Động thái xả kho dầu dự trữ chiến lược mạnh tay chưa từng có của Mỹ phát đi thông điệp gì?

Bất kỳ động thái xả kho dầu dự trữ chiến lược có thể được coi như dấu hiệu cho thấy Washington không kỳ vọng sẽ sớm có giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Ảnh: GettyImages

Ảnh: GettyImages

Giá dầu trên thị trường Mỹ hạ 7% và đóng cửa trên mức 100USD/thùng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm khi mà Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo đợt xả kho dự trữ dầu lớn chưa từng có từ Dự trữ Dầu Chiến lược của Mỹ (SPR) và đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp năng lượng tăng cường hoạt động sản xuất nhằm tăng nguồn cung.

Đóng cửa phiên, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai trên thị trường New York tháng 5/2022 giảm 7,54USD/thùng tương đương 7% xuống còn 100,28USD/thùng sau khi chạm ngưỡng thấp 99,66USD/thùng trong phiên.

Giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tháng 5/2022 đóng cửa giảm 5,54USD/thùng tương đương 4,8% xuống mức 107,91USD/thùng. Giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tháng 6/2022 giảm 5,6% xuống 105,16USD/thùng sau khi giảm 7% trước đó trong phiên.

Trong quý gần nhất, cả hai loại giá dầu có quý tăng mạnh nhất tính từ quý 2/2020, giá dầu Brent tăng 38% còn giá dầu WTI tăng 34%, giá dầu được hỗ trợ chủ yếu sau khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, còn phía Moscow coi đây như nhiệm vụ đặc biệt.

Chuyên gia tại quỹ Again Capital LLC, ông John Kilduff, nhận xét: “Đây là thị trường mà dù thêm hay bớt một thùng dầu cũng sẽ có những ảnh hưởng”.

Quy mô kế hoạch xả kho 180 triệu thùng dầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden tương đương khoảng 2 ngày sử dụng dầu của nhu cầu toàn thế giới, đồng thời trong vòng 6 tháng gần đây nhất, Washington đã xả kho dầu SPR đến 3 lần.

Bắt đầu từ tháng 5/2022, Mỹ sẽ xả khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 6 tháng từ dự trữ dầu SPR. Đồng thời, ước tính sẽ có khoảng tư 30 đến 50 triệu thùng dầu được các nước đồng minh và đối tác của Mỹ xả ra.

Ông Biden nói: “Chúng ta cần tăng được nguồn cung. Các doanh nghiệp dầu hiện đang vận hành nhiều giếng dầu không hoạt động hoặc không sử dụng đến sẽ cần phải sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất của mình”.

Nhiều nước thành viên khác thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng công bố sẽ xả kho dầu nhằm bù lại cho việc xuất khẩu dầu của Nga sụt giảm mạnh sau khi Nga hứng chịu các quy định trừng phạt nặng nề vì đã đẩy cao căng thẳng với Ukraine.

Tuy nhiên, bất kỳ động thái xả kho dầu dự trữ chiến lược có thể được coi như dấu hiệu cho thấy Washington không kỳ vọng sẽ sớm có giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, theo phân tích của trưởng bộ phận đầu tư và phân tích thị trường tại quỹ Hargreaves Lansdown – bà Susannah Streeter.

Các chuyên gia phân tích thuộc Goldman Sachs cho rằng động thái sẽ giúp cho thị trường dầu được cân bằng lại trong năm 2022 tuy nhiên đó không phải giải pháp lâu bền: “Việc xả kho dầu không mang đến nguồn cung bền vững trong những năm tới mà nó chỉ giải quyết tình trạng thiếu hụt cấu trúc”.

Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh trong đó có Nga vốn được biết đến với cái tên OPEC+ đã đồng thuận trong cuộc họp vào ngày thứ Năm về việc vẫn giữ thỏa thuận sản lượng dầu như hiện tại, còn từ tháng 5/2022, hạn mức sản xuất hàng ngày sẽ tăng thêm 432.000 thùng/ngày.

Một yếu tố khác khiến cho giá dầu giảm chính là nhu cầu tại Trung Quốc đi xuống bởi chính quyền thành phố Thượng Hải dự kiến áp dụng biện pháp phong tỏa thời kỳ đại dịch COVID-19.

Theo Trung Mến/bizlive.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/dong-thai-xa-kho-dau-du-tru-chien-luoc-manh-tay-chua-tung-co-cua-my-phat-di-thong-diep-gi-346890.html