Đồng Văn (Hà Giang): Nơi gặp gỡ đất trời

Nhắc đến Hà Giang mọi người thường nhớ đến những cánh đồng hoa tam giác mạch quyến rũ. Thế nhưng, ở miền đất địa đầu Tổ quốc, nơi mà không ít người ví như 'thiên đường' của núi rừng, mỗi bước chân đặt lên mảnh đất này là một nguồn cảm xúc đa sắc màu lung linh; trong đó cao nguyên đá Đồng Văn trập trùng, ẩn hiện trong sương núi là một trong những địa điểm làm say lòng du khách, khiến bất kỳ ai cũng mong muốn một lần trở lại…

Cao nguyên đá - kiệt tác của thiên nhiên

Đặt chân tới Hà Giang vào lúc sáng sớm, lần đầu tiên đến nơi này nên chúng tôi không muốn lãng phí thời gian và cũng nóng lòng muốn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cao nguyên đá. Bởi thế, sau khi tạm dừng chân, uống vội bát nước chè xanh; mua một số vật dụng cần thiết cho chuyến đi, chúng tôi vội vàng theo chân anh bạn Phàn Giào Họ, một người đồng nghiệp cũ và cũng là một “thổ địa” ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc, khám phá, chiêm ngưỡng vùng đất mây ngàn.

Cao nguyên đá Đồng Văn kiệt tác giữa thiên nhiên

Cao nguyên đá Đồng Văn kiệt tác giữa thiên nhiên

Cưỡi trên “con ngựa sắt” nhãn hiệu YAMAHA “huyền thoại”, chúng tôi bắt đầu khám phá mảnh đất Đồng Văn bằng việc chinh phục cổng trời Quản Bạ, nơi được coi là “cửa ngõ” của sự huyền bí. “Con ngựa sắt” cũ kỹ oằn mình leo dốc, rồi miệt mài nhả khói khét lẹt vượt qua đèo Cán Tỷ với những khúc cua ngoằn nghoèo, hiểm trở bởi một bên là vách núi, một bên là vực sâu thăm thẳm… Quả thực, cung đường đèo hiểm trở là một thử thách lớn đối với những người lần đầu đến nơi này như chúng tôi.

Chinh phục được cổng trời Quản Bạ với những lần “giật mình” thon thót bởi những khúc cua tay áo, cao nguyên đá Đồng Văn hiện lên trước mắt chúng tôi với những đỉnh núi đá Tai mèo dựng đứng. Cao nguyên đá nằm chênh vênh ở độ cao trung bình trên 1.000 – 1.600m so với mực nước biển, có diện tích khoảng 2.356km2, nằm trải dài trên 4 huyện của tỉnh Hà Giang là Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh và Mèo Vạc.

Một góc phố cổ Đồng Văn

Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Trong đó, Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau kéo dài hàng trăm triệu năm.

Từ trên cao nhìn xuống, những đỉnh núi đá tựa như những mũi giáo nhọn hoắt lao thẳng vào giữa không trung. Dưới chân núi, những con đường dốc ngoằn nghoèo ôm chặt lấy núi đá tựa như những con sóng, uốn lượn, nhấp nhô giữa bạt ngàn đá núi, tạo nên kiệt tác hùng vỹ giữa đại ngàn Tây Bắc.

Ngày 3/10/2010, cao nguyên đá Đồng Văn chính thức được công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu và trở thành Công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam và là công viên thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, cao nguyên đá Đồng Văn có khoảng 50 – 60% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển khác nhau. Theo thống kê của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, hiện khu vực này có 138 di sản địa chất các loại…

Đang mải mê thả hồn vào không gian kỳ vỹ của cao nguyên đá, bất chợt anh bạn Phàn Giào Họ cắt ngang dòng suy tư của tôi bằng những phát vỗ vai nghe bôm bốp, rồi quay qua hỏi: Đẹp không? Còn chưa kịp trả lời thì anh bạn Phàn Giào Họ lại tiếp, ở đây toàn núi đá thôi, mình thấy đẹp bao nhiêu thì con người ở đây lại vất vả, khó khăn bấy nhiêu.

Mà khó khăn nhất là nước, tiếp đến là đất đai để canh tác. Để giải quyết những khó khăn về nước, những năm gần đây Nhà nước đã tập trung đầu tư xây dựng rất nhiều giếng trời, thế nhưng về cơ bản cũng chỉ giải quyết được một phần nhu cầu của người dân.

“Ở đây nhìn đâu cũng thấy đá, đá chen đá, chèn lên nhau xếp thành từng lớp cứ như thể thách thức sự kiên trì của con người giữa thiên nhiên. Người dân ở đây từ khi sinh ra đã nhìn thấy đá, lớn lên cùng với đá núi, họ đi nhiều nhưng để hỏi có ai đi được qua hết những dãy núi đá này không, có lẽ chẳng ai có thể đi hết được. Đẹp và hùng vỹ lắm, nhiều người bạn đặt chân đến đây khi được hỏi đều trả lời sẽ tiếp tục quay lại thăm thú, nhưng ít ai biết rằng, trong sự hùng vỹ ấy là bao sự vất vả, khó khăn của người dân”, anh Phàn Giào Họ nói một thôi, một hồi như thể sợ tôi chen ngang mất dòng cảm xúc của mình.

Hùng vỹ và tinh hoa giữa đất trời

Có thể nói, trong dòng chảy bất tận của cảm xúc, của ngổn ngang suy tư giữa chốn thiên nhiên hùng vỹ, lời tâm sự từ đáy lòng của anh bạn đồng nghiệp Phàn Giào Họ khiến chúng tôi phải suy nghĩ. Quả thực, tạo hóa cho người ta cái này, nhưng cũng lấy đi của người ta cái khác. Đứng giữa cao nguyên đá bạt ngàn này, câu nói ấy càng trở nên ý nghĩa và đúng phần nào. Giữa bạt ngàn đá núi, giữa vô vàn sự khắc nghiệt của thời tiết, khi nắng về thì như cháy da, cháy thịt; lúc lạnh giá thì rét đến thấu ruột gan…

Cơ cực vậy, nhưng để sinh tồn con người nơi đây ngày ngày vẫn phải đạp đá để sống. Không có nước, họ trèo đèo, vượt núi để cõng nước về. Không có đất canh tác, người dân lại cặm cụi cõng từng gùi đất, đổ lên những hốc đá trên các triền núi dựng đứng, cao chót vót… Với cách canh tác “thổ canh trên đá”, trên các sườn núi đá, mọi người bắt đầu thấy được một màu xanh ngắt của cây ngô, loại cây đã vươn mình đứng dậy trong những giọt mồ hồi, những giọt nước mắt của đồng bào nơi đây.

Từ sự khắc nghiệt của thời tiết, trong sự sinh tồn, con người ở đây đã thể hiện được một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt. Chính sự thích ứng đó đã tạo nên vẻ đẹp riêng cho Đồng Văn so với những địa danh khác, đó chính là vẻ hoang sơ trong sự bao la, bạt ngàn của núi đá, của thăm thẳm vực khe, của những tiếng gió ngút ngàn lùa vào từng vách đá…

Vượt qua cao nguyên đá Đồng Văn cùng những câu chuyện kể thấm đẫm sự cơ cực, nhưng cũng đầy mạnh mẽ và kiên cường của người dân, chúng tôi tiếp tục theo chân anh bạn Phàn Giào Họ khám phá phố cổ Đồng Văn. Phố cổ nằm lọt thỏm giữa thung lũng bốn bề núi đá bao quanh.

Khu phố cổ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới chân núi đá. Mặc dù nhiều ngôi nhà có niên đại hơn 100 năm bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, thế nhưng điểm đặc biệt là những ngôi nhà cổ này được lợp ngói âm dương, tường trình bằng đất, nền nhà lát bằng đá ong… vẫn giữ được những nét đặc sắc, hoang sơ khó trộn lẫn với bất cứ nơi đâu.

Đêm ở Đồng Văn, trong hơi men chếnh choáng của thứ rượu ngô cay nồng, phố cổ miền sơn cước càng hiện lên kỳ vỹ và bí ẩn. Đặc biệt, thứ ánh sáng mờ ảo hắt ra từ những chiếc đèn lồng đỏ được treo dọc hai bên đường, cùng giọng nói ngọt ngào hướng dẫn chi tiết về phong tục tập quán, văn hóa và con người ở phố cổ Đồng Văn từ cô bạn đang làm việc tại đài phát thanh truyền hình của huyện, càng khiến phố cổ hiện lên đẹp nao lòng.

Trong hơi men say, chúng tôi còn được những người bạn của mình giới thiệu về hành trình chinh phục tiếp theo trong chuyến khám phá Hà Giang, trong đó, nhiều địa danh đã đi vào sách vở như: Cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pí Lèng hay như dinh thự vua Mèo Vương Chí Sình… Thế nhưng với chúng tôi, Đồng Văn vẫn có những nét đẹp khó pha trộn và thực sự là một địa điểm cực kỳ thú vị. Ở đó, trong bạt ngàn của núi đá, của mây trời, con người và thiên nhiên như hòa quyện vào nhau tạo nên sự hùng vỹ, sự tinh hoa của đất trời nơi địa đầu Tổ quốc.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dong-van-ha-giang-noi-gap-go-dat-troi-92681.html