Động thái có sức 'biểu tượng' của các doanh nghiệp bán súng Mỹ

Dick's Sporting Goods và Walmart đã nối dài danh sách các doanh nghiệp đi đầu trong nỗ lực phòng ngừa các vụ xả súng đẫm máu trong tương lai tại Mỹ.

Theo New York Times, Dick’s Sporting Goods, một công ty bán súng danh tiếng tại Mỹ, đã thông báo chấm dứt việc bán súng trường dạng tấn công tại các cửa hàng của mình. Ngoài ra, hãng này cũng sẽ không bán các tạp chí chuyên về súng và không bán súng cho khách hàng dưới 21 tuổi. Trong khi đó, Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới cho biết sẽ gỡ bỏ hình ảnh về các loại súng trường tấn công, trong đó có đồ chơi và súng hơi hạng nhẹ không gây sát thương trên trang bán hàng trực tuyến của hãng.

Sau vụ xả súng tại trường học ở bang Florida hồi tháng 2 vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn ở Mỹ, như: Ngân hàng Bank of America, hãng bán lẻ ô tô Hertz, hãng bảo hiểm MetLife, hãng hàng không Delta Airlines... tuyên bố cắt đứt quan hệ với Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA).

Một cửa hàng của Dick’s Sporting Goods tại bang New Jersey. Ảnh: New York Times

Số liệu thống kê của Gun Violence Archive cho thấy, tính từ ngày 1-1-2017 đến ngày 28-2-2018, nước Mỹ chứng kiến 61.537 vụ bạo lực liên quan tới súng, trong đó có 346 vụ xả súng hàng loạt, cướp đi sinh mạng của 15.594 người. Hàng năm, bạo lực súng đạn ở Mỹ gây tổn thất hơn 229 tỷ USD, trong đó 8,6 tỷ USD chi phí liên quan tới việc cầm tù dài hạn những người tấn công và sát thương bằng súng, 221 tỷ USD để chữa trị, ổn định cuộc sống của các nạn nhân bị thương và mai táng những người thiệt mạng.

Bất chấp những hậu quả nặng nề, kiểm soát súng đạn vẫn luôn là vấn đề gây chia rẽ lớn trong dư luận và chính trường Mỹ. Giới phân tích và các hãng truyền thông quốc tế chỉ ra 3 rào cản chính khiến việc kiểm soát súng đạn gần như là “bất khả thi” tại Mỹ. Và điều đó cũng đồng nghĩa, động thái của Dick’s Sporting Goods, Walmart và hàng loạt các doanh nghiệp lớn của Mỹ rốt cuộc cũng chỉ có sức ảnh hưởng mang tính “biểu tượng”.

Thứ nhất là sức ảnh hưởng của NRA. Theo BBC, NRA là một trong những nhóm lợi ích có ảnh hướng lớn nhất trên chính trường Mỹ, không phải chỉ vì số tiền mà tổ chức này chi vào việc vận động hành lang giới chính trị gia mà còn bởi vì sức nặng của một hiệp hội có tới 5 triệu thành viên. Như một cựu nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ từng nói với tờ New York Times, “đó là một nhóm mà tôi có thể nói rằng chừng nào còn đương chức, tôi còn không dám đụng đến NRA”. BBC cho biết, mỗi khi làn sóng kêu gọi kiểm soát súng đạn dâng cao, NRA lại “đợi những làn sóng dư luận đó tan đi bằng cách trì hoãn những nỗ lực sửa đổi luật cho đến khi sự chú ý bị chuyển sang vấn đề khác”.

Thứ hai là Quốc hội Mỹ. BBC cho biết phần lớn những nỗ lực gần đây nhằm thông qua các đạo luật liên bang mới về kiểm soát súng đạn đã bị “chết yểu” ở Hạ viện. Lý giải vấn đề này, Giáo sư Robert Spitzer thuộc Trường Đại học Princeton cho rằng hầu hết các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đều ủng hộ sở hữu súng đạn, một phần là do họ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cử tri trong ngành công nghiệp vũ khí. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa lại kiểm soát Hạ viện từ năm 2011 đến nay. Ngoài ra, cho dù một dự luật kiểm soát súng đạn có qua được “cửa” Hạ viện thì vẫn sẽ bị “tắc” tại Thượng viện bởi thủ tục Filibuster, cho phép các thượng nghị sĩ được quyền nói cho đến khi kiệt sức để ngăn chặn hoặc trì hoãn Thượng viện ra một quyết định nào đó. Các chính trị gia thường tung ra “chiêu bài” Filibuster với hầu hết các dự luật cần tới 60 phiếu thuận trên tổng số 100 ghế tại Thượng viện thay vì đa số đơn thuần 51 phiếu. Chỉ khi nào hội tụ đủ ít nhất 60 phiếu thì thủ tục Filibuster mới bị bỏ qua.

Thứ ba là yếu tố văn hóa, lịch sử. Theo tờ Huffington Post, những người châu Âu đầu tiên đặt chân tới vùng đất mới để khai hoang, lập nên nước Mỹ ngày nay đã sử dụng những khẩu súng như vật bất ly thân để tự vệ, chống lại thú dữ và xây dựng nên những vùng đất đai trù phú đặt dưới sự thống trị của thực dân Anh. Để bảo vệ thành quả khai hoang, những người Mỹ đầu tiên đã lập nên những nhóm dân quân có vũ trang. Khi thực dân Anh muốn tước quyền sử dụng súng của những người này, họ đã không giao nộp, đồng thời kêu gọi tiến hành chiến tranh độc lập với Anh và giành thắng lợi. Bên cạnh đó, BBC cho biết, tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ còn nói rằng: “Một lực lượng dân quân được điều phối tốt, cần thiết cho sự an toàn của một đất nước tự do thì quyền của người dân đối với việc cất giữ và mang theo vũ khí là không được phép xâm phạm”. Theo Pew Research, 74% số người sở hữu súng tại Mỹ cho rằng quyền sở hữu súng là cần thiết đối với sự tự do của họ. Những người phản đối kiểm soát súng cho rằng những khẩu súng không giết người, chỉ có người mới giết người. Theo họ, việc cấm sử dụng súng không phải là giải pháp ngăn chặn tội phạm mà việc ngăn chặn tội ác phải bắt đầu từ con người. Vì lẽ đó, ngày nay, có thể thấy việc sử dụng súng đạn đã thấm sâu trong xã hội Mỹ, từ sách báo, phim ảnh đến truyền hình. Không có gì ngạc nhiên khi Mỹ hiện là quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu súng cao nhất thế giới, với khoảng 310 triệu khẩu súng./.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/dong-thai-co-suc-bieu-tuong-cua-cac-doanh-nghiep-ban-sung-my-532852