Động thái cứng rắn đầu tiên của chính quyền Biden với Nga

'Cộng đồng tình báo đánh giá với mức độ tin tưởng cao rằng các sĩ quan thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã sử dụng chất độc thần kinh Novichok để đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny vào ngày 20/8/2020', một quan chức cấp cao Mỹ cho biết khi thông báo về lệnh trừng phạt, theo Sputnik.

Các lệnh trừng phạt này ngăn cản việc tiếp cận tài chính và các tài sản khác ở Mỹ đối với 7 nhân vật cấp cao thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, mặc dù không bao gồm ông Putin. Ngoài ra, 14 thực thể liên quan đến hoạt động sản xuất chất độc hóa sinh của Nga, gồm 13 cơ sở thương mại và một viện nghiên cứu chính phủ, cũng đối mặt với các biện pháp trừng phạt. Chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến hạn chế những mặt hàng xuất khẩu nhất định đến Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng ngày cũng tuyên bố Washington “không chấp nhận cách cư xử trước đây” và sẽ “thực hiện những hành động thích hợp”, “hợp tác với các đồng minh và đối tác của mình”.

 Nga và phương Tây tiếp tục căng thẳng liên quan đến vụ bắt giữ Navalny. Ảnh minh họa AP.

Nga và phương Tây tiếp tục căng thẳng liên quan đến vụ bắt giữ Navalny. Ảnh minh họa AP.

Động thái này diễn ra ngay sau khi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua những biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức thực thi pháp luật và tư pháp cấp cao Nga, liên quan đến việc bắt giam Navalny. Những người nằm trong danh sách trừng phạt sẽ bị hạn chế di chuyển đến EU hoặc Mỹ. Bất kỳ tài sản nào của họ ở phương Tây cũng sẽ bị đóng băng.

Điện Kremlin đã lên án các lệnh trừng phạt của phương Tây. “Những người tiếp tục phụ thuộc vào các biện pháp này có lẽ nên suy nghĩ rằng liệu họ có đạt được mục tiêu bằng việc tiếp tục chính sách như vậy hay không”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, đồng thời nhấn mạnh “rõ ràng là không”.

Chủ tịch Ủy ban quốc tế của Thượng viện Liên bang Nga Konstantin Kosachev cho biết, quyết định của EU liên quan tới vụ đầu độc và bắt giữ thủ lĩnh đối lập Navalny là sự thao túng cổ điển, đưa ra bằng chứng không được điều tra, là điều không thể chấp nhận được trong quan hệ quốc tế và Nga sẽ đáp trả. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 2/3 đã gọi các lệnh trừng phạt của Mỹ là “cuộc tấn công chống Nga mang tính thù địch”, cảnh báo Mỹ không nên “đùa với lửa”, cũng như khẳng định rằng Moscow sẽ đáp trả. Trước đó, Nga đã phản ứng theo cách “ăn miếng trả miếng” với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Navalny là lãnh đạo đảng Liên minh Nhân dân Nga đối lập. Hồi tháng 8/2020, ông này bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moscow, sau đó được đưa tới Berlin, Đức, để điều trị. Các nước phương Tây cáo buộc Nga đầu độc Navalny bằng chất độc Novichok thời Liên Xô, Moscow liên tục bác bỏ cáo buộc. Ngày 17/1, Navalny bị bắt ngay sau khi từ Đức trở về với cáo buộc vi phạm quy định về án treo. Tòa án ở Moscow sau đó ra lệnh chuyển bản án treo 3,5 năm mà Navalny lĩnh vào năm 2014 thành án tù giam. Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã cho rằng việc truy tố và bắt giữ Navalny “mang động cơ chính trị” và yêu cầu Nga phóng thích Navalny.

Một số chuyên gia nhận định, các lệnh trừng phạt mới của chính quyền Biden chủ yếu mang tính biểu tượng, song đây là hành động cứng rắn, đáng chú ý đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ với Nga kể từ khi nắm quyền. Trước đây, một số các tổng thống khi nhậm chức đều tuyên bố sẽ tìm cách điều chỉnh quan hệ với Nga. Cũng có nhận định cho rằng ông Biden sẽ ứng phó với Nga theo cách khác với người tiền nhiệm.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nhận định rằng “lệnh trừng phạt không phải một viên đạn bạc” và không thể chấm dứt những nút thắt trong quan hệ với Nga. Bà Psaki cũng cho biết, “mối quan hệ này sẽ tiếp tục là thách thức trong thời gian tới” và “Mỹ đã chuẩn bị cho điều đó”, “Mỹ không tìm cách điều chỉnh lại quan hệ với Nga nhưng cũng không muốn làm leo thang căng thẳng”, theo Washington Post. Bình luận này cho thấy chính quyền Biden sẽ không đi theo con đường của các chính quyền tiền nhiệm, kể cả chính quyền Obama, vốn cam kết điều chỉnh lại quan hệ Mỹ-Nga nhưng không mấy hiệu quả.

Ông Biden từng cho biết ông sẽ đối đầu với Nga về những động thái có thể gây tổn hại cho Mỹ hoặc các đồng minh, nhưng cũng tìm cách hợp tác với Moscow về kiểm soát vũ khí, biến đổi khí hậu và một số vấn đề khác. Một số quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden cho biết các lệnh trừng phạt này, bao gồm quy định kiểm soát xuất khẩu với 3 bên của Đức, và 1 bên của Thụy Sĩ, là lời cảnh báo của chính quyền Biden đối với Đức trong nhiều vấn đề, từ việc Berlin vẫn chưa đáp ứng cam kết đóng góp ngân sách quốc phòng ở mức 2% GDP cho NATO cho tới việc Đức tham gia vào dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga, vốn bị Mỹ coi mối đe dọa với châu Âu.

Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến chưa hài lòng với quyết sách của tân Tổng thống Mỹ. Một số người cũng cho rằng ông Biden “nói lời không giữ lời”, họ đánh giá các động thái của chính quyền ông Biden với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Putin không tương xứng với lời nói. Phe chỉ trích cho rằng các lệnh trừng phạt Nga hôm 2/3 nhằm hạn chế đi lại và đóng băng tài sản của một số quan chức cấp cao Nga không tạo ra ảnh hưởng to lớn bởi những người này hầu như không tới Mỹ hoặc không có tài sản ở Mỹ.

Tiến Dũng (Tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/dong-thai-cung-ran-dau-tien-cua-chinh-quyen-biden-voi-nga-632731/