Động thổ 2 nhà máy điện gió với tổng vốn 3.600 tỷ đồng

Dự kiến 2 dự án hoàn thành vào năm 2021 sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 125 tỷ đồng.

 Lễ động thổ 2 dự án điện gió quy mô lớn tại Gia Lai.

Lễ động thổ 2 dự án điện gió quy mô lớn tại Gia Lai.

Ngày 24/9, tại Gia Lai đã diễn ra lễ động thổ 2 dự án Nhà máy Điện gió Phát triển miền núi và Chế biến Tây Nguyên do liên danh 2 Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai và Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư.

Theo đó, dự án Nhà máy Điện gió Phát triển miền núi có vùng hiệu suất gió 654 ha, công suất 50 MW. Còn dự án Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên có vùng hiệu suất gió 464 ha, công suất 50 MW. 2 dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng, được triển khai tại xã Bàu Cạn huyện Chư Prông

Dự kiến, cả 2 dự án có tổng sản lượng điện hơn 319,5 triệu kW/năm, doanh thu hơn 627,6 tỷ đồng/năm. Nộp ngân sách nhà nước hơn 125 tỷ đồng/năm.

Bà Nguyễn Thị Sen, đại diện Chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Phát triển miền núi và Chế biến Tây Nguyên cho biết, việc đầu tư vào điện gió góp phần tạo thêm nguồn năng lượng xanh phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và sinh hoạt của người dân. Điện gió cũng góp phần thu hút khách du lịch vì toàn cảnh công trình với nhiều cảnh quan rất hấp dẫn.

Theo khảo sát, xã Bàu Cạn có tiềm năng gió khá tốt với vận tốc 5,6-7 m/s tại độ cao 100 m; đồng thời có lợi thế về giao thông thuận tiện, khối lượng đấu nối lưới điện ít, cách xa khu dân cư, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng có nhiều thuận lợi. Khi triển khai thi công dự án và đưa nhà máy vào hoạt động sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường sinh thái khu vực. Các turbine gió sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Mô hình điện gió của 2 dự án.

Được biết, tỉnh Gia Lai hiện có 67 dự án điện gió đã được trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất dự kiến 4.048,4 MW.

Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai là địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng điện gió và mặt trời. Chính vì vậy trong trong nhiệm 2016-2020, tỉnh đã kêu gọi được trên 500 dự án với tổng số vốn trên 800 nghìn tỷ đồng. Như vậy, so với nhiệm kỳ trước dự án đã tăng gấp 5 lần, tổng vốn tăng 36 lần.

“Cứ 1 MW mang lại cho tỉnh 200 triệu đồng tiền thuế mỗi năm thì khi các dự án đi vào hoạt động. Với dự án điện gió, đây thực sự là nguồn năng lượng sạch, không ảnh hưởng đến môi trường, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ dự án sớm đi vào hoạt động”, ông Thành khẳng định.

Trần Đăng Lâm

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dong-tho-2-nha-may-dien-gio-voi-tong-von-3600-ty-dong-d273807.html