Đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Nhiều ngư dân nợ quá hạn

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Tuy nhiên, sau 6 năm triển khai, cùng với niềm hứng khởi khai thác trên những ngư trường mới, nhiều chủ tàu vẫn còn những nỗi lo về các khoản nợ ngân hàng quá hạn… Đến nay có 7 chủ tàu trả nợ không đúng hạn với tổng số tiền vay trên 104,2 tỷ đồng.

Đến nay, Quảng Ninh có 13 chủ tàu đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại (12 tàu đóng mới, 1 tàu nâng cấp); được giải ngân 100% vốn vay với số tiền trên 163,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tuân (khu 3, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) cho biết: Gia đình ông có tàu vỏ thép, công suất máy chính 818CV. Tàu được đóng mới hoàn toàn, áp dụng mẫu tàu đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt.

Tuy nhiên, khi đưa tàu hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 5, cấp 6, tàu thường xuyên bị mất thăng bằng. Trong 2 năm đầu làm ăn thuận lợi, gia đình trả nợ được ngân hàng 800 triệu đồng. Từ năm thứ 3 trở về đây, việc đánh bắt khó khăn hơn; hiện gia đình còn nợ ngân hàng khoảng 13,4 tỷ đồng.

Một số chủ tàu khác cũng trong tình trạng trả nợ không đúng hạn, thậm chí còn có nguy cơ bị phía ngân hàng khởi kiện. Ông Dương Văn Tập (khu 8, phường Phong Hải, TX Quảng Yên) chia sẻ: Tàu của ông là tàu vỏ thép, công suất 865CV. Do quá trình lựa chọn cơ sở đóng tàu không đủ tiềm lực tài chính, nên chất lượng tàu cá chưa tốt, tàu bị hư hỏng, han rỉ, phải tốn nhiều chi phí để sửa chữa. Cơ sở đóng tàu bàn giao tàu chậm, kéo dài, nên gia đình ông phải trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng khi chưa có tàu đi sản xuất. Trong quá trình sử dụng, tàu thường xuyên bị mất thăng bằng, làm giảm hiệu quả chuyến đi biển. Cuối năm 2019, do khó khăn về tài chính và chưa trả nợ đúng hạn nên gia đình ông bị ngân hàng khởi kiện.

 Ông Dương Văn Tập (khu 8, phường Phong Hải, TX Quảng Yên) còn nợ ngân hàng 18,6 tỷ đồng vay đóng mới tàu.

Ông Dương Văn Tập (khu 8, phường Phong Hải, TX Quảng Yên) còn nợ ngân hàng 18,6 tỷ đồng vay đóng mới tàu.

Ông Tập vay ngân hàng gần 17 tỷ đồng để đóng mới tàu. Đến thời điểm này, ông đã trả nợ gốc 702,9 triệu đồng, lãi 163,2 triệu đồng; tổng dư nợ lên đến 18,6 tỷ đồng. Khả năng trả nợ là rất khó khăn do hiệu quả sản xuất không cao. Ngân hàng không thể quản lý được dòng tiền, doanh thu của chủ tàu.

Khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng của các chủ tàu đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 có nhiều nguyên nhân. Một phần do mẫu tàu thiết kế chưa phù hợp với điều kiện sản xuất, làm gián đoạn chuyến đi biển của ngư dân, làm tăng chi phí sửa chữa.

Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu, nước đá, nhân công... phục vụ cho sản xuất tăng cao so với thời điểm lập phương án sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, nguồn lợi thủy sản xuất hiện không nhiều, sản lượng khai thác thấp, thời tiết không thuận lợi; mật độ tàu thuyền khai thác trên ngư trường cao...

Tỷ lệ hỗ trợ chi phí bảo hiểm thân tàu cho các chủ tàu giảm, từ 90% theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP xuống còn 50% theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP cũng là nguyên nhân gây ra khó khăn cho các chủ tàu, do tăng khoản tiền lớn nộp phí bảo hiểm ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước.

Trước những khó khăn của chủ tàu, Sở NN&PTNT đã yêu cầu các chủ tàu phối hợp chặt chẽ với ngân hàng cho vay trong quản lý doanh thu, chi phí, có kế hoạch trả nợ ngân hàng rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế sản xuất; rà soát các tài sản, nguồn tiền hiện có, ưu tiên các nguồn thu nhập để trả nợ ngân hàng, tránh bị nợ quá hạn. Các ngân hàng thương mại cho vay vốn cần thống nhất với các chủ tàu phương án trả nợ cụ thể.

Theo ông Phạm Văn Chiến (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô): Tàu của ông hoạt động bình thường, nhưng sản lượng đánh bắt thấp, trong khi chi phí cao. Ảnh: Việt Hoa

Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Bên cạnh các buổi làm việc giữa chủ tàu và ngân hàng, Sở yêu cầu Công ty Bảo hiểm Bảo Minh định giá giá trị tàu cá mua bảo hiểm bằng đúng giá trị đầu tư của tàu cá đóng mới; xem xét bồi thường cho các chủ tàu cá mua bảo hiểm có tổn thất về trang thiết bị, ngư cụ khai thác, hư hỏng máy móc... khi hoạt động trên biển.

Về nội dung này, Sở đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị chỉ đạo Công ty Bảo hiểm Bảo Minh sửa đổi nội dung quy tắc bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ... để bồi thường thiệt hại cho các chủ tàu mua bảo hiểm khi có tổn thất xảy ra; hướng dẫn cụ thể về việc bàn giao tàu giữa chủ tàu cũ và chủ tàu mới về giá trị tàu, tiền vay ngân hàng, nghĩa vụ của chủ tàu cũ và chủ tàu mới đối với khoản vay ngân hàng...

Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh tăng tỷ lệ hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm từ 50% theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP lên 90% như Nghị định số 67/2014/NĐ-CP để giảm bớt khó khăn cho các chủ tàu.

Đặc biệt, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu Chính phủ xem xét có chính sách khoanh phần nợ lãi cho chủ tàu để chủ tàu sớm trả nợ phần vốn vay quá hạn được hưởng lãi suất hỗ trợ theo quy định. Cùng với đó, bổ sung trường hợp công ty đóng tàu không bàn giao tàu theo đúng thời hạn hợp đồng đóng tàu; tàu đóng mới không đảm bảo chất lượng bị hư hỏng, không hoạt động khai thác thủy sản được do lỗi của công ty đóng tàu...

Dương Hà

.

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202005/dong-tau-theo-nghi-dinh-so-672014nd-cp-nhieu-ngu-dan-no-qua-han-2485730/