Dòng tiền tham gia thị trường yếu, cổ phiếu trị giá nhỏ lên ngôi

- Mặc dù thị trường chứng khoán tuần qua (từ 26/11 - 30/11) vẫn tăng điểm nhẹ, nhưng dòng tiền chảy vào thị trường này vẫn khá yếu. Nhóm cổ phiếu có mệnh giá nhỏ bất ngờ lên ngôi khi đồng loạt tăng cao.

Thị trường đi lên, dòng tiền chảy vào nhỏ giọt

Tiếp nối đà đi lên trước đó, thị trường chứng khoán tuần qua đã chứng kiến 3 phiên tăng và 2 phiên giảm điểm. Tuy nhiên, giao dịch diễn ra khá thận trọng, khiến dòng tiền chảy vào thị trường này khá nhỏ giọt. Các chỉ số chỉ biến động trong biên độ hẹp, kèm thanh khoản thấp.

Theo đó, thị trường đã khởi động 3 phiên đầu tuần với sắc xanh bao phủ. Tuy nhiên, đà đi lên giữ ở mức khá thấp (dưới 1%). Nhóm cổ phiếu trụ cột cũng bị phân hóa mạnh giữa hai chiều tăng và giảm. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu mệnh giá nhỏ lại diễn ra tích cực khi ồ ạt đi lên.

Sau 3 phiên tăng điểm, thị trường đã nhanh chóng đảo chiều đi xuống trong hai phiên cuối tuần. Hoạt động chốt lời được giới đầu tư mạnh tay thực hiện.

Ảnh minh họa

Như vậy, kết thúc tháng 11, chỉ số VnIndex đóng cửa ở mốc 926,54 điểm, tăng nhẹ 11,78 điểm (tương đương 1,3%) so với cuối tháng 10.

Ở phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, thị trường chứng khoán giằng co trong biên độ hẹp. Các mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VnIndex là VHM, HPG và MSN mới mức giảm lần lượt là 1,14%; 2,92% và 1,23%. Ở chiều ngược lại, các mã ảnh hưởng tích cực nhất tới Vn-Index bao gồm VNM, VCB với mức tăng lần lượt là 1,35% và 0,73%.

Tính riêng trong tuần qua, các chỉ số trên cả hai sàn Hà Nội và TP.HCM cũng đồng loạt tăng. Trong đó, chỉ số Vn-Index bên sàn TP.HCM đã kết thúc tuần với mức tăng 0,93% và chốt tuần tại mốc 926.54 điểm. Còn bên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng đóng cửa tuần với mức tăng 0,53% và đang dừng tại mốc 104,82 điểm.

Trái với các chỉ số, thanh khoản trên cả hai sàn lại đồng loạt giảm trong tuần qua. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên trên sàn TP.HCM đạt hơn 108,48 triệu cổ phiếu/phiên, giảm gần 9% so với tuần giao dịch trước. Còn bên sàn Hà Nội, khối lượng khớp lệnh trung bình hơn 28,37 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 10,6%.

Theo dõi chứng khoán tuần vừa qua có thể thấy, thị trường giao dịch khá ảm đạm, trước tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Nhóm cổ phiếu nhỏ đã tạo được dấu ấn khi phần lớn nằm danh sách tăng mạnh nhất tuần.

Cụ thể, tại sàn TP.HCM, dẫn đầu danh sách tăng mạnh nhất tuần là cổ phiếu TIX của Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình, với mức tăng hơn 20% giá trị, từ mức 25.050 đồng/cổ phiếu hôm 23/11 lên mức 30.100 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên cuối tuần ngày 30/11.

Giữ vị trí thứ 2 trong Top tăng mạnh nhất tuần là HTT của Công ty cổ phần Thương mại Hà Tây, với mức tăng hơn 18%, từ mức chỉ 1.590 đồng/cổ phiếu hôm 23/11 lên mức 1.880 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 30/11.

Hai cổ phiếu có mệnh giá nhỏ là VOS của Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam và PTL của PTL của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí PVC đã đứng ở vị trí 6 và 7 trong Top 10 mã tăng mạnh nhất tuần, với mức lần lượt là hơn 12% và 10%.

Bên sàn Hà Nội, cổ phiếu TST của Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Viễn thông đã dẫn đầu danh sách Top 10 mã tăng mạnh nhất tuần, với mức gần 51%, từ mức chỉ 6.700 đồng/cổ phiếu hôm 6.700 đồng/cổ phiếu hôm 23/11 lên mức 10.100 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên làm việc ngày 30/11.

Giữ vị trí thứ 2 là ECI của Công ty cổ phần Bản đồ và Tranh ảnh Giáo dục, với mức tăng hơn 44%, từ mức 11.800 đồng/cổ phiếu hôm 23/11 lên mức 17.000 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên giao dịch ngày 30/11.

Cổ phiếu VTL của Công ty cổ phần vang Thăng Long giữ vị trí thứ 3 với mức tăng 44%, từ 17.500 đồng/cổ phiếu hôm 23/11 lên mức 25.200 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày cuối tuần ngày 30/11.

Dòng tiền có thể quay lại

Trải qua một tuần thận trọng, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ tạo được đột biến trong phiên giao dịch tuần này. Dòng tiền chảy vào thị trường này theo đó sẽ được cải thiện.

Theo Công ty cổ phần chứng khoán FPT – FPTS, phiên cuối tuần vừa qua đã khép lại với diễn biến giảm tuy nhiên thông điệp tích cực đang được nhận diện từ yếu tố thanh khoản. Nhóm ngân hàng và dầu khí thu hút dòng tiền ngay từ đầu phiên và được duy trì khá tốt cho đến cuối phiên giao dịch.

"Theo quan sát, nhóm ngân hàng và dầu khí đang có những dấu hiệu củng cố cho trạng thái tạo đáy ngắn hạn. Cơ hội lướt sóng ngắn tại các cổ phiếu này sẽ cần được lưu ý nếu thị trường chung quay lại xu hướng tăng giá", Công ty cổ phần chứng khoán FPT – FPTS khuyến nghị.

Theo nhận định Công ty chứng khoán Vietcombank –VCBS, nhà đầu tư nhìn chung vẫn đang chờ đợi lực dẫn dắt của một nhóm cổ phiếu nào đó để lôi kéo dòng tiền quay trở lại, nhưng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ thì ít có khả năng chỉ số chung sẽ xuất hiện xu hướng ngắn hạn, mới mà nghiêng nhiều hơn về kịch bản chỉ số dao động tích lũy đi ngang trong biên độ hẹp trong những phiên tới.

Về dài hạn hơn, Công ty chứng khoán Vietcombank –VCBS cũng cho rằng, vẫn còn khá nhiều cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt mà giá đã chiết khấu về mức tương đối hấp dẫn theo áp lực giảm điểm của thị trường chung trong thời gian vừa qua. Mặt khác, hiện chưa xuất hiện tín hiệu nào cho thấy có hiện tượng dòng vốn đầu tư nước ngoài - cả trực tiếp và gián tiếp - rút ra khỏi thị trường Việt Nam.

“Dòng tiền đầu tư trung-dài hạn có khả năng sẽ dần quay trở lại trong thời gian tới, nhất là khi bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn được đảm bảo duy trì ổn định. Cơ hội sẽ vẫn xuất hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng nhiều khả năng sẽ đi cùng với sự phân hóa mạnh mẽ giữa các cổ phiếu trong cùng một nhóm ngành cũng như giữa các nhóm ngành trên thị trường", Công ty chứng khoán Vietcombank -VCBS nhận định.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201812/dong-tien-tham-gia-thi-truong-yeu-co-phieu-tri-gia-nho-len-ngoi-620847/