Đồng Tháp: Đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp

Với lợi thế đặc thù về nông nghiệp, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tận dụng tiềm năng vốn có để đẩy mạnh phát triển du lịch, hướng đến sự kết hợp '2 trong 1' giữa nông nghiệp và du lịch. Thời gian qua, Đồng Tháp cũng có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp, hộ dân đầu tư phát triển loại hình du lịch này.

Du khách thích thú với các tour du lịch cộng đồng, trải nghiệm

Du khách thích thú với các tour du lịch cộng đồng, trải nghiệm

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa, không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Đồng thời giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân. Với đặc thù điều kiện tự nhiên, con người, Đồng Tháp có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch này.

Mặc dù du lịch nông nghiệp mới bắt đầu thực hiện ở Đồng Tháp nhưng địa phương này đã phát triển nhiều mô hình hiệu quả như: Cánh đồng sen bạt ngàn ở Khu Đồng Sen Tháp Mười; Vườn cam, quýt ở huyện Lai Vung; Làng du lịch Tân Thuận Đông; Làng hoa Sa Đéc; Làng bột Tân Phú Đông; Home stay Tư Các Linh ở Tam Nông; Làng rau nhút thủy sinh ở Cồn Phú Mỹ; Trang trại nhà màng trồng dưa lê của Công ty ECOFAM ở huyện Thanh Bình; Hợp tác xã rau sạch và nông trại lúa hữu cơ Tâm Việt ở huyện Hồng Ngự; Trung tâm sản xuất hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao ở TP Sa Đéc....

Các địa điểm trên đều thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và có nhiều dịch vụ hấp dẫn, gần gũi, gắn bó với tự nhiên. Chỉ tính riêng TP Sa Đéc, năm 2018 thu hút hơn 1 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế trên 40.000 lượt.

Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư ở các địa phương trong tỉnh cũng mạnh dạn phối hợp với nhiều Công ty du lịch lữ hành xây dựng những chương trình du lịch khá hấp dẫn như: chương trình du lịch “Trải nghiệm một ngày làm nông dân”, “Trải nghiệm mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười”, “Sắc xuân Đồng Tháp”, “Mỗi ngày một nghề”, “Đi trong màu xanh của vườn cây trái”…

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, mặc dù tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, sản phẩm du lịch nông nghiệp còn đơn sơ, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch, chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ khác cho khách. Các đơn vị tổ chức hoạt động du lịch còn lúng túng trong khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp để hấp dẫn du khách. Người nông dân đã được hỗ trợ đào tạo các kỹ năng giao tiếp ứng xử, đón tiếp và phục vụ khách nhưng tiếp thu còn hạn chế nên hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt cho biết, du lịch nông nghiệp – nông thôn là loại hình du lịch phổ biến. Ở Úc có trải nghiệm ở nông trại táo và nho; Canada trải nghiệm đi vắt sữa, Philippines là du lịch rừng dừa... Du khách thích nhất là được trải nghiệm bằng chính các giác quan của mình, từ những hoạt động đánh bắt cá, thu hoạch lúa, cây ăn trái, tham gia các cuộc thi của cư dân vùng nông nghiệp như đua bò, đua trâu, chèo thuyền, bắt vịt… Khách thích ăn những món tươi, ngon, bổ mà họ khó tìm được ở nơi cứ trú hay trong các thành phố lớn.

Từ kinh nghiệm của mình, ông Huê đề nghị, Đồng Tháp nên coi du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch chủ đạo của tỉnh nhà, kết hợp với các loại hình du lịch khác và chiến lược sản xuất thực phẩm sạch, để tạo thành điểm đến của những “Kỳ nghỉ vùng quê” hấp dẫn. Du lịch khi đó sẽ là một công đoạn quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất của tỉnh nhà và đóng vai trò là công cụ đem người mua đến.

Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tổ chức khảo sát và hỗ trợ các điểm nhà vườn, nông trại, trang trại, khu sinh thái, khu công nghệ cao để chọn lựa mô hình có đủ điều kiện để phát triển thành các điểm du lịch trải nghiệm. Đồng thời, xây dựng một số mô hình trình diễn về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với tham quan và du lịch trải nghiệm. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cho các cơ sở, trang trại, hộ gia đình… kết nối với các tuyến du lịch, các khu di tích, văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch.

Đình Thương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tieu-dung-va-du-luan/dong-thap-day-manh-phat-trien-du-lich-nong-nghiep-461303.html