Đồng Tháp quyết tâm chuyển đổi số

Là nội dung chính của hội nghị trực tuyến về 'Định hướng hợp tác phát triển ngành thông tin truyền thông tỉnh Đồng Tháp' giữa Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp được tổ chức ngày 10/9.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu thủ đô Hà Nội là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của Đồng Tháp vẫn duy trì đà phát triển và có những điểm sáng.

Để đạt được những kết quả tích cực trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Tháp đã chủ động thực hiện chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Chính quyền theo hướng điện tử” bằng những hành động cụ thể, thiết thực; ứng dụng thương mại điện tử trong mua bán hàng hóa; triển khai thực hiện các mô hình nông nghiệp thông minh, mô hình kinh doanh sản phẩm nông nghiệp theo hướng gắn kết với thương mại điện tử như: “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”, “Ruộng nhà mình”; ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản chủ lực…

Riêng đối với lĩnh vực TT&TT, thời gian qua được tỉnh Đồng Tháp quan tâm đầu tư và đạt những kết quả khả quan. Cụ thể, hiện toàn tỉnh có 215 điểm bưu chính phủ khắp các xã trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, địa phương cũng có 13 đơn vị hoạt động về bưu chính, chuyển phát (doanh thu trên 90 tỷ đồng/năm).Về hạ tầng viễn thông, hiện nay toàn tỉnh có 100% xã đều có đường truyền internet cáp quang và mạng di động 3G, 4G bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.

Đặc biệt, về ứng dụng công nghệ thông tin, những năm qua Đồng Tháp đã triển khai nền tảng dữ liệu dùng chung và một số cơ sở dữ liệu, dữ liệu dùng chung. Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh đã cung cấp trên 5.000 tài khoản, bảo đảm 100% cán bộ, công chức đều có hộp thư công vụ để trao đổi công việc. Đồng thời, dùng làm tài khoản đăng nhập để sử dụng các dịch vụ, phần mềm dùng chung của tỉnh.

Về phát triển đô thị thông minh, Đồng Tháp hoàn thành dự thảo đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh, đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, thí điểm lắp đặt hệ thống màn hình giám sát với 9 tấm ghép hướng đến xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh; TP.Sa Đéc đã ký kết hợp tác với VNPT Đồng Tháp về đề án xây dựng TP.Sa Đéc phát triển thành thành phố thông minh, giai đoạn 2020 - 2030.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa kiến nghị Bộ TT&TT hỗ trợ triển khai thực hiện chuyển đổi số trên cơ sở kế thừa các kết quả đạt được của công tác cải cách hành chính xây dựng “chính quyền thân thiện”, chính quyền điện tử và đặc biệt là chuyển đổi số, kinh tế số trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, Phó Chủ tịch cũng đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ Đồng Tháp trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ TT&TT; hỗ trợ Đồng Tháp phát triển khu công nghệ thông tin...

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan (bìa trái) bày tỏ sự quyết tâm của Đồng Tháp trong việc chuyển đổi số

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan bày tỏ sự quyết tâm của Đồng Tháp trong việc chuyển đổi số. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh Đồng Tháp sẽ quyết liệt thực hiện trên 3 “mặt trận” của chuyển đổi số là: kinh tế số - chính quyền số - xã hội số. Bí thư Lê Minh Hoan yêu cầu lãnh đạo từng ban, ngành và địa phương cần phải quyết liệt hơn trong việc chuyển đổi số. Mỗi ngành cần tự đặt ra câu hỏi khi tham gia chuyển đổi số thì ngành, lĩnh vực mình phục trách sẽ có những đột phá và thay đổi ra sao, để có lộ trình thực hiện chi tiết, bài bản.

Bí thư Lê Minh Hoan cũng yêu cầu Sở TT&TT Đồng Tháp cần xây dựng bộ chỉ số đo lường hiệu quả của việc chuyển đổi số, tham mưu UBND tỉnh. Để chuyển đổi số hiệu quả, UBND tỉnh cần mời các doanh nghiệp về công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh tham gia vào việc đóng góp cho Đồng Tháp trong việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, để tạo ra giá trị và sức lan tỏa nhiều hơn về kinh tế số thì việc triển khai xuống đến từng hội quán, từng HTX để người dân hiểu và cùng tham gia là điều rất cần thiết. Bởi những nhân tố này chính là thành phần quyết định sự thành công của mỗi mô hình mới, chính sách mới…Đặc biệt, Bí thư tỉnh ủy Lê Minh Hoan kiến nghị Bộ TT&TT hỗ trợ việc tập huấn về kinh tế số để Đồng Tháp từng bước triển khai hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao những ý tưởng đột phá của Đồng Tháp trong phát triển kinh tế - xã hội những năm qua

Đánh giá cao những quyết tâm của Đồng Tháp trong việc chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các Vụ, Cục và doanh nghiệp trực thuộc Bộ cùng giải quyết hàng loạt các vấn đề cho Đồng Tháp như: Phát triển giao dịch điện tử, truy xuất nguồn gốc, chính quyền thông minh. Đồng thời, Bộ Trưởng cũng yêu cầu Đồng Tháp cần xây dựng một chiến lược về chuyển đổi số hoàn chỉnh, có lộ trình cho từng lĩnh vực; cần tạo ra cơ chế thông thoáng, ưu đãi thu hút doanh nghiêp đầu tư vào lĩnh vực này…Bộ TT&TT cam kết sẽ đồng hành cùng tỉnh Đồng Tháp trong việc chuyển đổi số.

Lãnh đạo Bộ TT&TT và UBND tỉnh Đồng Tháp ký kết Biên bản ghi nhớ

Dịp này, lãnh đạo Bộ TT&TT và UBND tỉnh Đồng Tháp ký kết Biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông giai đoạn 2020 - 2021; Cục Tin học hóa thông tin chuyên đề chuyển đổi số cho tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, trọng tâm là chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Du lịch (nâng cao trải nghiệm của du khách), giáo dục (nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục), y tế (nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe cho người dân) và nông nghiệp (nâng cao khả năng dự báo và tiếp cận thị trường).

Mỹ Lý

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/khoa-hoc/dong-thap-quyet-tam-chuyen-doi-so-93140.aspx