Đồng Tháp: Thay đổi tư duy sản xuất tại hợp tác xã

Nhằm thực hiện thành công tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất, tỉnh Đồng Tháp xác định phải tập trung phát triển kinh tế tập thể, trọng tâm là các hợp tác xã (HTX).

Đến năm 2020, Đồng Tháp đã có hơn 40 doanh nghiệp (DN), 26 HTX, 34 tổ hợp tác cùng hộ nông dân tham gia liên kết. Tiêu biểu như: Công ty TNHH MTV Hiếu Nhân, Công ty TNHH MTV SaTra, Công ty Lương thực Đồng Tháp, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty VinEco, Công ty TNHH XNK Chánh Thu, Công ty Cổ phần Đầu tư VIS, Công ty TNHH MTV VietFarm Goods... Thông qua hoạt động liên kết, Đồng Tháp đã xây dựng được một số thương hiệu cả nước biết đến như: Gạo "Ruộng nhà mình", "Ngọc đỏ Hương dứa"; "Xoài Cao Lãnh"; "Quýt Hồng Lai Vung", "Sen Tháp Mười"…

 Sen Tháp Mười đã có thương hiệu riêng nhờ liên kết sản xuất, tiêu thụ

Sen Tháp Mười đã có thương hiệu riêng nhờ liên kết sản xuất, tiêu thụ

Thực tế cho thấy, từ chỗ tham gia vào HTX, tổ hợp tác, hội quán, các hộ thành viên đã từng bước thay đổi phương thức sản xuất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng nông sản, từ đó giúp tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. Hơn thế, HTX còn là cầu nối để thành viên tiếp cận các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển nông nghiệp của Đảng và Nhà nước; đồng thời là nơi tổ chức, giúp đỡ, tư vấn, hướng dẫn, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp thành viên yên tâm sản xuất, từng bước cải thiện đời sống.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện mô hình HTX ở Đồng Tháp đang đối mặt với nhiều bất cập như: Một bộ phận nông dân vẫn giữ tập quán thích bán lúa tươi qua thương lái (trả tiền tại ruộng, không hợp đồng, không chuyển khoản) nên chưa quen với hình thức liên kết cùng công ty. Các HTX đa phần thiếu cơ sở vật chất, phương tiện nên chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển lúa đến nhà máy theo yêu cầu của doanh nghiệp quy mô lớn. Chính sách của một số công ty, DN chưa phù hợp với nhu cầu của nông dân khi tham gia liên kết (giá bán vật tư của công ty cao hơn so với giá thị trường, vật tư do các công ty cung ứng đôi lúc không phù hợp với yêu cầu sử dụng của nông dân...). Bên cạnh đó, một số công ty, DN không đầu tư vật tư đầu vào (giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật) hoặc hỗ trợ vốn trong sản xuất, mà chỉ thu mua lúa của nông dân vào thời điểm thu hoạch.

Trước thực trạng trên, để HTX phát huy hiệu quả tốt hơn trong thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo cơ chế thị trường, đáp ứng tiêu chí xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp đang tập trung tuyên truyền cho nông dân hiểu được tầm quan trọng và lợi ích khi tham gia HTX, thay đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp"; nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý HTX, xây dựng lộ trình phát triển HTX kiểu mẫu, đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại để nhân rộng; thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ HTX, DN có tham gia chuỗi liên kết đối với từng ngành hàng liên quan lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích phát triển DN có đủ năng lực tham gia vào mô hình sản xuất - tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.

Cùng với đó, chính quyền tiếp tục là đầu mối thúc đẩy, hỗ trợ liên kết HTX và DN để thúc đẩy chuỗi liên kết tiêu thụ giữa HTX và DN một cách bền vững, hiệu quả hơn. Cụ thể như, chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn tổ chức hoạt động kết nối cung - cầu giữa HTX với DN; chủ động thu thập thông tin cụ thể từ các HTX (loại giống, thời gian xuống giống, diện tích, sản lượng, quy trình sản xuất, phương thức vận chuyển...) và DN tiêu thụ lúa gạo (nhu cầu, phương thức liên kết...), từ đó kết nối cung - cầu giữa HTX và DN.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dong-thap-thay-doi-tu-duy-san-xuat-tai-hop-tac-xa-148660.html