Đồng USD tăng vọt, nỗi lo siêu lạm phát ở Venezuela lại tăng cao
Tính đến tháng 7/2022, Chính phủ Venezuela đã thành công trong việc giảm tốc độ tăng trưởng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 137% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã nỗ lực giảm lạm phát của bằng cách tăng nguồn cung tiền mặt nước ngoài tại các ngân hàng trong nước, hạn chế mở rộng tín dụng, giảm chi tiêu công và tăng thuế.
Nhưng trong những tuần gần đây, Ngân hàng trung ương Venezuela đã bán ít USD hơn và Chính phủ nước này đã tăng chi tiêu, nâng cao nhu cầu khiến tỷ giá hối đoái chính thức của đồng USD tăng vọt 21,7% trong 6 ngày.
Nhà kinh tế Luis Arturo Barcenas cho biết: “Sự ổn định của tỷ giá hối đoái với mức giá ở Venezuela là điều không thể. Sự cân bằng giữa tỷ giá hối đoái chính thức và tỷ giá hối đoái thị trường tự do rất mong manh vì nó dựa trên việc bơm ngoại tệ nhiều hay ít."
Ngân hàng trung ương hôm 24/8 đã đề xuất một chiến lược mới để đối phó với nhu cầu sử dụng đồng USD. Qua đó, họ đã yêu cầu các ngân hàng khác cung ứng số ngoại tệ mà các doanh nghiệp cần và đề xuất một tỷ giá hối đoái sau đó đưa lên Chính phủ phê duyệt.
Bà Alicia Rodriguez, 62 tuổi, người bán đồ ăn nhanh ở Venezuela, cho biết: “Những thay đổi trong tuần này khi đồng USD tăng mạnh ảnh hưởng rất lớn tới những người kiếm được đồng Bolivares”. Bà Rodriguez đang lo sợ giá hàng hóa của mình sẽ tăng lên tới 30%.
Hiện tại mức lương tối thiểu bằng đồng nội tệ (đồng Bolivares) tương đương với khoảng 19 USD mỗi tháng.
Tình hình của các nước châu Âu khi đồng USD tăng mạnh
Ngân hàng Bundesbank đã cảnh báo tốc độ tăng giá của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ đạt mức hai con số, khi các biện pháp mà Đức và các quốc gia khác thực hiện để giảm bớt tác động của chi phí sinh hoạt đối với người tiêu dùng hết hiệu lực.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo lạm phát tại Eurozone sẽ giảm xuống 3,5% vào năm 2023. Nhưng số liệu của họ đã bị điều chỉnh theo hướng tăng khá đều đặn. Hiện Đức dự kiến lạm phát sẽ trên mức 6%, một dấu hiệu cho thấy lần dự báo tiếp theo của ECB công bố vào tháng 9 tới sẽ cao hơn.
Bà Isabel Schnabel, thành viên hội đồng quản trị ECB và là người sẽ phát biểu tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole, cho biết trong một cuộc phỏng vấn cho rằng những áp lực lạm phát tại châu Âu nhiều khả năng sẽ không nhanh chóng biến mất. Ngay cả với quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ đang diễn ra, châu Âu vẫn sẽ mất một thời gian trước khi lạm phát quay trở lại mức 2%.
Tháng trước, ECB đã tăng lãi suất tiền gửi thêm 50 điểm cơ bản lên mức 0%, vượt mức dự kiến trước đó là 25 điểm cơ bản. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB trong 11 năm qua.
Trong khi đó, tình hình thậm chí còn xấu hơn đối với Vương quốc Anh vì quốc gia này không thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ các hộ gia đình khỏi tình trạng giá năng lượng tăng cao như hầu hết các nước châu Âu khác. Đồng thời nước Anh cũng đang phải hứng chịu “sức nóng” lạm phát tương tự như Mỹ trên thị trường lao động.
Các nhà phân tích tại ngân hàng Citi trong tuần này dự báo lạm phát của nước Anh sẽ đạt 18% vào đầu năm 2023, mức cao nhất kể từ năm 1976, mặc dù Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất sáu lần kể từ tháng 12/2021.
Tuy các nhà phân tích khác đưa ra những mức ước tính thấp hơn, nhưng tác động của lạm phát cao lên đời sống người dân đang làm dấy lên suy đoán rằng người kế nhiệm Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ phải đưa ra một đợt hỗ trợ khổng lồ mới cho các hộ gia đình. Mục tiêu của động thái đó là ngăn chặn tình trạng nghèo đói gia tăng.
Ông Kenneth Broux, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu doanh nghiệp, ngoại hối và tỷ giá tại ngân hàng Societe Generale (Pháp) cho biết đã có những đồn đoán về việc giảm lãi suất. Nhưng về cơ bản, BoE sẽ phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ của họ vào giai đoạn tới.
Mai Anh (theo Reuters, MSN, Bloomberg)