Dòng sữa mẹ cứu sống thương binh

Hơn 50 năm sau ngày bị thương nặng trong một đợt máy bay Mỹ ném bom, Đại tá Trà Thanh Lợi về lại mảnh đất Quảng Ngãi, thăm những người mẹ Khánh Giang-Trường Lệ. Ngày đó, nếu không nhờ những dòng sữa ấm nóng nghĩa tình quân dân của các mẹ, thì có lẽ ông đã nằm lại mảnh đất này.

Khánh Giang-Trường Lệ là tên gọi của hai thôn liền kề nhau, thuộc xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, cách TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) chừng 30km. Tuy diện tích không lớn, dân số không đông, nhưng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Khánh Giang-Trường Lệ là địa bàn chiến lược quan trọng, có thể khống chế tuyến giao thông giữa khu vực miền núi phía đông huyện Ba Tơ với phía tây bắc huyện Đức Phổ, tây nam huyện Nghĩa Hành, qua vùng đèo Đá Chát.

Đại tá Trà Thanh Lợi (thứ 2, từ trái sang) cùng đồng đội chụp ảnh kỷ niệm tại Khánh Giang-Trường Lệ.

Đầu năm 1965, đồng chí Trà Thanh Lợi là Chính trị viên Đại đội Đặc công 506A (Tỉnh đội Quảng Ngãi), tham gia chỉ huy nhiều trận đánh lớn của đơn vị. Lần đó, Tỉnh đội Quảng Ngãi giao nhiệm vụ cho đơn vị đánh vào thị trấn Đồng Cát (nay là thị trấn Mộ Đức). Sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Lợi về Khánh Giang-Trường Lệ tổ chức họp bàn triển khai kế hoạch với 13 đồng chí là các trung đội trưởng, trung đội phó và tiểu đội trưởng. Lúc đó, đồng chí chính trị viên đại đội ngồi gần cửa ra vào để điều hành cuộc họp. Đang họp thì 4 quả bom của máy bay Mỹ bất ngờ giội trúng nhà. Chính trị viên Trà Thanh Lợi bị hất văng qua hàng rào, rơi xuống đám ruộng sình lầy; bị trúng mảnh bom, mất máu nhiều, nên ngất lịm đi. Gần nửa tiếng sau, Trà Thanh Lợi được người dân thôn Khánh Giang đưa qua sông đến bệnh xá. Mảnh bom xuyên qua bụng, sang tận sau lưng, máu chảy nhiều. Hồi đó, bệnh xá chỉ có y tá, nên không thể phẫu thuật được. Sau khi hôn mê tỉnh lại, câu đầu tiên chính trị viên đại đội đặc công hỏi cô y tá: “Các đồng đội của tôi sao rồi?”. “Họ đều bị thương và cũng đang được chữa trị như đồng chí”. Cô y tá trấn an tinh thần chính trị viên, chứ thật ra, 13 đồng chí còn lại đều bị trúng bom và đã hy sinh. Nghe thế, Trà Thanh Lợi mới nhẹ nhõm phần nào. Không phẫu thuật được, cô y tá chỉ vệ sinh và đổ thuốc penicillin vào chỗ hai vết thương. Nhiều ngày liền, anh nằm bê bết vì vết thương trước bụng và sau lưng cứ nhói lên từng cơn đau không dứt, vừa hành hạ Trà Thanh Lợi, vừa khiến anh không thể ăn được bất cứ loại thức ăn nào. Ngay cả sữa đặc, bệnh xá cũng không dám cho anh uống, vì sợ ảnh hưởng đến vết thương, nhưng không ăn, không uống, thì sẽ kiệt sức mà chết. Đúng lúc ấy, cô y tá tên Bông chợt nghĩ đến sữa mẹ-một loại dinh dưỡng vừa chất lượng, vừa an toàn. Nghĩ là làm, cô đến hai thôn Khánh Giang-Trường Lệ để xin sữa. Nhiều bà mẹ mới sinh con và đang cho con bú khi nghe cô trình bày sẵn sàng vắt sữa vào bình gửi cho người chiến sĩ bị thương. Cứ thế, đi một vòng quanh hai thôn, cô đã mang về bình sữa đầy.

Ngày qua ngày, nhờ dòng sữa mát lành ấy, Trà Thanh Lợi dần dần bình phục trong sự ngạc nhiên, vui mừng của cả bệnh xá và các đồng đội. Vết thương kín miệng, sức khỏe ổn định, anh đến cảm ơn ân tình của những người mẹ Khánh Giang-Trường Lệ. Các cô ấy đều ngang tuổi, có cô còn ít tuổi hơn anh. Nhiều đồng đội nói vui: “Anh sống nhờ sữa của các phụ nữ hai thôn”. Nghe vậy, Trà Thanh Lợi càng xúc động khi nhờ họ, anh là người duy nhất sống sót một cách kỳ diệu sau trận ném bom tọa độ của máy bay Mỹ; nếu không, anh đã không có cơ hội được trở lại đây, tiếp tục sống và chiến đấu trên mảnh đất Quảng Ngãi nhiều ân nghĩa này.

Ở tuổi 85, khi về thăm lại chiến trường xưa, tìm gặp những người mẹ Khánh Giang-Trường Lệ, bao nhiêu kỷ niệm, ký ức lại ùa về trong lòng Đại tá Trà Thanh Lợi như vừa mới hôm nào. Giờ gặp lại, người còn, người đã khuất, nhưng bao ân tình năm xưa cứ đọng lại, ngọt ngào, ấm nóng như dòng sữa mẹ của một thời oanh liệt năm xưa.

Bài và ảnh: THANH THÚY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/dong-sua-me-cuu-song-thuong-binh-536803