ĐỒNG THUẬN CHẤP HÀNH, NHANH ĐƯA PHÁP LUẬT VÀO CUỘC SỐNG

Ngày 27-11, Quốc hội họp phiên bế mạc, kết thúc khoảng thời gian dài làm việc để ban hành nhiều quyết sách quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội-thể hiện qua các nghị quyết, bộ luật, luật đã được thông qua. Điển hình là Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020; Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)…

Có thể nói, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 là điểm nhấn tại kỳ họp lần này. Đây là lần đầu tiên, Quốc hội ban hành một nghị quyết tổng thể để tích hợp các chính sách, thu gọn đầu mối quản lý, nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Điều đặc biệt hơn là ngay sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết, trong khi Quốc hội vẫn đang tiến hành Kỳ họp thứ tám, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng thư ký Quốc hội đã phối hợp tổ chức hội nghị triển khai nghị quyết. Theo ghi nhận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là nét mới trong hoạt động của Quốc hội, chưa có nghị quyết nào được ban hành và triển khai nhanh như vậy.

Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8. Ảnh VGP

Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8. Ảnh VGP

Việc nhanh chóng triển khai Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 không chỉ có ý nghĩa sâu sắc thúc đẩy phát triển ở những địa bàn lâu nay vẫn được coi là “vùng trũng” phát triển vì rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, mà còn có ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần chung sức, đồng lòng thượng tôn pháp luật, nhanh chóng triển khai thực thi những chính sách, pháp luật đã được Quốc hội, nơi hội tụ ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước thông qua.

Lâu nay vẫn có tình trạng chính sách, pháp luật do Quốc hội ban hành cần phải có độ trễ nhất định do công tác hướng dẫn thi hành, triển khai thực thi phải trải qua nhiều tầng, nấc. Vì thế, chính sách, pháp luật chậm đi vào cuộc sống, làm lỡ thời cơ tốt để phát triển. Thậm chí, có những chính sách, pháp luật do độ trễ quá lớn, dẫn tới khi triển khai thi hành được thì đã trở nên lạc hậu so với sự vận động liên tục, không ngừng của thực tiễn cuộc sống, vô hình trung lại trở thành "lực cản" cho sự phát triển.

Chính sách, pháp luật được Quốc hội thông qua nếu được triển khai thi hành sớm chừng nào sẽ tốt cho sự phát triển chừng ấy. Bởi thế, cử tri, nhân dân không chỉ quan tâm tới diễn tiến nghị trường trong mỗi kỳ họp của Quốc hội, mà còn rất quan tâm, trông chờ vào thời gian “hậu kỳ họp”, thời gian để những quyết sách của Quốc hội đi vào cuộc sống, đi đến đích cuối cùng là bảo đảm quốc phòng, an ninh; cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Cùng với việc chủ động triển khai, để những chính sách, pháp luật đã được Quốc hội thông qua sớm phát huy hiệu quả trong thực tiễn, ngoài sự khẩn trương, nghiêm túc vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, rất cần tới sự hưởng ứng, đồng thuận chấp hành của các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Khi cả nước cùng chung sức, đồng lòng thượng tôn pháp luật; khi mỗi cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị đều thực hiện đúng quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, thì pháp luật sẽ phát huy tác dụng cao nhất, tạo ra sức mạnh cộng hưởng cho quốc gia, dân tộc.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/dong-thuan-chap-hanh-nhanh-dua-phap-luat-vao-cuoc-song-603735