Đồng Tháp: Kết hợp xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp

Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Đồng Tháp xác định, tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng nâng cao vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trên tinh thần tự lực, chăm chỉ và hợp tác, tiếp tục gắn kết chặt chẽ Chương trình xây dựng NTM với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình giảm nghèo bền vững.

Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 97 xã đạt chuẩn NTM (Ảnh minh họa: HM)

Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 97 xã đạt chuẩn NTM (Ảnh minh họa: HM)

Đổi mới tư duy, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, giai đoạn 2016- 2020, đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 97 xã đạt chuẩn NTM (đạt 84,35%). Chương trình xây dựng NTM góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân; đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 1,86%, giảm 8,12% so với năm 2015, bình quân giảm 1,62%/năm; Thu nhập bình quân hộ nghèo cuối năm 2020 tăng 2,01 lần so với năm 2015, đạt chỉ tiêu tăng 2 lần theo Kết luận 23-KL/TU thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đến năm 2020 đạt 47,02 triệu đồng/người/năm, bằng 1,575 lần so với năm 2015.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn thì một trong những điểm nhấn các cấp ủy địa phương đã triển khai thực hiện tốt trong giai đoạn 2016- 2020 đó là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giảm nghèo bền vững luôn được quan tâm, thực hiện thường xuyên, rộng khắp gắn với chương trình công tác chung của các ngành, địa phương. Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn đổi mới tư duy, nhận thức, phương thức tiếp cận trong quản lý điều hành, mạnh dạn thực hiện các cơ chế chính sách mới, mô hình hay trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn, phát huy tiềm năng, lợi thế thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển địa phương.

Qua đó, góp phần đưa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới đến với mọi người dân, đồng thời làm thay đổi nhận thức của nông dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của nhân dân.

Để huy động thêm nguồn lực đóng góp xây dựng nông thôn mới và đảm bảo tỷ lệ đối ứng từ ngân sách địa phương, hàng năm tỉnh Đồng Tháp bố trí ngân sách địa phương từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế và xổ số kiến thiết để đầu tư các công trình thuộc Chương trình, thực hiện đúng quy định là bố trí tối thiểu 10%.

Mặt khác, tỉnh đã phát huy hiệu quả phong trào “Chung sức xây dựng NTM”, mọi nguồn lực xây dựng NTM, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo nhu cầu của dân, do dân đóng góp, thi công, đồng thời công khai tài chính, dân quản lý sử dụng, nhà nước hỗ trợ những việc dân không thể tự làm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã huy động hơn 28.150 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng NTM, trong đó: Vốn huy động từ doanh nghiệp gần 903 tỷ đồng, huy động từ cộng đồng dân cư và vốn khác 1.077 tỷ đồng và vốn tín dụng trên 26.170 tỷ đồng (bình quân dư nợ cho vay hàng năm).

Bên cạnh đó, tỉnh đã bố trí đầy đủ, đồng bộ và kịp thời nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, bảo đảm nguồn vốn đầy đủ cho các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, đi lao động ở nước ngoài, cải thiện điều kiện sinh hoạt, tăng thu nhập và tự thoát nghèo. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển hạ tầng nông nghiệp và sinh kế người dân vùng nông thôn thông qua các dự án như: Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Tiểu dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười, Dự án tăng cường năng lực cung ứng rau quả thông qua ứng dụng công nghệ trong chuỗi giá trị và nhiều dự án khác.

Trong quá trình xây dựng NTM, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được nhân rộng. Nhiều mô hình liên kết hợp tác được hình thành, mô hình giảm giá thành sản xuất, mô hình canh tác lúa lý tưởng ngày càng phát triển mạnh, mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất hữu cơ đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Đó là mô hình xây dựng điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi xã nông thôn mới, biến bãi rác thành vườn hoa của Đoàn Thanh niên tỉnh; mô hình Chi hội Nông dân “Nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch” của Hội Nông dân tỉnh; mô hình “Đoạn đường 3 sạch”, mô hình “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; mô hình tổ thu gom rác thải của Hội Cựu chiến binh…

Mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất hữu cơ đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân. (Ảnh: PC).

Cùng với đó, tỉnh Đồng Tháp chú trọng “tinh thần hợp tác” trong nông dân, 92 “Hội quán” (5.000 thành viên) trên địa bàn đã triển khai 111 mô hình hoạt động gắn với từng ngành, nghề đặc trưng của địa phương, tạo được xu hướng mới trong hợp tác sản xuất, làm nền tảng để phát triển và nâng cao chất lượng kinh tế tập thể. Ý thức tự lực, hợp tác của người dân, cộng đồng dân cư ngày càng nâng cao. Người dân chủ động đổi mới tư duy, tiếp cận khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, nhiều mô hình hay ra đời, phát triển như, mô hình “Cây xoài nhà tôi”, mô hình “Canh tác lúa thông minh”, mô hình “Ruộng nhà mình”, mô hình du lịch Cộng đồng…

Xây dựng NTM theo hướng bền vững, đi vào chiều sâu

Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Đồng Tháp xác định, tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng NTM theo hướng nâng cao vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trên tinh thần tự lực, chăm chỉ và hợp tác, tiếp tục gắn kết chặt chẽ Chương trình xây dựng NTM với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình giảm nghèo bền vững.

Phấn đấu đến năm 2025 có thêm 18 xã đạt chuẩn NTM, đảm bảo duy trì và giữ vững đến cuối năm 2025 có ít nhất 104 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 90%), trong đó, có 31 xã NTM đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt tỷ lệ 30%), 03 xã NTM nâng cao đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 10%). Có thêm ít nhất 06 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM và chọn huyện Tháp Mười làm điểm, phấn đấu đến năm 2025 huyện Tháp Mười đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

Với quan điểm, xây dựng NTM, tái cơ cấu nông nghiệp là quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó Đồng Tháp xác định tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được của Chương trình MTQG xây dựng NTM, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 theo hướng bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy nền tảng, sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Duy trì, nâng chất các xã đạt chuẩn NTM, phát động xây dựng xã NTM theo tiêu chí xã NTM nâng cao, kiểu mẫu…/.

Hoàng Mẫn

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/dong-thap-ket-hop-xay-dung-ntm-voi-tai-co-cau-nong-nghiep-582889.html