Dòng tiền nhàn rỗi đổ về ngân hàng

Lãi suất huy động tăng nhẹ, tỷ giá ổn định, người dân tin tưởng vào tiền đồng nên ít giữ vàng và ngoại tệ, một lượng lớn tiền nhàn rỗi đang đổ về ngân hàng thông qua kênh tiết kiệm.

Động thái mau chóng hút tiền về ngay sau Tết được các chuyên gia đánh giá là sự thận trọng của nhà điều hành trong việc điều tiết cung tiền nhằm hạn chế rủi ro đối với lạm phát. Nguồn: Internet

Động thái mau chóng hút tiền về ngay sau Tết được các chuyên gia đánh giá là sự thận trọng của nhà điều hành trong việc điều tiết cung tiền nhằm hạn chế rủi ro đối với lạm phát. Nguồn: Internet

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng ngay từ tháng 1/2018. Cụ thể, vốn huy động tăng 0,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tháng 1/2016 và 2017 đều giảm lần lượt là 0,8% và 1,3%). Trong đó, vốn huy động bằng VND tăng 0,6%, chiếm 90,3% tổng vốn huy động; vốn huy động bằng ngoại tệ giảm 0,3%, chiếm 9,7% tổng vốn huy động.

Mau chóng hút tiền về sau Tết

Hầu hết các công ty nghiên cứu thị trường đều đưa ra đánh giá lãi suất liên ngân hàng trung bình trong những tuần qua có xu hướng giảm mạnh đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với biên độ giảm ở mức 1,49% – 2%.

Trong bản tin thị trường nợ ngày 9/3, công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết từ ngày 12 – 28/2, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh (0,38, 0,34, 0,58, và 0,87 điểm phần trăm) xuống trung bình 1,71%, 1,94%, 2,2% và 2,5%/năm đối với qua đêm, 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng.

Còn tại bản tin trái phiếu tuần số 9 (từ 26/2 – 2/3), công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng khẳng định lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm mạnh đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với biên độ giảm ở mức 1,49% – 2%.

Theo đó, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 2% về mức 1,2%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần giảm 1,71% về mức 1,56%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần giảm 1,49% về mức 1,93%/năm.

Theo MBS, đây được coi là diễn biến bình thường và nằm trong dự báo của nhà đầu tư khi lượng tiền nhàn rỗi sau Tết đang có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng, giúp thanh khoản của hệ thống đang dư thừa.

Ngoài ra, thêm một yếu tố hỗ trợ nữa là nhờ một lượng lớn tiền đồng đã tung ra để mua ngoại tệ trong thời gian qua. Từ ngày 15 – 28/2, trên kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng 50.600 tỷ đồng trên kênh tín phiếu.

Tăng tiền gửi trung, dài hạn

Động thái mau chóng hút tiền về ngay sau Tết được các chuyên gia đánh giá là sự thận trọng của nhà điều hành trong việc điều tiết cung tiền nhằm hạn chế rủi ro đối với lạm phát, nhất là trong bối cảnh thời gian qua, một lượng lớn tiền đồng đã được bơm ra thị trường để mua vào ngoại tệ.

Nhóm nghiên cứu MBS nhận định: “Do thanh khoản trong thời điểm này dồi dào, chúng tôi cho rằng NHNN sẽ duy trì động thái hút ròng nhẹ nhàng trong thời gian tới”.

Trước đó, Thời báo Kinh Doanh cũng đã thông tin: Lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng nhẹ ở một số ngân hàng sau Tết. Ví dụ như Eximbank, Nam A Bank và Techcombank tăng 0,1 – 0,5 điểm phần trăm theo kỳ hạn so với trước đây. Lãi suất huy động của nhóm ngân hàng nhỏ, đang tái cơ cấu hiện cao hơn các ngân hàng lớn 1,9 – 2,6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.

Lãnh đạo một nhà băng cho biết: tỷ lệ huy động vốn của ngân hàng thời gian qua phản ánh khá thực chất việc tiền dân cư chảy vào ngân hàng, còn nguồn tiền gửi từ các tổ chức kinh tế rất ít.

“Với xu hướng gửi tiết kiệm chuyển từ ngắn hạn sang trung và dài hạn trong thời gian qua, đây là nguồn vốn khá ổn định giúp ngân hàng chủ động trong việc sử dụng vốn, vì là tiền tiết kiệm thực sự trong dân cư chứ không bất ổn như trước đây khi chỉ gửi tạm vào ngân hàng ở những kỳ hạn ngắn”, vị này nói.

Trước quan ngại việc đua tăng lãi suất tiền gửi sẽ là mối lo cho người vay, do các ngân hàng gia tăng chi phí sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng trong thời gian tới, MBS cho rằng theo Nghị quyết của Chính phủ, Thống đốc NHNN chỉ đạo giảm lãi suất cho vay để kích thích nền kinh tế.

Bốn ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV đã quyết định điều chỉnh giảm ngay 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn, trung, dài hạn đối với khách hàng tốt thuộc các lĩnh vực ưu tiên. “Chúng tôi cho rằng lãi suất cho vay sẽ ở mức 6 – 7% ở đa số ngân hàng trong trung hạn và dài hạn”, MBS nhận định.

Còn theo NFSC, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 – 6,5%/năm đối với ngắn hạn, 9 – 10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 – 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 – 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Trong đó, cho vay ngành công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 22,1%; Cho vay đối với hoạt động làm thuê, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm 16,5%; Cho vay ngành nông lâm thủy sản chiếm khoảng 8%; Cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng khoảng 16,1%; Cho vay tiêu dùng chiếm khoảng 18,3%.

Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo vào khoảng 2,5%. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn tập trung cao ở các tổ chức tín dụng yếu kém, trong diện tái cơ cấu. Nợ xấu tiềm ẩn trong tất cả các khoản nợ cơ cấu lại, nợ trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu bên ngoài. Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng đã mua lại nợ xấu bán cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để tự xử lý.

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/dong-tien-nhan-roi-do-ve-ngan-hang-137061.html