Dòng tiền vẫn dè chừng

Nếu trong giai đoạn thị trường giảm, dòng tiền bị rút ra khỏi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khiến thị trường giảm sâu, thì trong những đợt hồi phục vừa qua, dòng tiền đã quay trở lại nhưng vẫn dè chừng.

Nhóm cổ phiếu bluechip dường như chỉ thu hút được dòng tiền trong ngắn hạn

Nhóm cổ phiếu bluechip dường như chỉ thu hút được dòng tiền trong ngắn hạn

Trong tuần giao dịch thứ ba của tháng 9, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechip) đã có mức tăng giá tốt, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng tạo động lực nâng đỡ thị trường hồi phục.

Theo thống kê của công ty chứng khoán MB (MBS), dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi nhóm vốn hóa nhỏ dịch chuyển sang nhóm bluechip và vốn hóa trung bình.

Cần thêm nguồn lực

Diễn biến chính của thị trường trong tuần giao dịch vừa qua (16-20/9) là sự phân hóa mạnh ở các nhóm cổ phiếu bluechip. Tuy nhiên, nhờ lực đẩy tốt của nhiều cổ phiếu trụ cột và đặc biệt là nhóm ngân hàng nên các chỉ số của thị trường vẫn duy trì được mức tăng so với tuần trước, thanh khoản được cải thiện.

Dòng tiền chủ yếu tập trung tại các nhóm trụ cột một phần là do những tín hiệu tốt về triển vọng kinh doanh, một phần là bởi giá cổ phiếu sau một thời gian giảm theo sự điều chỉnh của thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn.

MBS lấy dẫn chứng tại phiên giao dịch ngày 16/9, dòng tiền tại nhóm cổ phiếu nhỏ giảm 7,7% so với phiên cuối tuần trước (14/9), trong khi dòng tiền ở nhóm bluechip và vừa tăng lần lượt 14% và 21%.

Xét về cơ cấu dòng tiền theo nhóm ngành thì nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 25% toàn thị trường. Thêm vào đó, những thông tin tích cực của thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất, giá dầu tăng cũng được cho là điều kiện thuận lợi với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, các quỹ ETF đã không còn bị rút ròng, đặc biệt là chứng chỉ quỹ E1VFVN30 được khối ngoại quay trở lại mua ròng trong thời gian gần đây tạo kỳ vọng khối ngoại có thể sẽ sớm quay trở lại mua ròng.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia của công ty chứng khoán VNDirect, thị trường đang có sự vận động tích cực của dòng tiền nhưng vẫn cần thêm nguồn lực để có thể tạo ra những đợt tăng mạnh.

Hiện, sự chuyển biến tại các nhóm ngành vẫn chưa rõ rệt chưa có sự nổi trội tại nhóm ngành nào. Đặc biệt là cơ hội đang ngày càng trở nên ít dần, bởi số cổ phiếu duy trì được đà tăng giá không nhiều.

Trong thời gian qua, một số cổ phiếu có mức tăng bằng lần nhưng chỉ là số ít đi kèm thanh khoản thấp nên không phải nhà đầu tư nào cũng có thể mua được. Chưa kể, bên cạnh những thông tin tích cực thì lo ngại về cuộc chiến tranh thương mại cũng như kinh tế toàn cầu suy giảm khiến một vài bộ phận nhà đầu tư trở nên chán nản.

Một thực tế cần lưu ý là quy mô vốn hóa thị trường đang tăng dần, song thanh khoản lại không tăng tương ứng, thậm chí còn giảm.

Trong khi đó, hiện nay, bên cạnh thị trường chứng khoán còn có khá nhiều kênh đầu tư khác đang hấp dẫn có thể tối ưu hóa lợi ích của dòng tiền như: vàng, ngoại tệ, trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao…, tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư trong từng thời kỳ.

Ngân hàng nỗ lực “cứu giá”

Trước sự băn khoăn của dòng tiền cùng với tâ mly nên “bỏ trứng” vào nhiều “giỏ” của các nhà đầu tư nắm giữ lượng tiền mặt lớn, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán vẫn có sức hấp dẫn riêng.

Theo đó, trong thời gian tới, thị trường vẫn sẽ có diễn biến khả quan. Nhóm ngân hàng có khả năng hỗ trợ Vn- Index lớn nhất, sau đó là bất động sản, chứng khoán và một vài nhóm ngành cơ bản khác.

Thực tế, nhằm thể hiện tốt vai trò là “người dẫn dắt” sau quãng thời gian gây thất vọng trước đó khi giá cổ phiếu diễn biến ngược chiều mức lợi nhuận ấn tượng, các ngân hàng thời gian vừa qua đã có động thái “cứu giá” cổ phiếu bằng việc chi hàng nghìn tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ.

Điển hình như VPBank dự kiến mua lại tối đa 245 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ nhằm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành, hỗ trợ giao dịch và tăng giá trị cho cổ đông. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV/2019, qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Trong tuần giao dịch vừa qua, cổ phiếu VPB của VPBank đã ghi nhận mức tăng nhẹ từ 20.700 đồng/cp lên 21.400 đồng/ cp, tương đương 3,3%. Với mức giá này, số tiền mua cổ phiếu quỹ của VPBank lên tới hơn 5.000 tỷ đồng.

Trước đó, cũng với lý do tương tự, TPBank cũng đăng ký mua tối đa 24 triệu cổ phiếu quỹ. Ước tính ngân hàng này sẽ chi ra gần 627 tỷ đồng khi cổ phiếu TPB có giá bình quân 26.117 đồng/cp.

Cũng trong năm nay, MB đã mua hơn 47 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 108 triệu cổ phiếu đã đăng ký. Ước tính MB đã chi 1.035 tỷ đồng để mua lượng cổ phiếu này với giá bình quân 21.999 đồng/ cp. Hiện, thị giá MBB nhích nhẹ lên 22.050 đồng/cp.

Hay như HDBank cũng dự kiến mua lại tối đa 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành để làm cổ phiếu quỹ, tương ứng khoảng 49 triệu cổ phiếu. Hiện, cổ phiếu HDB trên thị trường đang giao dịch tại mức giá 26.350 đồng/ cp, tăng nhẹ so với mức trên 25.000 đồng/cp của tuần trước. Theo giá này, HDBank sẽ cần chi khoảng gần 1.300 tỷ đồng để “cứu giá” cổ phiếu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tạo động lực cho dòng tiền luân chuyển nhanh hơn, ngoài nhóm dẫn dắt cần áp dụng một số biện pháp như rút ngắn chu kỳ giao dịch sẽ khiến vòng quay của tiền nhanh hơn. Cùng với đó là sự đổi mới, nâng cao tính minh bạch cho thị trường, dòng tiền sẽ tự biết tìm đến kênh đầu tư hiệu quả và an toàn này.

Theo thoibaokinhdoanh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/dong-tien-van-de-chung-158278.html