Đồng thuận trong GPMB vì sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Báo Thanh Hóa nhận được đơn của các hộ dân xã Yến Sơn (Hà Trung) phản ánh một số kiến nghị liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Trong đơn, các hộ dân bày tỏ những thắc mắc, kiến nghị về việc thu hồi đất nông nghiệp của các hộ để thực hiện GPMB phục vụ xây dựng các dự án giao thông, trường học và đặc biệt là các dự án đất nền phân lô tại các xứ đồng như: Đồng Quán, đồng Chuôm và đồng Cảo.

Diện tích GPMB tại xã Yến Sơn (Hà Trung) chủ yếu là đất nông nghiệp. Ảnh: V.H

Các hộ dân cho rằng: Đất 07 (đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài) là ruộng cấy lúa của Nhân dân từ đời cha ông để lại cho con cháu, những cánh đồng vốn là vựa lúa của Nhân dân, nuôi sống bao nhiêu thế hệ con người. Bây giờ thu hồi đất của dân rồi trả bồi thường đất với mức giá chỉ 20.000.000 đồng/sào ruộng (500m2)? Một số hộ dân không đồng tình việc UBND huyện Hà Trung thực hiện cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc trong việc thu hồi đất.

Theo tìm hiểu được biết, trên địa bàn xã Yến Sơn, UBND huyện Hà Trung đang triển khai thực hiện các dự án: xây dựng đường trục trung tâm nối Quốc lộ 217 và đường tỉnh 508; Trường THCS Lý Thường Kiệt; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới phía Đông thị trấn Hà Trung (phân khu 1, 2, 3). Để thực hiện các dự án này, có 447 trường hợp bị ảnh hưởng (5 tổ chức, 442 hộ gia đình, cá nhân) với tổng diện tích đất thực hiện GPMB là 38,02 ha (35,91 ha đất nông nghiệp và 2,11 ha đất phi nông nghiệp).

Ông Lê Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Yến Sơn, cho biết: Khi thực hiện GPMB đối với các dự án nêu trên, mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, song địa phương gặp không ít khó khăn, vướng mắc do các hộ dân cho rằng giá bồi thường GPMB đất nông nghiệp quá thấp, nông dân chịu thiệt thòi nên một số hộ dân có đơn thư gửi nhiều nơi. Một số hộ dân đầu tư làm trang trại lúa, cá đã nhiều năm, thậm chí đã bán đất ở trong làng để đầu tư và sinh sống ngay tại trang trại nên khi được thông báo về chủ trương GPMB thực hiện dự án, các hộ không khỏi băn khoăn, lo lắng chỗ ở về sau này. UBND xã Yến Sơn đã có tờ trình đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo giải quyết đối với các trường hợp này.

Được biết, đối với đơn kiến nghị của các hộ dân ở xã Yến Sơn, ngày 10-5-2022, UBND huyện Hà Trung có Công văn số 1152/UBND-TNMT trả lời cụ thể các nội dung trong đơn. Theo đó, UBND huyện Hà Trung khẳng định, căn cứ quy định của pháp luật tại Điểm a, b, c, d, Khoản 3, Điều 62, Luật Đất đai năm 2013, các dự án nêu trên thuộc trường hợp dự án Nhà nước thu hồi đất nhằm đầu tư xây dựng phục vụ lợi ích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đô thị trên địa bàn xã Yến Sơn theo quy hoạch mở rộng thị trấn Hà Trung đã được phê duyệt. Các dự án đều đã được HĐND tỉnh chấp thuận danh mục các công trình, dự án phải thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021. HĐND huyện Hà Trung quyết định chủ trương đầu tư, Chủ tịch UBND huyện Hà Trung phê duyệt dự án đầu tư.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung, cho biết: Để triển khai dự án theo đúng trình tự, thủ tục đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND huyện Hà Trung đã tổ chức hội nghị thông báo, thông tin đầy đủ về dự án và kế hoạch triển khai thực hiện dự án đến tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Hà Trung đã phối hợp cùng UBND xã Yến Sơn tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch đo đạc, kiểm đếm và bàn giao thông báo thu hồi đất đến các hộ dân trong phạm vi thực hiện dự án.

Đối với kiến nghị về giá bồi thường 20.000.000 đồng/sào ruộng (500m2) là thấp, đại diện UBND huyện Hà Trung khẳng định: Đơn giá bồi thường về đất được xác định là giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường và đã được UBND huyện phê duyệt theo quy định cho từng dự án. Đối với đơn giá tính tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp sẽ được tính bằng 1,5 lần theo đơn giá quy định trong bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Kinh phí hỗ trợ ổn định đời sống khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp được tính theo quy định của UBND tỉnh tại Quyết định số 3162/QĐ-UBND ngày 26-9-2014. Căn cứ các quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường GPMB các dự án nêu trên của UBND huyện Hà Trung và bảng giá đất thời kỳ 2020-2024 của UBND tỉnh, đối với các thửa đất trồng cây hàng năm vị trí 1, đơn giá bồi thường về đất là 40.000 đồng/m2, theo đó giá trị bồi thường cho 1 sào (500m2) đất thu hồi sẽ bao gồm: kinh phí bồi thường về đất (500m2 x 40.000 đồng/m2 = 20.000.000 đồng), kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm (500m2 x 40.000 đồng/m2 x 1,5 = 30.000.000 đồng), kinh phí hỗ trợ ổn định đời sống được tính căn cứ vào tỷ lệ diện tích thu hồi và số khẩu trong hộ gia đình đủ điều kiện được hỗ trợ. Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ đối với một sào ruộng (500m2) vị trí 1 là 50.000.000 đồng (chưa kể phần hỗ trợ ổn định đời sống và kinh phí bồi thường tài sản trên đất) cho các hộ là đúng quy định.

Đối với nội dung các hộ dân không đồng ý việc UBND huyện Hà Trung thực hiện cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đối với các hộ, đại diện UBND huyện Hà Trung khẳng định: Đầu tư xây dựng các dự án nêu trên nhằm phục vụ lợi ích công cộng, phát triển kinh tế và xây dựng đô thị trên địa bàn theo quy hoạch mở rộng thị trấn Hà Trung đã được UBND tỉnh phê duyệt, do đó, căn cứ Điểm d, Khoản 1, Điều 69, Luật Đất đai năm 2013: Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì UBND cấp xã, ủy ban MTTQ cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB tổ chức vận động thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB thì chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai năm 2013.

Sau khi thực hiện đầy đủ quy định theo trình tự, thủ tục thu hồi đất, UBND huyện Hà Trung tổ chức thực hiện cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc đối với các trường hợp người sử dụng đất không phối hợp trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm là đúng quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời để dự án được triển khai bảo đảm đúng tiến độ đề ra.

Xã Yến Sơn có địa giới hành chính giáp thị trấn Hà Trung. Theo quy hoạch xây dựng vùng huyện Hà Trung đến năm 2045, địa bàn xã Yến Sơn nằm trong quy hoạch thị trấn Hà Trung mở rộng. Những dự án đang triển khai sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển đô thị theo quy hoạch đã phê duyệt. Vì lẽ đó, người dân ở xã Yến Sơn cần chia sẻ, đồng thuận, tạo điều kiện để hoàn thành công tác GPMB vì sự phát triển chung của địa phương.

Nhóm PV Bạn đọc – TL

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/dong-thuan-trong-gpmb-vi-su-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-dia-phuong/159866.htm