Đồng Tháp: 70 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 - 4 sao trong năm 2019

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt hạng từ 3 đến 4 sao cho 70 sản phẩm OCOP của 30 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Thực hiện đánh giá và xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2019, UBND Đồng Tháp vừa ban hành quyết định số 1580/QĐ-UBND-HC, công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt hạng từ 3 đến 4 sao cho 70 sản phẩm của 30 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Theo đó, có 23 sản phẩm được đánh giá đạt hạng 4 sao, 47 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Xoài Cao Lãnh và quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) đạt hạng 3 sao OCOP năm 2019

Xoài Cao Lãnh và quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) đạt hạng 3 sao OCOP năm 2019

Ngoài những sản phẩm nổi tiếng làm từ gạo ở TP. Sa Đéc, huyện Châu Thành như: bánh phồng tôm, phở, bún, hủ tiếu, bột gạo… ở vùng biên giới huyện Hồng Ngự lại nổi bật với các sản phẩm OCOP là khô cá lóc, khô cá sặc rằn, cá thác lác rút xương, nước mắm cá linh…

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm trái cây đặc sản cũng được xếp hạng 3 sao như: xoài ở huyện Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, mãng cầu tươi sấy dẻo huyện Lai Vung… Ngoài ra còn có các sản phẩm truyền thống như: nem Lai Vung, khô trâu ở huyện Tân Hồng; huyện Tháp Mười có các sản phẩm trà tim sen, trà lá sen, bột sữa hạt sen; huyện Hồng Ngự có sản phẩm làm tinh dầu từ quýt, lá sả, lá tràm…

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, các sản phẩm đạt các hạng sao lần này được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in, dán trên bao bì sản phẩm theo đúng quy định hiện hành. Kết quả chứng nhận xếp hạng sao sản phẩm OCOP có giá trị trong 3 năm kể từ ngày Quyết định được ban hành.

Thời gian qua, OCOP tại Đồng Tháp được lồng ghép trong nhiều chương trình như khởi nghiệp, làng thông minh và du lịch. 70 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 - 4 sao được cấp giấy chứng nhận lần này, được xem là khởi đầu tạo nên một giá trị mới cho sản phẩm của Đồng Tháp.

OCOP là chương trình phát triển tài nguyên bản địa nông thôn, đã được triển khai ở nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Thái Lan... Tại Việt Nam, chương trình đã được triển khai nhiều tỉnh, thành trên cả nước. OCOP giúp chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, làm lại bao bì mẫu mã cho tới xây dựng thương mại điện tử…

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dong-thap-70-san-pham-ocop-dat-hang-tu-3-4-sao-trong-nam-2019-130510.html