Đồng tính không 'lây' qua đường… ca nhạc, điện ảnh

Thời gian qua, nhiều sản phẩm nghệ thuật về đề tài đồng tính được giới thiệu đến công chúng. Đã có sự lo lắng rằng các sản phẩm này tác động thiếu tích cực đến giới trẻ.

Ông Lương Thế Huy - Giám đốc Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE).

Ông Lương Thế Huy - Giám đốc Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE).

Ông Lương Thế Huy - Giám đốc Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho rằng, đó là những băn khoăn không đáng có vì “đồng tính không “lây” qua đường... ca nhạc, điện ảnh”.

- Ông nghĩ sao về việc nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng nhiều MV có chủ đề LGBT không được gắn nhãn 18+ sẽ khiến con em họ học theo thần tượng?

Một số người có xu hướng sợ những gì không hiểu rõ, từ đó dẫn tới bài trừ, thù ghét. Những lo ngại về ảnh hưởng của MV chủ đề LGBT ảnh hướng tới nhận thức, cảm xúc của trẻ em, đáng buồn là, hầu hết tới từ sự thiếu kiến thức và chưa tiếp xúc nhiều với sự đa dạng về giới tính, tính dục.

Đồng tính không “lây” bằng cách xem ca nhạc, điện ảnh. Tất cả người LGBT đều đã, đang và sẽ lớn lên, làm việc, sinh sống trong xã hội mà người dị tính và tình yêu khác giới chiếm đa số, thống lĩnh truyền thông và các tác phẩm giải trí, nhưng họ vẫn là họ.

Lập luận rằng tâm lý trẻ em rất non nớt, dễ học theo nên ảnh hưởng tới “giới tính” không có căn cứ khoa học.

- Theo ông, phim Việt có đề tài về LGBT hiện nay có gì khác so với gần 10 năm trước?

Năm 2003, bộ phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên tôi xem ngoài rạp là “Trai nhảy” và cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy hình ảnh của một nhân vật chuyển giới, Má Mì.

Thời đó, hai khái niệm đồng tính và chuyển giới vẫn hay lẫn lộn với nhau, với nhiều định kiến, khuôn mẫu về tạo hình, tính cách mà ảnh hưởng của nó kéo dài tới chục năm sau đó với mục đích gây cười là chính.

Giai đoạn sau đó, nhân vật đồng tính và chuyển giới lại được chuyển sang một cách tiếp cận khác: Lấy sự cảm thông, nước mắt từ những câu chuyện buồn, bế tắc.

Gần đây, LGBT mới thật sự trở thành một chủ đề rõ ràng, khi đi sâu vào nội tâm, bối cảnh và những mối quan hệ. Tôi rất tâm đắc với một quan điểm rằng, phim về LGBT hay nhất là khi xu hướng tính dục và bản dạng giới của nhân vật chỉ như là một phần lý lịch con người. Không có cái gọi là “thế giới LGBT” bởi vì đó cũng chính là thế giới mà tất cả chúng ta đang sống.

Cái khác biệt so với những bộ phim phản ánh LGBT hời hợt và những bộ phim “nghiêm túc” có chủ đề LGBT, là người xem có được sự đồng cảm. Những cuộc đời nhọc nhằn mưu sinh, cuộc vật lộn để sống với nghệ thuật truyền thống, những mâu thuẫn gia đình tới từ kì vọng từ bậc sinh thành… đều là những thứ mà bất kỳ ai đều có thể trải qua. Khán giả thấy mình trong những phận người LGBT.

- Là một nhà hoạt động tiêu biểu cho cộng đồng LGBT ở Việt Nam, ông nghĩ sao về đề xuất kiểm duyệt và giới hạn độ tuổi cho các sản phẩm nghệ thuật liên quan đến đề tài LGBT?

Cần hiểu rằng, LGBT là tự nhiên, bình đẳng. Do vậy, các quy định giới hạn độ tuổi cũng phải được áp dụng bình đẳng, dù sản phẩm đó liên quan LGBT hay không. Cấm đoán một chủ đề rất bình thường như LGBT là một hành vi phản giáo dục, vì nó không giúp ích cho bất kỳ ai.

Vài năm trước khi có một bộ phim rất đề cao nữ giới, đã có nhà phê bình cho rằng “quá đề cao phụ nữ, thiếu vắng nam giới”. Người ta có thể xem một bộ phim mà nam giới “thống lĩnh”, không thấy vấn đề gì, nhưng lại khó chịu với một tác phẩm với vai trò người nữ hiện diện hơn người nam.

Rất nhiều MV ca nhạc mà câu chuyện tình yêu khác giới được khắc họa. So với số này thì MV chủ đề tình yêu LGBT chiếm rất ít. Nếu 3 - 5% dân số là người đồng tính, làm một phép nhân tương ứng, tôi nghĩ rằng MV đề tài LGBT vẫn còn chưa tương đồng.

Ở vài nước, họ thống kê phim truyền hình, điện ảnh liệu người LGBT đã hiện diện thích đáng hay chưa. Nhưng tôi cho rằng, những quan điểm lo ngại, kỳ thị này chỉ còn là số ít. Tôi tin phần lớn xã hội đã có cái nhìn cởi mở, bình đẳng hơn với người LGBT. Quan trọng là ai cũng có quyền nói lên quan điểm của mình.

- Theo ông, việc cần đưa vấn đề đa dạng giới vào giáo dục trong trường học có cần thiết?

Nhiều nước giáo dục về LGBT từ tiểu học và nó có ích cho tất cả. Trẻ em LGBT sẽ cảm thấy an toàn, không bị kì thị. Trẻ em học được rằng ai cũng có quyền yêu thương và được yêu thương bình đẳng và cần được sống là chính mình.

Nhiều người cho rằng, cộng đồng LGBT đang cố “đề cao” bản thân khi áp buộc xã hội phải hiểu về họ. Điều này không đúng. Hiểu về thiểu số, luôn mang lại lợi ích cho nhóm đa số. Như việc người da màu đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, thực ra là “giải phóng” cho người da trắng khỏi sự hẹp hòi, ích kỷ.

Giáo dục LGBT cho trẻ em thường không đi riêng lẻ, mà nằm trong một chương trình lớn về chống định kiến, phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số.

Trẻ em được học rằng mỗi người có hình dáng, thể hiện, tính cách, hoàn cảnh gia đình khác nhau và cần tôn trọng, thấu hiểu nhau để cùng chung sống, phát triển. Đó là trẻ trong gia đình chỉ có bố hoặc mẹ, trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trẻ từ thôn quê... Đó mới là mục tiêu chính của việc đưa LGBT vào trường học: Học cách tôn trọng sự khác biệt, đa dạng của người khác.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/dong-tinh-khong-lay-qua-duong-ca-nhac-dien-anh-4052060-b.html