Đồng Tháp, đất của trái cây đặc sản

Thời gian qua, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp luôn chủ động phối kết hợp với các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở vận động hội viên, nông dân xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế vườn, kinh tế VAC kết nối với các doanh nghiệp đầu vào, đầu ra trong và ngoài tỉnh, thậm chí xuất khẩu ra ngoài nước.

Hội Làm vườn Đồng Tháp đã hướng dẫn nhiều hội viên sản xuất xoài theo mô hình VietGAP, GlobalGAP. Trong ảnh: Phân loại xoài ở HTX xoài Mỹ Xương (Cao Lãnh).

Cây ăn trái được xem là thế mạnh thứ 2 của Đồng Tháp, với diện tích chiếm khoảng 24.000ha. Trong đó cây xoài có gần 9.000ha, tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, với sản lượng trên 231 ngàn tấn trái/năm.

Nhằm tạo điều kiện cho các nhà vườn liên kết với nhau trong sản xuất và từng bước xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản của tỉnh, Đồng Tháp đã xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kiểu mẫu giai đoạn 2004-2007 với quy mô cây xoài là 50ha, từng bước hướng dẫn nông dân sử dụng phân hữu cơ trong canh tác xoài, áp dụng kỹ thuật tỉa cành tạo tán, thuận lợi cho bao trái và giúp xoài cho trái hàng năm.

Hiện tỉnh đã và đang xây dựng mô hình canh tác xoài đủ điều kiện sản xuất an toàn trên các vùng chuyên canh xoài của tỉnh như: Thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, xã Tịnh Thới, TP. Cao Lãnh với 2 giống xoài chủ lực của tỉnh là xoài cát Chu và cát Hòa Lộc.

Quá trình thực hiện mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, người nông dân biết cách chọn giống canh tác phù hợp với điều kiện của địa phương, đồng thời quan tâm và áp dụng trên quy mô lớn. Song song đó, các quy trình xử lý ra hoa rải vụ, trái vụ, sử dụng thuốc đặc trị theo 4 đúng và áp dụng bao trái nên số lần phun thuốc BVTV giảm trung bình 4-5 lần/vụ... được áp dụng ngày càng rộng rãi. Từ đó đã tạo ra sản phẩm xoài an toàn và đồng nhất, đáp ứng cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Không chỉ có xoài, HLV Đồng Tháp còn mở rộng các mô hình an toàn trên nhiều loại cây khác. Đến nay, Hội đã vận động phát triển được 64 tổ hợp tác, 20 tổ làm dịch vụ kỹ thuật, 06 HTX cây ăn trái với diện tích gần 600ha, được sản xuất theo quy trình an toàn, VietGAP, GlobalGap, cùng mua chung sản phẩm đầu vào, cùng bán chung doanh nghiệp đầu ra, chất lượng đảm bảo theo yêu cầu doanh nghiệp, hạ giá thành, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Hầu hết các HTX đều thực hiện sản xuất theo phương pháp rải vụ, sản phẩm không bị dội chợ, đảm bảo cung ứng sản phẩm quanh năm. Xây dựng chuỗi giá trị sản xuất trên cây ăn trái. Phối hợp cùng với các ngành, các cấp tiến hành xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ trên 03 loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh (xoài, nhãn, cây họ cam quýt), tập trung vào các sản phẩm chính như: rượu, nước ép, sấy khô, sấy dẻo từ xoài, thanh long…

Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các loại trái cây chủ lực của tỉnh, tổ chức cho đại diện bà con nhà vườn là chủ trang trại, tổ hợp tác, HTX tham quan học tập mô hình trong và ngoài nước sản xuất có hiệu quả

Hàng năm BCH tỉnh Hội, các nhà vườn tiêu biểu thường xuyên tiếp các đoàn trong và ngoài nước đến bàn kế hoạch xúc tiến thương mại như: Hà Nội; TP. HCM; Nhật Bản; Hàn Quốc, Đức, Thái Land; Hongkong; Campuchia; Bangladesh để khảo sát vùng nguyên liệu trái cây sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, Globalgap ở huyện Châu Thành, huyện Lai Vung, huyện Cao Lãnh, TP. Cao Lãnh để giới thiệu sản phẩm trái cây chủ lực của tỉnh vào thị trường của các địa phương trên trong từng năm và những năm tiếp theo.

Kết nối doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ:

Cho đến nay BCH tỉnh Hội chủ động kết nối với các doanh nghiệp đầu vào, đầu ra ở trong và ngoài tỉnh, ngoài nước để tiêu thụ 03 loại trái cây chủ lực của bà con nông dân, theo đó đã tiêu thụ được 5.800 tấn xoài (Chủ vựa 2.285 tấn, Cty Việt Đức 900 tấn, ngoài tỉnh 1.320 tấn, ngoài nước 295 tấn); 1.200 tấn nhãn (ngoài tỉnh: 900 tấn, ngoài nước: 300 tấn); 2.160 tấn quýt đường…

Ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch HLV Đồng Tháp nhấn mạnh: “Để thâm nhập vào các thị trường khó tính, trái cây Việt Nam phải trải qua nhiều quy định bắt buộc theo tiêu chuẩn GlobalGAP, trong khi hiện nay chúng ta vẫn chưa đầu tư đúng mức cho kho lạnh có thể bảo quảng số lượng lớn trái cây trong một thời gian dài, bởi vì xuất khẩu trái cây luôn gắn lền với công nghiệp lạnh. Do đó thời gian tới, Hội sẽ tăng cường kết nối doanh nghiệp với người nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; Tiếp tục tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế thế giới; Tăng cường chính sách khuyến khích ưu tiên phát triển những ngành nghề truyền thống của tỉnh. Bên cạnh đó Hội còn tổ chức cho bà con hội viên tham gia học tiếng Anh để thuận tiện trong giao tiếp và mua bán sản phẩm kinh tế vườn, kinh tế VAC ở các tổ hợp tác, HTX…”.

Những hoạt động thiết thực của Hội làm vườn tỉnh Đồng Tháp đã góp phần giúp cho 17. 224 bà con hội viên trong toàn tỉnh từng bước thay đổi nhận thức trong sản xuất truyền thống mà chuyển dần sang mạnh dạn đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, có doanh nghiệp cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra, giúp bà con có thu nhập cao trên cùng đơn vị diện tích, từng bước thoát nghèo tiến tới làm giàu.

Nguyễn Tố

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/dong-thap-dat-cua-trai-cay-dac-san-post4769.html