Đồng thuận và đoàn kết tôn giáo

Trước đây, để đánh giá một xã hội, chúng ta thường nhìn vào yếu tố vật chất, kinh tế. Nhưng bây giờ, chúng ta nhìn nhận khác, một xã hội được xem là tiến bộ, văn minh không chỉ ở yếu tố kinh tế mà còn cả yếu tố văn hóa, tinh thần.

Cho nên phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển văn hóa - xã hội, chính sách kinh tế phải gắn liền với chính sách xã hội; trong đó, cần chú trọng đến 3 yếu tố: dân chủ, đồng thuận và đoàn kết, có thể xem đó là 3 giá trị cơ bản cho thấy một xã hội phát triển bền vững, vì dân chủ chính là thể hiện quyền tự do làm chủ của con người trong xã hội, xã hội nào mà quyền tự do đó càng cao thì xã hội đó thực sự vì con người, phục vụ con người và đồng nghĩa với phát triển. Đồng thuận sẽ xuất hiện khi xã hội quan tâm đến lợi ích, quyền lợi, quyền lực của cá nhân một cách công bằng. Một xã hội đồng thuận từ trên xuống, từ dưới lên thì tất yếu có đoàn kết, mọi người sẽ cùng chung lưng đấu cật thực hiện mục đích chung. Và như vậy, đoàn kết, đồng thuận chính là nền tảng duy trì sự ổn định và phát triển xã hội.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến thăm Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến đồng thuận và đoàn kết, theo Người: “Dân ta xin nhớ chữ đồng: đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”1; “Biết đồng sức, biết đồng lòng. Việc gì khó làm cũng xong”2, “Sử ta dạy ta bài học này: Lúc nào dân tộc ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”3. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Đảng Cộng sản Việt Nam trải qua quá trình lãnh đạo đất nước, đều thống nhất quan điểm là phải xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, tôn giáo. Tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc. Đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước4.

Song, dân chủ, đồng thuận, đoàn kết không tự nó hình thành và phát triển mà phải trải qua một quá trình xây dựng và tạo lập những thiết chế. Những nhân tố tạo nên sự đồng thuận và đoàn kết tôn giáo, như một trong những yếu tố để kiến tạo đồng thuận và đoàn kết xã hội.

Thế nào là đồng thuận và đoàn kết xã hội, tôn giáo? Đồng thuận xã hội là khái niệm xuất hiện từ khi con người biết tổ chức cuộc sống thành một xã hội, vượt lên trên cuộc sống bầy đàn. Đồng thuận xuất hiện do nhu cầu vừa muốn tôn trọng sự khác biệt, vừa muốn tuân thủ những quy định chung. Đồng thuận chính là nền tảng duy trì sự ổn định và phát triển.

Khái niệm đồng thuận xã hội cũng được dùng phổ biến ở Việt Nam. Đầu thế kỷ XX, để vận động phong trào yêu nước, giới trí thức trong xã hội lúc bấy giờ thường dùng từ “đồng tâm, hiệp lực”: Chữ đồng tâm ấy phải cho một lòng (Phan Bội Châu); Than ôi! Hồn nước ta ơi! Tỉnh nghe ta gọi mấy lời đồng tâm (Nguyễn Quyền). Trong bài “Kính cáo đồng bào” viết năm 1941, Hồ Chí Minh viết: “Việc lớn chưa thành không phải vì đế quốc mạnh, nhưng một là cơ hội chưa chín, hai là dân ta chưa hiệp lực đồng tâm... Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết”5.

Xét ở góc độ nào đó, đồng thuận và đoàn kết là hai khái niệm song trùng, nhưng không đồng nhất. Khái niệm đoàn kết đôi khi cũng được hiểu là đồng tâm hiệp lực, thống nhất, liên kết, liên hợp lại làm một. Một xã hội có nhiều giai tầng, nhiều tộc người, đa văn hóa, đa tôn giáo, với những năng lực, lợi ích cá nhân, tập thể khác nhau thì khó có thể có sự đồng thuận tuyệt đối nhưng vẫn có thể gắn kết, đoàn kết với nhau cùng thực hiện một lý tưởng chung trên cơ sở đảm bảo lợi ích của riêng mình không bị triệt tiêu. Đồng thuận sẽ là phương thức, là điều kiện để tập hợp các lực lượng xã hội có lợi ích khác nhau nhưng vẫn có thể gắn kết ở một mức độ nhất định cùng thực hiện mục tiêu chung. Ngược lại, khi có được sự đoàn kết thì cũng dễ đạt đến sự đồng thuận.

Việt Nam là quốc gia đa dạng về tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa. Mỗi một tộc người có một niềm tin, tín ngưỡng và cách bày tỏ đức tin khác nhau. Như vậy, về lý thuyết, để có sự đồng thuận, đoàn kết tôn giáo là có phần khó khăn. Song, ở Việt Nam, tín đồ của tôn giáo này vẫn có thể thực hiện hành vi cúng lễ của các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Người Việt có thể đến chùa lễ Phật, đến đền lễ Thánh, đồng thời đến phủ, điện để thờ Mẫu, hầu đồng. Tín đồ tôn giáo vừa có thể tham gia những buổi lễ trọng của tôn giáo mình nhưng vẫn có thể tham gia các lễ hội dân gian, thành kính cúng lễ trước các Thánh, Thần hay tri ân những người hy sinh vì dân, vì nước. Ngoài ra, họ còn cầu Thần, cầu Thánh, cầu cả Phật cho mưa thuận, gió hòa, dân cường, nước thịnh, cho gia đình mạnh khỏe, an khang thịnh vượng, cho con đàn cháu đống, vạn sự như ý…

Tín đồ các tôn giáo ở nước ta thường có nhu cầu tâm linh đa phương, nhiều chiều như thế. Thậm chí, trong một làng, một xã có chuyện thần làng nào làng ấy thờ, thánh làng nào làng ấy cúng, thế nhưng mọi thánh thần đều bình đẳng ngang nhau, “chung sống” cạnh nhau, cùng đồng tôn, không xung đột, mâu thuẫn hay phân kháng. Tín đồ khác đạo vẫn chung tay xây dựng quê hương bản quán. Như vậy, đồng thuận, đoàn kết tôn giáo nêu trên, cụ thể hơn là sự đoàn kết người có tôn giáo và không tôn giáo, giữa người khác tôn giáo, giữa các tôn giáo với nhau và giữa tôn giáo với dân tộc, với Nhà nước là một truyền thống vốn có của người Việt.

Có được truyền thống tốt đẹp đó, trước hết, là bởi sự tôn trọng điểm khác biệt về tư tưởng, về nhân sinh quan, thế giới quan giữa các tôn giáo, giữa người có tôn giáo và không tôn giáo, giữa tôn giáo và dân tộc/nhà nước hay chủ nghĩa xã hội.

Việt Nam, chưa lúc nào, người Cộng sản chủ trương chống tôn giáo hay đả kích nó. Thời kỳ đầu khi mới thành lập Đảng Cộng sản, quan điểm tả khuynh về tôn giáo của Quốc tế Cộng sản, của nước Nga Xô Viết đã ảnh hưởng rất mạnh đến nhận thức và chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Không khí đấu tranh về đảng phái, về tư tưởng, về lập trường giai cấp ở Việt Nam cũng khá gay gắt.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân nhìn nhận về tôn giáo thuần tuý từ góc độ chính trị, hiểu một cách đơn giản tôn giáo là đồng nhất với sai lầm, lạc hậu, mê tín. Người dân theo tôn giáo do chịu ảnh hưởng của thế giới quan duy tâm và sai lầm đó nên dễ bị mê muội, mua chuộc. Không gian tôn giáo là những “pháo đài” bí ẩn. Tuy nhiên, những nhận định, quan điểm cực đoan đó không phải là quan điểm và chính sách chủ đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vào những năm 30, 40 của thế kỷ XX, Lê Hồng Phong, với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương đã có nhiều bài viết đả phá những quan điểm, nhận thức lệch lạc về tôn giáo khi đó. Trong tập sách “Gốc rễ của tôn giáo” được viết năm 1933, Lê Hồng Phong (bút danh Hải An) đã viết: “Nếu không thủ tiêu tôn giáo trong quần chúng thì cách mạng không thể thắng lợi được”, ghi chú: khẩu hiệu này là sai lầm tận gốc6. Nhận định, “tín đồ tôn giáo phần lớn đi theo chủ nghĩa đế quốc” ghi chú: điều đó là hoàn toàn không đúng7. Năm 1946, với bài viết “Đánh đổ khuynh hướng sai lầm, đừng xâm phạm tới tín ngưỡng của dân”, Trường Chinh chỉ rõ, người mác xít tuy không cổ súy những hủ tục, nhưng vấn đề là phải “giáo dục cho dân biết tại sao mê tín là sai, hủ tục là dở. Và dù vậy cũng không thể hấp tấp cấm đoán. Nếu vì cải cách phong tục và tôn giáo mà gây chia rẽ nhân dân hoặc làm cho dân hiểu lầm cách mạng, oán ghét chính quyền mới, thì đó là một tội không thể tha thứ được”8. Hồ Chí Minh thì nhắc lại nhiều lần, Việt Minh (tức người Cộng sản) không bao giờ chống đạo hay phản đối tôn giáo, sự xích mích nhỏ giữa đồng bào có đạo và không có đạo là vì đạo đức giáo hóa chưa được phổ cập, không ảnh hưởng đến sự đại đoàn kết của dân tộc. Hiến pháp đã quy định, tín ngưỡng tự do, ai khiêu khích tôn giáo là làm sai Hiến pháp sẽ bị xử phạt…9. Người Cộng sản cũng không chủ trương phế bỏ tôn giáo và các yếu tố thờ cúng của nó. Người Cộng sản làm cách mạng, đấu tranh chống kẻ thù là để đem lại độc lập tự do cho nước nhà, cũng là để cho văn hóa, chính trị, kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo đều được phát triển tự do10.

Việc hành xử bình đẳng giữa các tôn giáo, không ra mặt ủng hộ tôn giáo này và dùng biện pháp hành chính để hạn chế đối với tôn giáo khác là một trong những nhân tố để thuyết phục, quy tụ được mọi tín đồ và các tổ chức tôn giáo về một khối thống nhất, đoàn  kết, chung sống hoà bình, hoà thuận và đồng hành cùng dân tộc. Chủ trương hạn chế tôn giáo vì lý do duy trì sự ổn định quốc gia đều dẫn tới sự quá khích, cực đoan tôn giáo. Can thiệp tuỳ tiện hay cưỡng ép đối với hoạt động tôn giáo sẽ tạo nên tâm lý ức chế đối với tôn giáo, lâu dần dẫn đến hiệu ứng chống đối, phản kháng. Nói chung, ứng xử bình đẳng giữa các tôn giáo sẽ tạo nên hình ảnh về một cộng đồng chính trị - xã hội tin cậy, thân thiện, gần gũi trong suy nghĩ và cảm tình của người có đức tin thì sẽ thuyết phục, lôi kéo được họ hết lòng phụng sự Tổ quốc, dân tộc.

Như vậy, trong một xã hội có nhiều giai tầng, nhiều tộc người, đa tôn giáo với những năng lực, lợi ích và ý thức hệ khác nhau, chúng ta phải tìm ra mẫu số chung, đó là: độc lập cho dân tộc, hạnh phúc, ấm no cho người dân thì không nhất thiết cứ phải đồng đạo (cùng chung một hệ tư tưởng, một tôn giáo) vẫn có thể đồng hướng, đồng tâm, đồng lòng vì một mục tiêu chung trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt, tin cậy lẫn nhau, không định kiến, không phân biệt, không áp đặt, không mệnh lệnh. Có như vậy, mới tạo ra sự đồng thuận, đoàn kết tôn giáo trên tổng thể toàn xã hội.

Sau sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc (ngày 30/4/1975), Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới: độc lập, thống nhất và Chủ nghĩa xã hội. Đứng trước hoàn cảnh mới mẻ này, cùng với truyền thống đồng thuận, đoàn kết tôn giáo của dân tộc đã góp phần làm nên sự thay đổi căn bản trong chủ trương, đường lối của các tôn giáo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng dấn thân theo đường hướng “Đạo pháp - dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; Giáo hội Công giáo Việt Nam với đường hướng “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào”; các hội thánh Tin Lành ở Việt Nam đi theo con đường “phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc”; các hệ phái Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo đi cùng dân tộc theo tinh thần “Nước vinh, đạo sáng”... Các cá nhân và tổ chức tôn giáo đã góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệt liệt hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, phong trào đền ơn đáp nghĩa và nhiều hoạt động xã hội an sinh, từ thiện khác. Thế nhưng, những thách thức do tôn giáo đem lại hiện nay cũng không hề nhỏ trên nhiều phương diện: an ninh chính trị, an ninh xã hội, an ninh văn hoá và biên giới lãnh thổ... Như vậy, các tôn giáo cũng cần có sự “tự thoại” trong lòng mình, tự “giải phóng” mình ra khỏi những gì không phù hợp với đạo pháp và truyền thống dân tộc.

Văn hóa tâm linh là một thành tố trong văn hóa truyền thống của người Việt. Cha ông chúng ta đã từng viện đến truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra “một bọc trăm trứng” với màu sắc huyền bí để giải thích về cội nguồn dân tộc cốt là để khẳng định tinh thần gia tộc, tình nghĩa đồng bào, coi nhau như thể anh em của người Việt vì cùng chung một mẹ Âu Cơ, cùng một bọc mà ra. Cha ông chúng ta cũng từng “huy động” đến cả lực lượng “thần linh” như Thánh Gióng tham gia vào chiến sự khi đất nước lâm nguy phải oằn mình chống giặc ngoại xâm. Nhiều khi, sức mạnh thần bí đó là động lực tinh thần to lớn gắn kết cộng đồng người Việt thành một khối thống nhất để có thể chiến thắng kẻ thù lớn mạnh hơn mình gấp trăm vạn lần. Như vậy, công năng xã hội và văn hóa của tôn giáo là không chối bỏ được, suy rộng ra, tôn giáo vừa là một bộ phận thiết yếu của thượng tầng xã hội vừa là một bộ phận của phức hợp những yếu tố cũng rất thiết yếu trong đời sống con người dù nó có được sắp xếp theo một trật tự, một logic khác với các trật tự của các quan hệ xã hội. Nên, trong cuộc tìm kiếm một tập hợp những giá trị hay trật tự mới các quan hệ xã hội hiện nay, chúng ta cần lưu ý đến những giá trị, trật tự của tôn giáo vốn được coi là đã được trải nghiệm, được chấp nhận, được thừa nhận trong tiến trình hình thành và phát triển của lịch sử, văn hóa, văn minh nhân loại.

Trong bối cảnh đa dạng và đa nguyên tôn giáo như hiện nay, cần hóa giải sự phân lập ý thức hệ, tôn trọng điểm khác biệt, tin tưởng, ứng xử công bằng, trân trọng lẫn nhau để có được sự đồng thuận, đoàn kết, hòa hợp dân tộc - tôn giáo.

Đồng thuận, đoàn kết tôn giáo là sự nghiệp của toàn dân tộc và của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng, được thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Theo đó, Đảng và Nhà nước cần chú trọng đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật tôn giáo để bảo đảm quyền tự do tôn giáo của người dân với lợi ích của dân tộc.

PGS. TS Đỗ Lan Hiền - Viện trưởng Viện Tôn giáo,

Tín ngưỡng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/dong-thuan-va-doan-ket-ton-giao-5874.html