Đồng tiền của kẻ sĩ

Nguyễn Trương Quý từ lâu đã xác lập mình là nhà văn của Hà Nội, người say mê ghi lại những trầm tích quá vãng cả trong đời sống vật chất lẫn thế giới tinh thần. Trong cuốn sách này, tác giả cho thấy những mảnh ghép nhỏ bé, bình dị của Hà Nội tạo nên bản sắc, căn tính đất kinh kỳ.Nhà Nho xưa coi tiền nong là thứ xấu, có thể làm hư chí quân tử. Đàn ông buôn bán bị liệt vào hạng cuối của tứ dân.

Người đàn ông theo mẫu mực gia phong truyền thống được mô tả là những người không phải bận tâm đến eo sèo tiền bạc. Việc đó đã có bà nội trợ lo.

Mối quan hệ giữa tiền bạc và đạo đức trong quan niệm xưa

Nhà Nho coi tiền nong là thứ xấu, có thể làm hư cái chí quân tử. Theo họ, “Tiền tài như phấn thổ / Nhân nghĩa tựa thiên kim”.

Nhưng mâu thuẫn nằm ở chỗ công việc quốc gia đòi hỏi các bậc chăn dân phải có tài kinh bang tế thế (chữ kinh tế từ đây mà ra), đồng thời nền văn minh hàng hóa cũng sớm sinh ra các phương thức trao đổi thông qua vật trung gian là đồng tiền.

Sự mâu thuẫn giữa tiền bạc và đạo đức tạo ra một tiêu chuẩn kép khá phiền toái cho các vị chính nhân quân tử xưa nay. Đến giờ, thứ các triều đại để lại đầy đặn nhất trong các di chỉ khảo cổ chính là đồng tiền, trong khi lâu đài cung điện hay văn khố nhiều phần đã ra tro bụi.

Hậu sinh căn cứ số tiền vào những năm tháng xa xưa ông cha họ đã dùng để định giá vật chất, có thể nhận diện mức sống của thời quá khứ.

"Mẹ em tham thúng xôi rền

Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng

Em đã bảo mẹ rằng đừng

Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào...".

Cảnh Hưng - niên hiệu gắn với đồng tiền trong bài ca dao trên - cũng là niên hiệu dài nhất trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam (1740-1786).

Sự tồn tại 47 năm của niên hiệu Cảnh Hưng thuần túy mang ý nghĩa biểu tượng vì quyền lực thực tế trong tay chúa Trịnh, song ít nhiều gây ấn tượng về một sự ổn định, tất nhiên là nhờ cách trị vì rũ áo ngồi yên của vua Lê Hiển Tông: “Trời sai nhà chúa phò ta. Chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui. Mất chúa, tức là cái lo lại về ta, ta còn vui gì?” (Hoàng Lê nhất thống chí).

Gần nửa thế kỷ của niên hiệu Cảnh Hưng liệu thực sự bình an hay loạn lạc, để đồng tiền Cảnh Hưng như câu ca dao là thứ giá trị để bà mẹ cao giọng thách cưới?

Có một sự bí ẩn nào đó của giai đoạn này khi nền kinh tế Đàng Ngoài thịnh vượng, có đến 80 loại tiền Cảnh Hưng được thống kê. Hai chữ “Cảnh Hưng” vang lên giữa bài ca dao như một tiêu chuẩn mức sống giữa một triều đại bị gọi bằng cái tên không vẻ vang gì: “Lê mạt”.

Dĩ nhiên, khi đã gọi là “mạt”, người ta đã hàm ý so sánh với những thời thịnh trị kiểu Hồng Đức, đỉnh cao chế độ quân chủ Đại Việt.

Chính sử dùng cái tên “Trung hưng” ít nhiều gỡ gạc chút hào quang cho triều Lê, song không ai phủ nhận triều đại này chỉ còn hư vị và các sử gia về sau mặc nhiên coi xã hội phong kiến Việt Nam nửa cuối thế kỷ 18 trên đà suy thoái.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ cởi mở, sự “mạt” của nhà Lê góp phần xô đổ những nguyên tắc thủ cựu.

 Một bình tiền Cảnh Hưng được tìm thấy ở Hà Tĩnh. Ảnh: Tiến Đạt.

Một bình tiền Cảnh Hưng được tìm thấy ở Hà Tĩnh. Ảnh: Tiến Đạt.

Quan niệm về tiền bạc thời Lê Trung hưng

Đây là thời mà các kẻ sĩ được tự do chọn minh chủ, họ thấy cửa thi thố tài năng của mình không còn chật hẹp như trước.

Cuộc phân tranh quyền lực giữa bốn dòng họ Lê - Mạc - Trịnh - Nguyễn đem lại cho họ bài học về chọn vua hay chúa để thờ, chọn Đàng Ngoài hay Đàng Trong miễn là được đắc dụng.

Thậm chí, một người từng làm quan to ở Trịnh phủ có thể cộng tác với triều đại mới đã lật đổ nhà Trịnh, như trường hợp Ngô Thì Nhậm khi đi theo Tây Sơn. Đạo trung quân nhường chỗ cho sự linh hoạt của tư duy “thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”, tương truyền là vế đối của Ngô Thì Nhậm khi bị nhà Nguyễn luận tội sau khi Tây Sơn sụp đổ.

Cũng chính thời Cảnh Hưng, văn học sử ghi nhận sự ra đời của những tác gia văn học làm nên một thời đại có phẩm chất phóng túng khi họ viết ra truyện thơ Nôm về thân phận những kẻ bên lề kiểu cô kỹ nữ Thúy Kiều, kẻ nổi loạn Phạm Thái hay cung nữ oán vua.

Sự phóng túng có màu sắc baroque khiến chúng ta đọc thấy ở các tác giả này một phẩm chất nghệ sĩ, khác với kiểu tác giả đạo mạo truyền thống.

Truyện Kiều của Nguyễn Du, người sinh năm 1765, thực tế là một truyện thơ Nôm kể về cuộc mua bán để trả nợ, kéo theo bằng những giao kèo tiền bạc và hệ quả suốt 15 năm lưu lạc của nữ nhân vật chính.

Cho dù mượn một cốt truyện Trung Quốc, những chỗ nói đến tiền bạc của Truyện Kiều chắc hẳn rất thời sự nước Nam khi ấy như “có ba trăm lạng việc này mới xong” và “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”.

Tiền tài vật chất hình thành hẳn một “hệ sinh thái” trong xã hội Truyện Kiều, được hiện lên lúc xót xa lúc thản nhiên, “dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì”.

Các nhân vật hít thở, tính toán tiền nong một cách sinh động, thậm chí được mô tả trong những câu thần tình hạng nhất như “tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong”.

Cho dù tiền bạc là nguyên nhân đẩy gia đình Kiều vào vòng ai oán nhưng nhìn chung, các nhân vật sống đúng nghĩa trong một xã hội có thị trường, họ chấp nhận quy luật của đồng tiền.

Không khí ấy khác hẳn với những bài thơ có giọng đạo lý không mấy thiện cảm với tiền bạc ở thế kỷ 15 hay thế kỷ 16: “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử / Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”.

Còn giờ đây, thời mà các vị vua như Lê Hiển Tông lấy việc “hưởng cái vui” làm trọng, các áng văn chương của bề tôi, nói theo ngôn ngữ hành chính thời nay, quả thực cũng dễ dàng tuyên bố “mua vui cũng được một vài trống canh”.

Nguyễn Trương Quý / Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dong-tien-cua-ke-si-post1144919.html