Dòng tiền Vingroup rót vào các mảng kinh doanh sau nửa năm ra sao?

VinFast, Vinmec và Sài Đồng là 3 công ty được Vingroup rót thêm hàng nghìn tỷ thông qua góp vốn nửa đầu năm. Tập đoàn mẹ cũng cho các công ty con này vay thêm hàng chục nghìn tỷ.

Báo cáo tài chính quý II/2020 của Tập đoàn Vingroup cho biết tổng doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đầu năm đã giảm gần 37% so với cùng kỳ, đạt 38.576 tỷ đồng. Nguyên nhân giảm chủ yếu đến từ việc không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán lẻ và ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19. Trong khi đó, số thu từ hoạt động sản xuất tăng mạnh đã bù đắp một phần cho sự suy giảm nói trên.

Lợi nhuận trước thuế nửa năm qua của tập đoàn này đạt 6.085 tỷ đồng, giảm 11% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.354 tỷ, giảm 60% so với cùng kỳ.

Đại diện Vingroup cho biết, nếu loại doanh thu bán lẻ nửa đầu năm 2019 và giả định giao dịch bán buôn bất động sản được ghi vào doanh thu, số thu 6 tháng đầu năm nay đã tăng 5%.

Rót thêm tiền vào VinFast

Sản xuất với trọng tâm hoạt động sản xuất ôtô, xe điện tại Công ty TNHH VinFast là bộ phận được Vingroup dồn lực nhiều nhất trong nửa đầu năm qua.

Theo đó, tập đoàn mẹ đã đầu tư thêm 1.535 tỷ đồng vào VinFast thông qua khoản góp vốn trực tiếp. Đây là một trong 3 khoản góp vốn lớn nhất vào các công ty con mà Vingroup thực hiện trong nửa năm qua, chiếm gần 1/4 tổng giá trị đầu tư thêm vào các công ty con.

Tính đến cuối tháng 6, tổng số tiền Vingroup đã đầu tư góp vốn vào VinFast là 14.381 tỷ đồng, lớn thứ 2 chỉ sau khoản đầu tư tại Công ty CP Vinhomes (VHM) và tương đương gần 1/5 tổng giá trị đầu tư tại các công ty con.

Ngoài VinFast, số ít bộ phận kinh doanh của Vingroup được bổ sung thêm vốn trong nửa năm qua là y tế - thông qua Công ty CP Vinmec (tăng thêm 1.792 tỷ); bất động sản - thông qua Công ty CP Sài Đồng (tăng 1.565 tỷ); và một số mảng khác…

Cũng trong thời gian này, Vingroup đã thành lập Công ty CP Vinpearl Invest với việc góp gần 920 tỷ đồng để sở hữu 90,15% tỷ lệ có quyền biểu quyết. Đây là công ty được thành lập với trụ sở chính tại Singapore hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển thị trường.

Đến cuối quý II, tổng giá trị các khoản đầu tư vào công ty con của Vingroup là 78.783 tỷ đồng, tăng gần 9% so với đầu năm và chiếm hơn 46% tổng tài sản tập đoàn mẹ.

Ngoài ra, Vingroup còn có 7.650 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, tăng 6,5 lần. Trong đó, số tăng chủ yếu tại Công ty CP The CrownX với giá trị tăng thêm 6.505 tỷ sau nửa đầu năm. Đây chính là công ty được Vingroup cùng Masan thành lập để sở hữu 83,74% cổ phần của VCM (công ty mẹ sở hữu hệ thống VinMart, VinMart+ và VinEco), cùng 85,71% vốn góp tại Masan Consumer Holdings (quản lý toàn bộ mảng hàng tiêu dùng của Masan).

Cho công ty con vay hàng chục nghìn tỷ

Không chỉ rót tiền thông qua góp vốn, Vingroup còn trực tiếp đứng ra cho các công ty con vay hàng chục nghìn tỷ trong nửa năm qua.

Đầu năm, khoản mục cho các bên liên quan vay ngắn hạn (chủ yếu là công ty con và công ty thành viên) của tập đoàn mẹ là gần 18.145 tỷ đồng. Đến hết tháng 6, số này đã tăng gấp đôi, lên 36.984 tỷ đồng.

Số cho vay dài hạn vẫn duy trì ở mức 7.827 tỷ đồng, là tiền tập đoàn mẹ cho VinFast vay với lãi suất 9%/năm trước đó.

Hiện tại, Vingroup đang cho Công ty CP Vinpearl vay 14.894 tỷ đồng, nhiều nhất trong các khoản cho vay ngắn hạn. Xếp sau là 10.862 tỷ đồng cho Công ty TNHH Nam Hà Nội vay; 3.873 tỷ cho Vinsmart vay; 1.966 tỷ đồng cho vay tại Công ty TNHH Grand Prix; 1.909 tỷ tại Vinpro; 1.680 tỷ cho Công ty CP Sài Đồng; và 1.799 tỷ đồng cho các công ty khác vay. Các khoản vay này đều có lãi suất 9%/năm.

Cũng tại kỳ kế toán bán niên, các khoản vay này phát sinh hàng trăm tỷ đồng lãi phải thu nhưng tập đoàn mẹ Vingroup vẫn chưa yêu cầu các công ty con phải thanh toán.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của tập đoàn mẹ, nửa năm qua Vingroup đã bơm ròng hơn 6.000 tỷ đồng thông qua hoạt động đầu tư.

Trong đó, số tiền chi cho vay (chủ yếu là công ty con) lên tới 33.236 tỷ đồng. Ngược lại, tập đoàn mẹ cũng thu hồi tiền cho vay với giá trị 17.827 tỷ đồng.

Số tiền được tập đoàn chi để đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác cũng là 9.773 tỷ, nhưng đồng thời thu 19.384 tỷ đồng từ tiền thu hồi đầu tư góp vốn trong nửa năm qua.

Dồn lực cho sản xuất dù lỗ tăng 89% so với cùng kỳ

Báo cáo tài chính quý II của Vingroup cũng cho biết giữa tình hình dịch bệnh, sản xuất vẫn là một trong những bộ phận được chú trọng đầu tư với giá trị tài sản theo bộ phận đạt trên 100.000 tỷ đồng, tương đương gần 30% tổng tài sản hợp nhất.

Giá trị tài sản ở mảng này đã tăng gần 30.000 tỷ đồng so với một năm trước, tương đương tăng 41% so với cùng kỳ. So với đầu năm, tài sản bộ phận sản xuất cũng đã tăng gần 7.000 tỷ đồng, tương đương hơn 7%.

Sản xuất đang là bộ phận có giá trị tài sản lớn thứ 2 của Vingroup, chỉ sau kinh doanh chuyển nhượng bất động sản với giá trị trên 150.000 tỷ đồng.

Sản xuất cũng nổi lên trở thành bộ phận đóng góp doanh thu lớn thứ 2 cho tập đoàn mẹ với hơn 6.159 tỷ đồng nửa năm, tiếp tục đứng sau chuyển nhượng bất động sản.

Tuy vậy, bộ phận sản xuất của Vingroup vẫn đang hoạt động trong tình trạng chưa hiệu quả khi lỗ tới 5.524 tỷ đồng trước thuế, tăng lỗ 89% so với cùng kỳ.

Sản xuất đang được tập trung nguồn lực còn thể hiện ở cơ cấu nợ phải trả theo bộ phận này chỉ là 13.082 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ phải trả/tài sản bộ phận chỉ là 12,7%. Trong khi đó, tỷ số bên phía bộ phận chuyển nhượng bất động sản lên tới 76,7%.

Ngoài ra, đây cũng là mảng có số chi mua sắm tài sản cố định và xây dựng cơ bản mạnh nhất từ đầu năm của Vingroup, đạt 5.914 tỷ đồng, chiếm 44% tổng số chi mua toàn tập đoàn.

Chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Việt Quang, CEO Vingroup cho biết sau giai đoạn tái cơ cấu, chuyển hướng chiến lược, Vingroup sẽ tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực ưu tiên cốt lõi là công nghiệp - công nghệ.

Lãnh đạo Vingroup cũng cho biết để chủ động nguồn lực ứng phó với những bất ổn do dịch Covid-19 gây ra, tập đoàn sẽ quản lý chặt việc chi tiêu và đầu tư mở rộng, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực hiện có.

Năm 2020, Vingroup dự kiến đạt 145.000 tỷ đồng doanh thu và 5.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi doanh thu kế hoạch tăng 11% thì lợi nhuận dự kiến giảm sẽ 35% so với năm 2019.

Sau nửa năm, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mới thực hiện được 27% ở cả chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dong-tien-vingroup-rot-vao-cac-mang-kinh-doanh-sau-nua-nam-ra-sao-post1114957.html