Đồng Tháp tích cực sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

Thời gian qua, Chương trình hành động, Đề án về thí điểm sắp xếp một số tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đến năm 2021 của Tỉnh ủy Đồng Tháp được cấp ủy cấp huyện tập trung thực hiện đạt hiệu quả.

Nông dân phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chăm sóc cây hoa cúc. Ảnh: CÔNG ĐỊNH

Đến nay, trong tổng số 12 cấp ủy huyện, có 11 đơn vị thực hiện kiêm nhiệm chức danh trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ (huyện Cao Lãnh sẽ thực hiện từ tháng 12 năm nay); chín đơn vị có trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị. TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc và các huyện Châu Thành, Tân Hồng đã thực hiện kiêm nhiệm chức danh trưởng ban tổ chức đồng thời là trưởng phòng Nội vụ; tại huyện Tháp Mười, phó trưởng Ban Tổ chức đồng thời là Trưởng Phòng Nội vụ.

Các huyện: Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười, TP Cao Lãnh sáp nhập trung tâm văn hóa - thể thao và đài truyền thanh thành trung tâm văn hóa - thể thao và truyền thanh (thuộc Phòng Văn hóa và Thông tin); sáp nhập, hợp nhất các đơn vị và chi bộ, đảng bộ y tế tuyến huyện. Huyện Cao Lãnh và Tháp Mười đã thành lập Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện trên cơ sở hợp nhất các trạm khối nông nghiệp. Huyện Tháp Mười đã hoàn thiện Đề án sáp nhập Phòng Nội vụ vào Ban Tổ chức Huyện ủy; Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện vào Ban Tuyên giáo Huyện ủy. TP Cao Lãnh thành lập các bộ phận tham mưu, giúp việc chung cho Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố.

Ở cấp xã và ấp, khóm của tỉnh, 20 trong tổng số 144 xã, phường, thị trấn đã thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND; 435 trong tổng số 701 ấp, khóm đã thực hiện bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban nhân dân ấp, khóm và Phó bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban công tác mặt trận ấp, khóm. Hai TP Cao Lãnh, Sa Đéc và huyện Cao Lãnh thực hiện phân công kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; triển khai kế hoạch sắp xếp các tổ chức, các hội theo hướng sáp nhập, giải thể để tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn.

* Thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở 94 xã trên địa bàn, trong đó có 59 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh Khánh Hòa thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2018 - 2020, với mức đầu tư hơn 476 tỷ đồng (gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 30 tỷ đồng và các tổ chức kinh tế, gia đình tham gia trực tiếp đầu tư).

Theo Chương trình, tỉnh lựa chọn 26 sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang đặc trưng của địa phương, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu để có những giải pháp hỗ trợ. Trong đó nhiều nông sản tươi sống và nông sản chế biến được đánh giá khá cao trên thị trường lâu nay như: mía tím, sầu riêng Khánh Sơn, tỏi Vạn Ninh, xoài, khoai sáp Cam Lâm, bưởi da xanh Khánh Vĩnh, tôm hùm, nước mắm, rong nho khô, chả cá, nem chua... Những sản phẩm thuộc nhóm đồ uống gồm cà-phê, yến sào và sản phẩm chế biến từ yến sào… được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhóm hàng lưu niệm - nội thất - trang trí có các sản phẩm gồm: trầm hương chế tác, đá mỹ nghệ Ninh Giang, đúc đồng Diên Khánh, sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ, hoa cúc Ninh Giang... Dịch vụ du lịch nông thôn hướng vào sản phẩm phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí...

Về giải pháp thị trường và xây dựng thương hiệu, tỉnh tập trung đẩy mạnh cung cấp thông tin về từng nông sản nói trên qua phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của ngành để doanh nghiệp chủ động lựa chọn, bố trí sản xuất, thu mua hợp lý. Tỉnh hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, quy cách của các nước nhập khẩu.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38141702-dong-thap-tich-cuc-sap-xep-to-chuc-bo-may-he-thong-chinh-tri.html