Động thái khác nhau từ hai phía

Ngày 27/7, họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: 'Chúng tôi đã có một ngày quan trọng'. Còn ông Jean-claude Juncker- Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) tuyên bố: 'Chúng ta đã bước sang giai đoạn mới, hướng tới mức thuế 0%, không rào cản thương mại và không bảo hộ'.

ảnh minh họa

1.Giới quan sát cho rằng, cuối cùng thì ông Trump cũng đã quay trở lại với đồng minh chiến lược EU. Nói như nhà quan sát chính trị Bart Osterveld - Giám đốc Chương trình kinh tế toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương thì “ông Trump đã tạm “đình chiến” với châu Âu để dồn lực cho mặt trận Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại đang ngày một nóng hơn”.

Trước khi đạt được kết quả đàm phán với EU 2 ngày, ông Trump tiếp tục cáo buộc Trung Quốc là "có ác ý", đồng thời đe dọa sẽ có hành động đáp trả trong cuộc chiến thương mại. "Trung Quốc đang nhắm tới những người nông dân của chúng ta, những người mà họ biết là tôi rất quý và tôn trọng. Họ tỏ ra ác ý, trong khi đến giờ chúng ta vẫn tử tế. Trung Quốc kiếm được 517 tỷ USD từ chúng ta trong năm ngoái" - ông Trump viết trên Twitter.

“Những cơn gió ngược chiều càng thổi mạnh dần lên, thì mọi chuyện càng khó để tháo gỡ. Dù trong ngắn hạn, các tác động từ việc áp thuế lên hàng hóa là chưa đáng ngại, nhưng hệ quả tích lũy sẽ rất lớn”- Bill Reinsch, Cố vấn cao cấp Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế nhận định.

Ảnh hưởng của xung đột thương mại đối với nông nghiệp Mỹ giờ đã biến thành một mối quan ngại trên chính trường. Nhà Trắng buộc phải đưa ra một kế hoạch ngân sách trị giá 12 tỷ USD nhằm hỗ trợ các hộ nông dân bị ảnh hưởng bởi đòn áp thuế đáp trả mà Trung Quốc và EU đưa ra, chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp.

Ngay từ khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump đã cho thấy quyết tâm cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc, khi mà phía Mỹ nhập siêu “khủng” từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (trung bình 315 tỉ USD/năm). Những nghiên cứu của giới học giả Trung Quốc cho rằng, xung đột thương mại Mỹ - Trung là không tránh khỏi, vì thế cách tốt nhất là hãy chuẩn bị “vũ khí” để giành chiến thắng, hay chí ít là để không thất bại.

Tuy không chính thức, nhưng giới quan sát cho rằng, tới thời điểm này, Trung Quốc đã chuẩn bị không dưới 100 tỉ USD để đối phó với mức thuế phía Mỹ sẽ áp cho hàng loạt mặt hàng của nước này. Tuy nhiên, con số đó là “quá nhỏ bé” so với việc Mỹ chuẩn bị nã thêm "đạn" 200 tỉ USD vào cuộc chiến thương mại với riêng Trung Quốc.

200 tỉ USD kể trên chính là khoản tiền khổng lồ phía Mỹ dự định áp đặt thuế quan vào tháng 9 với hàng nhập khẩu có xuất xứ Trung Quốc. Như vậy, ông Trump vẫn còn “dư địa” 300 tỉ USD chưa sử dụng - vì rằng theo tuyên bố của Nhà Trắng, tổng cộng nước Mỹ sẽ dành 500 tỉ USD cho cuộc chiến dai dẳng này.

Tới nay, cách “ăn miếng trả miếng” vẫn được hai bên áp dụng để trả đòn nhau. Có nghĩa là phần thắng chưa thuộc về bên nào. Gói thuế 34 tỉ USD dành cho hàng hóa của nhau được đưa ra thượng tuần tháng 7 vừa qua cho thấy rõ điều đó.

Trong danh sách áp thuế mới, phía Mỹ quyết tâm áp lên 6.000 mặt hàng, trong đó có sản phẩm nông nghiệp, khoáng sản và hàng tiêu dùng... của Trung Quốc. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, nếu Trung Quốc trả đũa thì đó sẽ là điều không gì có thể biện minh được và “người Mỹ sẽ không xuống thang”.

“Vũ khí thuế quan” - con bài then chốt mà ông Trump sử dụng, chí ít đã thành công ở EU khi mà khối này đồng ý nhập thêm nhiều loại hàng hóa của Mỹ, đồng thời giảm thuế nhập khẩu. Ông Trump muốn rằng thứ vũ khí đó cũng sẽ thành công đối với Trung Quốc.

Vậy, phía Trung Quốc thì sao?

2.Trước độ nóng xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu, nhiều công ty Mỹ đã bày tỏ sự lo lắng. Nói như Ed Brzytwa - Giám đốc thương mại quốc tế của Hội đồng Hóa học Mỹ, đại diện cho các công ty hóa chất Mỹ thì "đây là một tình thế khó khăn đối với một số công ty của chúng tôi. Họ ngày càng lo ngại không biết tất cả chuyện này sẽ đi về đâu. Ông Trump không được quên rằng Trung Quốc có tới 1,4 tỉ dân, mức độ tiêu thụ cao hơn nhiều của EU lẫn Nhật Bản cộng lại”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump: "Trong suốt những năm qua, chúng ta đã mất 800 tỷ USD mỗi năm, không phải nửa triệu USD, không phải 12 xu, mà là 800 tỷ USD/năm trong hoạt động thương mại. Trong số đó, nước Mỹ mất 500 tỷ USD/năm cho Trung Quốc. Chúng ta không thể đánh mất số tiền đó”.

Giới phân tích cho rằng, dựa vào những động thái từ phía Trung Quốc, người ta thấy hình như họ đã không quá quan ngại, cho dù những điều tồi tệ đã được dự báo.

Khi Mỹ chính thức áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc vào thứ Sáu (6/7), thì Trung Quốc ngay lập tức cũng đã đáp trả. “Điều đó cho thấy họ đã không bất ngờ. Ngược lại, hình như họ đã chuẩn bị đối sách từ rất lâu rồi”- Ed Brzytwa nhận xét.

Tương tự, một chuyên gia của Bloomberg Economics cho rằng, cho dù phía Mỹ “dọa” sẽ nâng mức áp thuế hàng hóa Trung Quốc lên tới 500 tỉ USD đi nữa thì cũng chưa hẳn đã gây được áp lực, vì rằng họ đã chuẩn bị sẵn thị trường trong nước, cùng đó là việc đã “mở cửa” được rất nhiều thị trường khác, trong đó quan trọng nhất là châu Phi và Trung Đông, EU.

Tới thời điểm này, người ta ít thấy những quan ngại, hay những tuyên bố rõ ràng nào từ phía Trung Quốc. Điều đó gây ra sự khó hiểu, nhưng mặt khác nó cũng cho thấy người Trung Quốc đang “bình tĩnh quan sát để ra đòn khi cần thiết”- vẫn nhận xét của Ed Brzytwa.

Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, không hẳn mọi sự đã suôn sẻ. Thị trường chứng khoán và tiền tệ của quốc gia này, cụ thể là chỉ số Shanghai Composite đang trong chuỗi giảm dài nhất 6 năm qua, trong khi đồng nhân dân tệ vừa có quý giảm giá mạnh nhất kể từ năm 1994.

Bên cạnh đó, sự tự tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn là “nhân tố bí ẩn”. “Rủi ro gia tăng khi chúng ta chứng kiến nhiều doanh nghiệp nước này phản ứng tiêu cực hơn bằng cách thu hẹp hoạt động đầu tư”- Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics nhận định.

Ở một góc nhìn khác, Atsi Sheth - Giám đốc Moody’s Investors Service cho rằng, khó có thể đo lường các tác động mà cuộc chiến thương mại gây ra với nền kinh tế toàn cầu, và đương nhiên Trung Quốc với tư cách người trong cuộc sẽ phải hứng chịu nhiều rủi ro, tổn thất. “Chúng ta chưa có cuộc chiến thương mại thực sự nào trong ít nhất 50 năm qua. Do đó, không có nhiều dữ liệu được tập hợp từ quá khứ để có thể đưa ra chỉ dấu cho tương lai” - Sheth nói, đồng thời cho rằng như vậy nếu không bên nào xuống thang thì cuộc chiến sẽ kết thúc với tỉ số hòa 0 - 0, trong khi kinh tế thế giới sẽ phải chịu nhiều tổn thất.

Giới quan sát cho rằng, hiện Trung Quốc đang tránh né chuyện đi đầu. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, chiến tranh thương mại chưa bao giờ là giải pháp. Nó không có lợi cho ai”.

Theo Gene Ma - nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Viện Tài chính quốc tế, phản ứng từ Bắc Kinh là kiềm chế. “Tuy nhiên, nếu ông Trump không dịu đi, Trung Quốc có thể phải sử dụng đến nhiều biện pháp mạnh tay hơn, như sử dụng nhân dân tệ làm vũ khí, bóp nghẹt doanh nghiệp Mỹ” - Gene Ma nói.

Trần Linh Chi

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/dong-thai-khac-nhau-tu-hai-phia-3945602-b.html