Động thái bước ngoặt của các nước giàu

COP27 đã kết thúc với một thỏa thuận mang tính bước ngoặt là thành lập quỹ giúp đỡ các nước nghèo đang bị tàn phá bởi thảm họa khí hậu, nhưng vẫn có những lo ngại xung quanh.

Quyết định hôm 20/11 tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 27 (COP27) - về việc thành lập một quỹ giúp đỡ các nước nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu - là một trong những quyết định quan trọng nhất kể từ khi các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc bắt đầu cách đây 30 năm.

Đó là sự khẳng định rõ ràng rằng các nước nghèo, với nguồn tài nguyên hạn chế, đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, sóng nhiệt và bão. Trong khi đó, các quốc gia đã trải qua quá trình công nghiệp hóa được cho là đã góp phần nhiều nhất vào biến đổi khí hậu.

 Lũ lụt ở Jaffarabad, một huyện thuộc tỉnh Baluchistan phía tây nam Pakistan, ngày 5/9. Ảnh: AP.

Lũ lụt ở Jaffarabad, một huyện thuộc tỉnh Baluchistan phía tây nam Pakistan, ngày 5/9. Ảnh: AP.

Trong khi lãnh đạo các nước, các nhà bảo vệ môi trường và nhà hoạt động khí hậu ca ngợi kế hoạch thành lập một quỹ như vậy, vẫn có nhiều câu hỏi được đặt ra, từ cách thức hoạt động cho đến tác động lâu dài, theo AP.

Dưới đây là cái nhìn về sự phát triển của ý tưởng về quỹ “loss and damage” (tạm dịch: tổn thất và thiệt hại), thuật ngữ được đưa ra trong các cuộc đàm phán về khí hậu và những gì chúng ta biết về quỹ đó.

Biểu tình ủng hộ quỹ "loss and damage" trong Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27), ngày 11/11, tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập. Ảnh: AP.

Lịch sử

Đầu những năm 1990, Liên minh Các quốc đảo nhỏ bắt đầu kêu gọi thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” khi Liên Hợp Quốc đang tạo ra một khuôn khổ để đối phó với biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc tế.

Kể từ đó, ý tưởng này luôn là một phần trong các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hàng năm của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, nó thường chỉ được đề cập bên lề các cuộc đàm phán.

Ý tưởng này thường được các quốc gia đang phát triển và nhà hoạt động môi trường thúc đẩy, trong khi bị các nước giàu gạt đi. Nhưng lần đầu tiên, tại COP27 năm nay, vấn đề này được đưa vào chương trình nghị sự và trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận.

Ai sẽ tài trợ?

Quỹ ban đầu sẽ dựa trên sự đóng góp từ các nước phát triển, nguồn tư nhân và công cộng khác, chẳng hạn như các tổ chức tài chính quốc tế và một số nền kinh tế lớn.

Thỏa thuận cũng cho biết các nước sẽ xem xét “xác định và mở rộng các nguồn tài trợ”. Nội dung này gợi ý rằng các quốc gia vừa gây ô nhiễm cao vừa được coi là đang phát triển cũng nên nộp tiền vào quỹ.

Một khu dân cư ngập trong nước lũ ở Jaffarabad, một quận thuộc tỉnh Baluchistan phía tây nam Pakistan, ngày 1/9. Ảnh: AP.

Trong đàm phán, Trung Quốc cho biết nguồn tài chính cho quỹ "loss and damage" nên đến từ các quốc gia phát triển chứ không phải nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ tự nguyện đóng góp nếu Mỹ cũng làm vậy.

Thỏa thuận còn cho biết quỹ sẽ hỗ trợ “các quốc gia đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động bất lợi của biến đổi khí hậu”, nhưng đồng thời sẽ giúp đỡ nước có thu nhập trung bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ thảm họa khí hậu.

Pakistan, quốc gia bị lũ lụt tàn phá khiến 1/3 diện tích đất nước ngập trong nước, hay Cuba, gần đây bị tàn phá bởi cơn bão Ian, có thể đủ điều kiện tham gia.

Việc hỗ trợ “tổ chức, cơ quan khác đang làm công việc nhân đạo, giúp tái thiết, giải quyết các cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn, giải quyết an ninh lương thực, an ninh nguồn nước” sẽ cần được thảo luận thêm, David Waskow, Giám đốc khí hậu quốc tế của Viện Tài nguyên Thế giới, cho biết.

Tái thiết niềm tin

Ngoài sự giúp đỡ về mặt tài chính, việc thành lập quỹ được coi là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, việc quỹ này được nhìn nhận như thế nào sẽ phụ thuộc một phần vào tốc độ thành lập.

Trong phiên bế mạc COP27 hôm 20/11, Lia Nicholson của Antigua cho rằng một ủy ban nên được thành lập ngay lập tức và được giao nhiệm vụ rõ ràng.

“Quỹ tổn thất và thiệt hại này phải trở thành chiếc phao cứu sinh mà chúng ta cần”, bà nói.

Trong quá khứ, một số lời hứa xây dựng các giải pháp khí hậu toàn cầu đã không được tuân thủ.

Chằng hạn, năm 2009, các nước giàu đã đồng ý cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm để giúp những nước đang phát triển chuyển đổi sang hệ thống năng lượng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cho đến nay, sáng kiến đó chưa bao giờ được thực thi đầy đủ.

Xe buýt chết máy trên đường ngập do mưa lớn ở Havana, Cuba, ngày 3/6. Ảnh: AP.

Tác động

Một lý do chính mà các quốc gia giàu có từ lâu phản đối thành lập quỹ tổn thất và thiệt hại là vì họ sợ phải chịu trách nhiệm pháp lý dài hạn.

Bất chấp việc thông qua quyết định thành lập quỹ, mối quan tâm vẫn còn đó, bằng chứng là các nhà đàm phán đã yêu cầu quỹ không nhắc đến “trách nhiệm pháp lý” và các khoản đóng góp đó là tự nguyện.

Việc thành lập một quỹ như vậy có thể tạo ra những hệ lụy cả trong và ngoài lĩnh vực khí hậu.

Ví dụ, một số quốc đảo Thái Bình Dương đã thúc đẩy Tòa án Công lý Quốc tế xem xét thụ lý vụ kiện về biến đổi khí hậu. Những nước này cho rằng luật pháp quốc tế phải được củng cố để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp nước biển dâng nhấn chìm lãnh thổ của họ.

Việc thành lập quỹ tổn thất và thiệt hại có thể tiếp thêm sức mạnh cho lập luận ấy.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dong-thai-buoc-ngoat-cua-cac-nuoc-giau-post1377377.html