Đồng Tháp: Điểm sáng về thu hút đầu tư

Thời gian qua, Đồng Tháp đã đạt được những thành quả kinh tế đáng phấn khởi, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm thuộc tốp đầu miền Tây Nam Bộ.

Là tỉnh đầu nguồn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư khi cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị đang từng bước hoàn thiện, nền kinh tế ngày một khởi sắc.

Phát huy thế mạnh, xây dựng thương hiệu

Tỉnh kiên trì với định hướng không chia tách sản xuất nông nghiệp thành khu vực riêng lẻ, độc lập mà xem nông nghiệp là ngành cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, động lực cho phát triển du lịch và dần hình thành chuỗi liên kết ngành hàng nông sản.

Đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã khai thác thế mạnh cây ăn trái, hoa cảnh, thủy sản và làng nghề truyền thống gắn phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập nông thôn.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thủy sản là một trong những nhóm ngành hàng có giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh của Đồng Tháp so với cùng kỳ năm 2021. (Nguồn: baodongthap.vn)

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thủy sản là một trong những nhóm ngành hàng có giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh của Đồng Tháp so với cùng kỳ năm 2021. (Nguồn: baodongthap.vn)

Hiện nay, ngành nông nghiệp của tỉnh đang được tập trung cơ cấu lại, chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp đến tư duy kinh tế nông nghiệp. Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện. Cộng đồng doanh nghiệp không ngừng phát triển, từng bước xây dựng phong trào khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực.

Nhiều sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, du lịch thương hiệu “Made in Dong Thap” được nhiều tổ chức cá nhân trong và ngoài nước biết đến. Hình ảnh “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”, “Nông nghiệp Đồng Tháp - Giá trị xanh từ những tiềm năng xanh” và các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm du lịch đặc trưng đã đưa hình ảnh Đồng Tháp đến với cả nước và bạn bè quốc tế.

Thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tiếp tục xây dựng hình ảnh chính quyền Đồng Tháp thân thiện, hiệu quả; hoàn chỉnh các hình ảnh, đặc trưng nhận diện để nhận biết, làm nổi bật Đồng Tháp với các địa phương khác trong và ngoài khu vực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ: các sản phẩm truyền thông đa phương tiện; công tác truyền thông quảng bá; đô thị xanh và sạch; biểu trưng sản phẩm “Made in Dong Thap”; vườn ươm khởi nghiệp; nông nghiệp xanh, sạch, sản phẩm nông nghiệp “Made in Dong Thap” an toàn, uy tín...

Hạ tầng đồng bộ, cam kết đồng hành

Từ chỗ được mệnh danh là địa phương “khuất nẻo” bởi sự chia cắt của địa hình tự nhiên, nhờ quyết tâm xây dựng một “chính quyền thân thiện và hiệu quả”, đồng hành cùng doanh nghiệp, cơ chế chính sách thông thoáng, thủ tục hành chính công khai, minh bạch, hình ảnh của Đồng Tháp đã dần được cải thiện, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tiếp và làm việc với đoàn doanh nghiệp Ấn Độ để xúc tiến thương mại đầu tư tại tỉnh.

Những năm qua, Đồng Tháp luôn là tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trong tốp dẫn đầu cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX). Đây là những kết quả nổi bật sau bốn năm triển khai thực hiện, Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017-2020.

Ngoài các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Trung ương, UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, công trình cấp nước sạch nông thôn, phát triển du lịch, hoạt động khoa học và công nghệ...

Nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư có lợi nhất theo quy định của pháp luật hiện hành. Khi đầu tư tại Đồng Tháp, nhà đầu tư sẽ được đội ngũ chuyên viên về xúc tiến đầu tư của tỉnh hỗ trợ trong suốt quá trình lập thủ tục đầu tư và hỗ trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư trong suốt thời gian hoạt động tại tỉnh.

Hạ tầng giao thông, logistics được Đồng Tháp đầu tư hoàn chỉnh. Quỹ đất công nghiệp trong các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch phát triển phù hợp theo từng giai đoạn, giá thuê đất công nghiệp thấp so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Quỹ đất thương mại, dịch vụ trong đô thị sẵn có để mời gọi đầu tư với giá thuê đất hợp lý, tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư.

Các lĩnh vực được Đồng Tháp ưu tiên kêu gọi đầu tư là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch gắn với nông nghiệp, du lịch cộng đồng, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...

Điểm đến tin cậy của nhà đầu tư Ấn Độ

Với 50 năm quan hệ hữu nghị và 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ có hiệu lực, hợp tác thương mại giữa hai bên không ngừng được củng cố, thúc đẩy. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ năm 2021 đạt 13,2 tỷ USD, tăng 36,5% so với mức 9,6 tỷ USD trong năm 2020.

Đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp ký kết biên bản tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư với Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam, tháng 12/2021.

Riêng với Đồng Tháp, thời gian qua quan hệ hợp tác giữa tỉnh và Ấn Độ thường xuyên được lãnh đạo hai bên quan tâm và đã có nhiều chuyến thăm, làm việc, xúc tiến kêu gọi đầu tư giữa hai bên. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa tỉnh và Ấn Độ tăng trưởng khá ổn định.

Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Đồng Tháp và Ấn Độ đạt 9,4 triệu USD. Trong chín tháng đầu năm 2021, tổng giá trị trao đổi song phương giữa Đồng Tháp và Ấn Độ đạt hơn 5,9 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,63 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch nhập khẩu đạt 3,33 triệu USD.

Nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã có quan hệ giao thương, hợp tác xuất nhập khẩu với các đối tác Ấn Độ. Các ngành hàng địa phương chủ yếu nhập khẩu từ Ấn Độ là xăng dầu, nguyên phụ liệu tân dược, nguyên phụ liệu dệt may. Các ngành hàng địa phương chủ yếu xuất khẩu sang Ấn Độ là thủy sản đông lạnh, gạo, sản phẩm may mặc…

Với tiềm năng phát triển về nông nghiệp, các ngành may mặc, chế biến nông - thủy sản, Đồng Tháp hy vọng sẽ mở ra cơ hội đầu tư và hợp tác với các công ty, doanh nghiệp của tỉnh với các đối tác Ấn Độ trong thời gian tới, góp phần đưa kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển và góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Phạm Thiện Nghĩa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-thap-diem-sang-ve-thu-hut-dau-tu-194304.html