Động thái mới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Chính quyền Mỹ hôm 27/9 đã áp đặt các lệnh cấm đối với Tổng Công ty bán dẫn quốc tế Trung Quốc (SMIC). Động thái này được cho là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo bán dẫn trong nước của Trung Quốc.

SMIC là công ty công nghệ mới nhất của Trung Quốc bị Mỹ áp lệnh hạn chế. (Nguồn: SCMP).

SMIC là công ty công nghệ mới nhất của Trung Quốc bị Mỹ áp lệnh hạn chế. (Nguồn: SCMP).

Lệnh cấm mới

Chính phủ Mỹ đưa ra động thái trên sau khi đưa ra kết luận rằng công ty sản xuất chip có trụ sở tại Thượng Hải có thể được quân đội Trung Quốc sử dụng. Bộ Thương mại Mỹ đã yêu cầu các công ty Mỹ cung ứng cho SMIC phải đăng ký giấy phép mới được bán công nghệ cho Công ty này.

“Việc Mỹ liệt SMIC vào danh sách đen thương mại sẽ giáng đòn chí mạng tới kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước của Trung Quốc” - Arisa Liu, chuyên gia phân tích công nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nói - “Mỹ đang theo đuổi chiến lược ngăn chặn các công ty quan trọng của Trung Quốc, để buộc các công ty này ngừng tiến trình sản xuất tiên tiến”.

Stewart Randall, người đứng đầu phòng điện tử và phần mềm thuộc Công ty Intralink, nói: “Điều này sẽ hạn chế khả năng mở rộng kế hoạch về trung và ngắn hạn. Mất đi sự hỗ trợ về trang thiết bị hiện tại đồng nghĩa rằng họ phải làm việc chỉ với thứ họ đang có, đó là một vấn đề”. Theo Hãng tin Reuters, chính quyền Mỹ từ lâu đã nghi ngờ mối quan hệ giữa SMIC và quân đội Trung Quốc.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 27/9, SMIC đã bác bỏ cáo buộc họ có liên quan tới quân đội Trung Quốc. “Chúng tôi nhắc lại rằng SMIC không sản xuất để phục vụ những khách hàng đầu cuối vì mục đích quân sự” - một phát ngôn viên của Công ty nói thêm rằng họ không nhận được thông tin về các lệnh hạn chế của Mỹ từ bất kỳ kênh chính thức nào.

Các lệnh hạn chế xuất hiện trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, khi mà cuộc chiến thương mại giữa hai nước có xu hướng biến đổi thành cuộc chiến công nghệ.

Trước đó, các lệnh hạn chế mà Mỹ áp đặt đối với Tập đoàn Công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc đã khiến tập đoàn này không thể mua được chip dành cho điện thoại thông minh từ các hãng có sử dụng công nghệ của Mỹ. Lệnh cấm nhằm vào Huawei đã chặn Trung Quốc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa, trong đó bao gồm các công nghệ quan trọng và sản xuất.

Tác động lớn

Được thành lập vào năm 2000 bởi Richard Chang - người đã bỏ ra nhiều năm làm việc tại Công ty Texax Instruments và Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan - SMIC được xem là công ty tiên phong trong tiến trình sản xuất bán dẫn hiện đại của Trung Quốc và giúp thu hẹp khoảng cách giữa Trung Quốc và thế giới trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Thị trường của Trung Quốc hiện vẫn rất lớn đối với ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Năm ngoái, nước này nhập khẩu lượng chip trị giá hơn 300 tỷ NDT (44 tỷ USD) và thị trường của họ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, với sự tham gia của các nhãn hiệu điện tử tiêu dùng trong nước.

SMIC trong tháng 7 vừa qua từng tuyên bố kế hoạch xây dựng một phân xưởng trị giá 7,6 tỷ USD ở Bắc Kinh, tập trung vào bộ vi xử lý 28 nm với mục đích sản xuất khoảng 100.000 tấm wafer 12 inch mỗi tháng.

Chính phủ của ông Trump đã mở rộng mạnh mẽ việc quản chế xuất khẩu đối với các công ty Trung Quốc. Theo thống kê của Credit Suisse, khoảng 40% nhà sản xuất chip toàn cầu sử dụng thiết bị của các công ty Mỹ như Applied Materials và Lam Research; có tới 85% sử dụng phần mềm của các công ty Mỹ như Cadence, Synopsys và Mentor. Nói cách khác, gần như không thể tìm được một nhà sản xuất chip nào có thể hợp tác với Huawei.

Giờ đây, nếu nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC cũng không thể có được phần mềm và thiết bị sản xuất chip của Mỹ do lệnh trừng phạt, điều này sẽ tác động lớn hơn cho ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dong-thai-moi-cuoc-chien-thuong-mai-my--trung-508666.html