Đồng Tháp: Kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật

Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm (2016 – 2020), kinh tế của tỉnh có bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt 6,44%, quy mô nền kinh tế tiếp tục mở rộng, đến cuối năm 2020 ước đạt trên 87.000 tỷ đồng (tăng 1,5 lần) so với năm 2015.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 47 triệu đồng, trong đó khu vực thành thị là 51 triệu đồng và khu vực nông thôn là 45,6 triệu đồng.

Việc huy động nguồn lực xã hội cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là thu hút nguồn lực xã hội. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động trong giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 83.516 tỷ đồng, chiếm 22,3% GRDP của tỉnh. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, tất cả các chỉ tiêu về xã hội đạt theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt là việc phát huy tự hào “Tôi người Đồng Tháp” thân thiện, nghĩa tình và có trách nhiệm.

Sự phát triển của ngành Du lịch thời gian qua đã góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Đồng Tháp.

Sự phát triển của ngành Du lịch thời gian qua đã góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Đồng Tháp.

Cùng với đó, Đồng Tháp đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh Đồng Tháp đã tạo lập nhiều kênh kết nối với doanh nghiệp, nổi bật là mô hình: “Cà phê doanh nghiệp” trong khuôn viên UBND tỉnh, công khai số điện thoại, hộp thư điện tử của lãnh đạo tỉnh… để kịp thời lắng nghe, giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Qua đó, vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng gia tăng, toàn tỉnh có hơn 4.200 doanh nghiệp đang hoạt động, vượt mục tiêu 200 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm thành lập mới 520 doanh nghiệp, từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, đã lãnh đạo kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước (giảm 37 đầu mối cấp phòng và tương đương trực thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp tỉnh và 30 phòng trực thuộc chi cục và tương đương); nhiều đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp tinh gọn; thực hiện rà soát, sắp xếp, sáp nhập 136 tổ chức phối hợp liên ngành , giảm còn 53 tổ chức. Giai đoạn 2015 - 2021 đã giảm 266 biên chế công chức hành chính và 3.180 biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp quyết tâm xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, gắn với yếu tố thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, làm động lực phát triển bền vững. Phát triển kinh tế công – nông – thương trên cơ sở tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập để nâng cao sức cạnh tranh, từng bước gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm theo hướng toàn cầu hóa; phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Đồng Tháp xây dựng 22 chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2021, bao gồm 06 chỉ tiêu về kinh tế, 12 chỉ tiêu về văn hóa xã hội và 04 chỉ tiêu về môi trường. Trong đó tăng trưởng GRDP đạt 7,0%, GRDP/người đạt 58,19 triệu đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,72%; giảm 1,0% tỷ lệ hộ nghèo./.

Hoàng Mẫn

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/dong-thap-kinh-te-xa-hoi-dat-nhieu-ket-qua-noi-bat-573090.html