Động thổ cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn quy mô vốn 20.900 tỷ đồng

Tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 115 km là công trình động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng Đông Bắc.

Việc động thổ Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ là tiền đề quan trọng để UBND tỉnh Cao Bằng thu xếp nguồn vốn ngân sách và tín dụng cho công trình.

Sáng nay (3/10), tại Đông Khê - Thạch An, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Lễ động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Tĩnh và khởi công 2 tiểu dự án kết nối cao tốc.

“Việc triển khai tuyến cao tốc động lực kết nối Đồng Đăng - Lạng Sơn với cửa khẩu Trà Lĩnh - Cao Bằng đang hết sức cấp thiết nhằm đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội và góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng tại khu vực Đông Bắc; đồng thời mở ra một tuyến cao tốc đối ngoại mới kết nối cảng Lạch Huyện - Hải Phòng đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu”, ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng đánh giá.

Trong 2 năm qua, Tập đoàn Đèo Cả đã cùng UBND tỉnh Cao Bằng nghiên cứu tuyến cao tốc nêu trên một cách tổng thể và có những nghiên cứu, đề xuất rất quan trọng với việc tối ưu hóa phương án tuyến bằng cách điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối vào tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam có chiều dài 17,5 km, xây dựng các công trình hầm giao thông xuyên núi, cầu cạn.

Do vậy, tổng chiều dài tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được rút ngắn xuống còn 115 km so với 144 km theo quy hoạch (giảm 29 km) và cũng giúp kéo giảm tổng mức đầu tư Dự án xuống còn hơn 20.000 tỷ đồng, giảm khoảng 50% chi phí đầu tư so với tổng vốn đầu tư dự kiến quy hoạch trước đó là 47.520 tỷ đồng).

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu nói trên, vào tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1212/QĐ – TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Trong giai đoạn 1 (2020 – 2024), Dự án sẽ đầu tư khoảng 93 km từ cửa khẩu Tân Thanh đến xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h .

“Là một doanh nghiệp thuần Việt, một nhà đầu tư hạ tầng giao thông chuyên nghiệp, chúng tôi nhận thức được việc xây dựng và thực hiện thành công dự án cao tốc tại địa phương còn nghèo như Cao Bằng vừa là niềm tự hào và cũng là một phần trách nhiệm của mình”, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả - lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân được UBND tỉnh Cao Bằng mời tham gia Ban Chỉ đạo triển khai Dự án với nhiệm vụ là Phó trưởng ban chia sẻ.

Ông Hoàng cho biết thêm hiện đơn vị đang tham gia với tư cách hỗ trợ tỉnh Cao Bằng nghiên cứu Dự án. Nhà đầu tư Dự án sẽ được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lựa chọn thông qua việc đấu thầu cạnh tranh, minh bạch.

“Ngoài Đèo Cả, chúng tôi tin rằng còn rất nhiều nhà đầu tư có năng lực khác cũng sẽ quan tâm tới Dự án”, ông Hoàng chia sẻ.

Trên thực tế, khi được tỉnh Cao Bằng mời nghiên cứu dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã có những bước đi cụ thể khi chủ động hoàn thành rất sớm hồ sơ đề xuất dự án xây dựng đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đủ sức thuyết phục để Chính phủ ban hành được quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư vào hồi đầu tháng 8/2020 vừa qua.

Mặc dù vậy, theo lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, động thổ một dự án với quy mô đầu tư rất lớn chỉ là thành công bước đầu. Trên thực tế việc triển khai Dự án còn rất nhiều khó khăn khi chưa rõ việc phân bổ nguồn vốn, trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó có vai trò rất quan trọng của các cơ quan nhà nước.

“Ban chỉ đạo cần có nhiều giải pháp đột phá để kích thích lưu lượng, nghiêm túc nghiên cứu các biện pháp bù đắp ngân sách, xác định đem lợi ích ngắn hạn từ việc tham gia thi công thông qua các tiểu dự án đầu tư công để tích góp bổ trợ cho đầu tư PPP, kết nối các Doanh nghiệp khác để tổ chức thực hiện khoa học nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, biến các Doanh nghiệp thi công trở thành một phần của Nhà đầu tư thì mới mong hiện thực hóa giấc mơ Cao tốc Cao Bằng”, ông Hoàng chia sẻ.

Ngoài việc động thổ Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã tiến hành khởi đông 2 tiểu dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng kết nối với đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, gồm đường giao thông Đoỏng Lẹng - thị trấn Đông Khê và Thụy Hùng - Vân Trình. Đây là 2 tuyến đường thuộc địa bàn huyện Thạch An khi hoàn thành sẽ đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Cao Bằng - Công viên địa chất toàn cầu là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển ngành du lịch với những di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng như: Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng biên giới Thu - Đông 1950 ở huyện Thạch An, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén...; với đường biên giới dài hơn 333 km có nhiều cửa khẩu, lối mở thông thương quốc tế từ phía Bắc, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, phát triển thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa.

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng từng bước thay đổi, đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, hiện nay Cao Bằng vẫn là tỉnh còn rất nghèo, thu ngân sách năm 2019 chỉ đạt 2.208 tỷ đồng, đứng trong nhóm cuối của cả nước về số thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 25 triệu đồng/ người/ năm - chỉ bằng 40% bình quân đầu người của cả nước.

Nguyên nhân chính được xác định do là hệ thống giao thông tại địa phương có rất hạn chế về số lượng và chất lượng, không có cảng hàng không, không có đường sắt, không có đường thủy… Hiện nay, việc giao thương giữa Cao Bằng với các địa phương khác chỉ qua các tuyến đường bộ Quốc lộ 3, Quốc lộ 4A, Quốc lộ 34, Quốc lộ 34B, Quốc lộ 4C, đường Hồ Chí Minh. Tuy các tuyến đường này đã được nâng nhựa nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật còn rất thấp, đường nhỏ hẹp, quanh co, nhiều đèo cao nguy hiểm… không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Cao Bằng.

“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng xác định kinh tế cửa khẩu là một trong những động lực quan trọng nhằm đẩy mạnh nhịp độ tăng trưởng kinh tế, tạo động lực lan tỏa cho các vùng kinh tế khác, việc sớm triển khai đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối, nhất là tuyến đường cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) và quyết tâm cụ thể hóa mục tiêu này trong thời gian tới”, ông Lại Xuân Môn khẳng định.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dong-tho-cao-toc-cao-bang---lang-son-quy-mo-von-20900-ty-dong-d130639.html