nhanh chóng thay đổi diện mạo mỗi thôn bản. Cách đồng hành, vận động của từng cán bộ xã cũng tiếp thêm ý chí thoát nghèo cho mỗi người dân. Không nhiều nơi như ở Đồng Văn có thể bắt gặp hình ảnh bí thư, chủ tịch xã, chủ tịch MTTQ xã hay các đoàn thể thân quen trong từng nếp nhà của người dân, được bà con coi như người nhà. Đấy chính là điều kiện để dân hiểu chính sách và phát triển.

Các mô hình phát triển sản xuất của những cá nhân điển hình đã tạo ra sự lan tỏa, cho người dân nhận thấy cơ hội kiếm tiền, kích thích khát khao làm giàu. Ở Đồng Văn, những cái tên như Tằng Vằn Dào (thôn Phạt Chỉ), Chìu Văn Phúc (thôn Phai Lầu), Dương Cắm Hếnh (thôn Khe Tiền)... đã trở thành cảm hứng sáng tạo, làm giàu của người dân, là điểm tựa của mỗi thôn bản. Xuất phát điểm như bao người dân trong xã, trong thời điểm Đồng Văn nghèo nhất, năm 2016, những cá nhân này đã vượt qua nhiều khó khăn để triển khai những mô hình kinh tế có giá trị cao.

Nhà văn hóa thôn Khe Mọi vừa được hoàn thành với số tiền đầu tư 1,3 tỷ đồng.

Hơn 10 năm gắn bó với Khe Mọi, Chủ tịch MTTQ xã Đồng Văn Tằng Dảu Sằn được người dân trong bản quý mến.

Đến nay, Tằng Vằn Dào là điển hình trong phát triển mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng. Homestay A Dào hiện có thể phục vụ ăn cho 60 khách, phục vụ nghỉ đêm cho 30 khách. Đặc biệt, cách làm du lịch của Tằng Vằn Dào là bền vững và hướng tới cộng đồng, mang lại cảm xúc trải nghiệm rất đậm nét, khó quên cho du khách và quan trọng là giúp các hộ dân liên kết cùng được hưởng lợi. Tương tự, Dương Cắm Hếnh đã chứng minh mình không "khùng" khi nuôi cá tầm trên núi. Mô hình táo bạo này của anh giờ đã phát triển gấp 10 lần khởi đầu năm 2016, mang về cho anh mỗi năm hàng tỷ đồng cá thương phẩm, đồng thời có nguồn giống cung cấp, hỗ trợ những hộ dân Khe Tiền muốn khởi nghiệp. Nỗ lực của anh chính là thông điệp “tôi làm được bạn cũng làm được” gửi đến người dân Đồng Văn. Còn với thôn Phai Lầu, Chìu Văn Phúc chính là người đã sát cánh cùng nhiều hộ dân phát triển các mô hình kinh tế có ưu thế trên địa bàn...

Thật phấn khởi khi những điển hình tiên tiến này tiếp tục được tín nhiệm, trở thành cán bộ xã, thôn của Đồng Văn, trong đó Tằng Vằn Dào đã chính thức được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn từ trung tuần tháng 11 vừa qua, từ đó càng có điều kiện tiếp thêm sức mạnh cho người dân.

Homestay A Dào là địa chỉ được khách du lịch yêu thích. Ảnh: Tô Đình Hiệu (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)

Anh Chìu Văn Phúc (thứ 2, phải qua), nhân tố lan tỏa tinh thần thoát nghèo ở Đồng Văn. Ảnh: Hùng Sơn

Đồng Văn hôm nay tuy vẫn còn có những khó khăn khi 35 hộ nghèo còn lại thuộc diện đặc thù, khó có thể thoát nghèo; số hộ cận nghèo vẫn còn khá cao, thế nhưng tinh thần vươn lên của người dân là rất mạnh mẽ. Nhịp chuyển động ấy cho phép Đồng Văn kỳ vọng vào một trang mới với sự phát triển mới, nhất là hiện nay xã đang được quy hoạch là vùng du lịch trọng điểm của Bình Liêu.

Chủ tịch UBND xã Đồng Văn Lý Văn Bình cho biết: Đồng Văn có nhiều tiềm năng du lịch như đỉnh Cao Ba Lanh nổi tiếng; hệ thống ruộng bậc thang, thác nước, rừng hồi, quế, sở, đường biên, cột mốc… hùng vĩ và tươi đẹp, trong đó thác Khe Tiền đã có nhà đầu tư xây dựng dự án phát triển quy mô; có bản văn hóa người Dao Sông Moóc và điểm hẹn văn hóa người Dao chợ Đồng Văn... Rồi đây, từ chính bàn tay, khối óc của các hộ đồng bào Dao ở Đồng Văn, những tài nguyên này sẽ được phát huy, trở thành nguồn lực của địa phương, của người dân. Và khi đó sẽ có một xã vùng biên Đồng Văn giàu đẹp, là động lực phát triển của toàn vùng, với người dân dư dả, năng động, hiện đại.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201911/dong-van-thoat-ngheo-2462041/