Đồng Tháp: Người dân ồ ạt nuôi tôm thẻ trong vùng ngọt

Chiều 5-8, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa có công văn chỉ đạo Sở NN-PTNT, các sở ngành liên quan và UBND các huyện tăng cường quản lý việc người dân tự ý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt.

Tôm thẻ chân trắng dễ lây lan mầm bệnh, nên ngành chức năng không khuyến cáo nuôi trong vùng ngọt.

Tôm thẻ chân trắng dễ lây lan mầm bệnh, nên ngành chức năng không khuyến cáo nuôi trong vùng ngọt.

Theo đó, lâu nay tôm thẻ chân trắng chủ yếu được thả nuôi ở các địa phương ven biển; tuy nhiên khoảng hơn 3 năm nay nhiều nông dân ở Đồng Tháp thấy nuôi tôm thẻ chân trắng có lãi, nên tự ý khoan cây nước tìm nước ngầm và sử dụng thêm muối rải xuống ao nhằm tăng độ mặn… để nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt.

Một số hộ nuôi đạt năng suất bình quân 6,2 tấn/ha, trừ chi phí còn lời từ 50.000- 80.000 đồng/kg… từ đó kéo nhiều hộ khác làm theo.

Trước tình hình trên, ngành chức năng lo ngại việc người dân tự ý khoan cây nước để khai thác nước ngầm phục vụ nuôi tôm thẻ và xả thải nước mặn ra bên ngoài sẽ dẫn tới ô nhiễm môi trường, nước bị nhiễm mặn sẽ nguy hại cho trồng lúa và nuôi các loại thủy sản nước ngọt khác. Chưa kể, tôm thẻ là đối tượng dễ phát sinh và lây lan mầm bệnh, vì vậy nếu phát triển diện tích lớn sẽ có nguy cơ gia tăng dịch bệnh.

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) lưu ý, theo quy hoạch tổng thể ngành thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, thì Đồng Tháp không quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng… Dù ngành chức năng không khuyến cáo nuôi tôm thẻ trong vùng ngọt, thế nhưng đến nay ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp), người dân vẫn thả nuôi khoảng 150 ha tôm thẻ chân trắng, gây lo lắng cho những hộ nuôi thủy sản nước ngọt và trồng lúa…

Ông Châu Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: UBND tỉnh Đồng Tháp vừa chỉ đạo Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý những vi phạm trong việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, sử dụng nguồn nước giếng khoan để nuôi tôm thẻ chân trắng và yêu cầu người nuôi thực hiện nghiêm bảo vệ môi trường, xả nước thải từ ao nuôi ra môi trường tự nhiên phải qua xử lý. Bên cạnh đó, tiến hành phân tích, đánh giá sản xuất, so sánh lợi nhuận, tác động môi trường, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp khác trên các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng của huyện Tam Nông.

Sở KH-CN tỉnh thực hiện đề tài nghiên cứu về nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, nhằm đánh giá khả năng thích ứng, những tác động ảnh hưởng ngắn hạn và lâu dài đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

Các đơn vị chức năng phải tăng cường quản lý, không cho mở rộng diện tích nuôi mới tôm thẻ chân trắng, đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng nước ngầm để nuôi tôm thẻ chân trắng và khuyến cáo không thả nuôi lại.

NGUYỄN THANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dong-thap-nguoi-dan-o-at-nuoi-tom-the-trong-vung-ngot-460082.html