Dòng sông vào thi ca, nay… 'chết đứng'!

Trước đây, với người dân Tây Ninh, mọi sinh hoạt đều gắn với dòng sông Vàm Cỏ. Tuy nhiên, đó là chuyện 'ngày xưa', bởi ngày nay dòng sông đang bị 'đầu độc' nghiêm trọng.

Sông Vàm Cỏ Đông có chiều dài 105 km bắt nguồn từ Campuchia chảy qua địa phận 5 huyện, thành, thị tỉnh Tây Ninh. Con sông này có vai trò rất quan trọng trong hoạt động giao thông, thủy lợi và sản xuất nông nghiệp của địa phương. Thế nhưng, từ khi bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân, con sông dường như trở thành gánh nặng đối với phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Lục bình “nuốt chửng” dòng sông!

Người dân Tây Ninh thường đùa với nhau rằng, nếu ở Sài Gòn có kẹt xe thì lên sông Vàm Cỏ Đông (VCĐ) sẽ có nạn kẹt… lục bình. Quả thật như vậy, có dịp đến với sông VCĐ vào những ngày này thì mới thấu hiểu được tình cảnh của bà con nơi đây.

 Ông Nguyễn Văn Mạnh phải treo thuyền vì vấn nạn lục bình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Văn Mạnh phải treo thuyền vì vấn nạn lục bình. Ảnh: Trần Trung.

Hơn 30 năm sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông VCĐ, hơn ai hết ông Nguyễn Văn Mạnh ở ấp Đá Hàn, xã Hiệp Thành, huyện Gò Dầu hiểu được nỗi vất vả của bà con địa phương. Theo ông Mạnh, lục bình có ở sông hay kênh rạch là chuyện bình thường, từ bao đời nay vẫn vậy chứ không phải bây giờ. Chỉ khác cái là những năm gần đây, do nguồn nước sông bị ô nhiễm kéo theo lục bình sinh sôi nảy nở một cách nhanh chóng, gây vô vàn khó khăn cho cuộc sống người dân nơi đây.

Dẫn chúng tôi ra chỗ chiếc ghe đánh cá nhiều tháng nay phải tạm ngưng hoạt động đang neo đậu ở mé sông do lục bình phát triển mạnh, ông Mạnh cho biết thêm, đến hẹn lại lên, cứ khoảng từ tháng 2 đến tháng 6 dương lịch, vào cao điểm mùa khô, khi dòng nước cạn kiệt, lục bình lại sinh sôi, nảy nở rất nhanh, khiến cho tàu bè nhỏ không đi lại được trên đoạn sông này.

“Việc không thể đánh bắt cá của tôi là chuyện nhỏ, bởi đây là nghề phụ, thời điểm này đang vào chính vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, người dân trồng lúa ven sông có nhu cầu vận chuyển bằng đường thủy rất lớn. Nhưng do lục bình phủ kín mặt sông nên công tác vận chuyển khó khăn, nhiều bà con bị ép giá, rất thiệt thòi”, ông Mạnh nói.

Người dân bất lực trước vấn nạn lục bình phủ kín mặt sông. Ảnh: Trần Trung.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Khá, tài công tại bến phà Tầm Long, xã Trí Bình, huyện Châu Thành cho biết thêm, bến này chủ yếu dùng vào việc vận chuyển nông sản cho bà con. Do lục bình ở đây thường xuyên phủ kín mặt sông, phà vận chuyển đi rất chạm, có thời điểm phải tạm dừng hoạt động nên chi phí xăng dầu, bảo dưỡng phà cũng tốn kém gấp đôi, thường thì 100 lít dầu/ngày, nhưng hiện nay, có thời điểm phải tốn đến 300 lít/ngày.

Theo thống kê của tỉnh Tây Ninh, hiện trên sông VCĐ có trên 3 triệu m2 diện tích mặt nước sông đã bị lục bình vây kín. Từ đó, cản trở dòng chảy, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và ảnh hưởng đến nguồn nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất, thậm chí gây ô nhiễm môi trường. Gần đây UBND tỉnh Tây Ninh phải chi hàng tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động trục vớt lục bình, làm thông thoáng dòng sông, nhưng hiệu quả không cao.

Cá lại chết hàng loạt

Ngoài vấn đề lục bình, những ngày gần đây, nhiều người nuôi cá bè trên sông VCĐ tại làng cá Bến Kéo thuộc xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành lại mất ăn mất ngủ vì cá lại chết bất thường, người dân địa phương cho biết thủ phạm chính lại là nguồn nước sông bị ô nhiễm.

Cá chết bất thường xảy ra tại khu vực ấp Tầm Long, xã Trí Bình, TX. Hòa Thành. Ảnh: Trần Trung

Theo đó, vào lúc ô nhiễm cao điểm, hộ nào chết ít thì vài trăm ký, hộ nhiều lên đến hàng tấn, thậm chí có hộ lên đến hàng chục tấn. Để cứu cá, người dân đã phải sục khí oxi liên tục đồng thời canh vớt cá chết ra khỏi bè để tránh ô nhiễm.

Làng cá bè Bến Kéo đã có hàng chục năm tuổi với hàng trăm bè cá, mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn cá chép, điêu hồng, trắm… cho thành phố Tây Ninh và các huyện, thị lân cận. Tuy nhiên, hầu như năm nào tại đây cũng xảy ra tình trạng cá chết, có năm chết trắng bè, thiệt hại hàng tỉ đồng.

Là một trong những hộ dân có lượng cá chết nhiều ở làng nuôi cá Bến Kéo, những ngày qua, ông Nguyễn Văn Hùng thi thoảng phải vớt số cá chết nổi trong các lồng bè để hạn chế ô nhiễm môi trường. Ông Hùng cho biết, trước việc cá chết bất thường, gia đình đã vận hành hệ thống máy để cung cấp oxy giúp cá thở. Tuy nhiên, cá trong các lồng tiếp tục chết rải rác khiến ông đứng ngồi không yên.

Ông Nguyễn Văn Hùng và bà con ở Bến Kéo căng mình cứu cá. Ảnh: Trần Trung.

“Những ngày gần đây nguồn nước sông hôi và rất tanh, mình sờ tay xuống nước cảm thấy nóng rát. Từ đó, cá trong bè bỏ ăn và tôi cũng không dám cho ăn, vì cứ thả thức ăn xuống cá lại chết. Hệ thống máy oxy phải vận hành suốt ngày đêm, vì chỉ cần ngưng máy khoảng một lúc là có chuyện”, ông Hùng cho biết.

Theo ghi nhận, không chỉ gia đình ông Hùng, hiện tượng cá chết bất thường xảy ra tại khu vực ấp Tầm Long, xã Trí Bình, huyện Châu Thành. Nhiều hộ dân nuôi cá lâu năm ở khu vực này cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến cá chết tương tự tại Bến Kéo. “Cá bị thiếu oxy nên con nào yếu nó cứ chết dần. Nhà tôi có đợt cá chết cả tấn. Theo tôi, những hôm gần đây trời mưa lớn, một số nhà máy ven sông lợi dụng xả thải, gây ô nhiễm nên ngành chức năng cần kiểm tra nguồn thải”, ông Sa’Lết, người có hơn 15 năm nuôi cá tại khu vực trên nói.

Ông Sa’Lết buồn rầu vì cá nuôi bị chết vì ô nhiễm. Ảnh: Trần Trung.

Trong khi đó, theo cơ quan chức năng, cá bè nuôi của người dân tại Bến Kéo bị chết là do lượng oxy hòa tan trong nước thấp vì lục bình phát triển mạnh. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến thất thường lúc giao mùa, vị trí nuôi cá bè là khu vực đông dân cư nên rác thải, nước sinh hoạt xả trực tiếp xuống lòng sông làm tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước.

Tuy nhiên, hầu hết người dân không đồng tình với kết luận trên. Ông Nguyễn Văn Hùng nói: “Tui làm cá 40 năm nay nên biết rõ, trước khi có nhà máy mì, năm nào cũng có lục bình, nước thải sinh hoạt của người dân nhưng không làm cá chết hàng loạt. Khi nào có hiện tượng cá nổi đầu lóp ngóp là lúc đó sông bị ô nhiễm, cá mới chết và chỉ có nguyên nhân đó thôi”.

Thấp thỏm lúa sạch

Hàng chục năm nay, người dân trồng lúa hai bên bờ kênh Gò Kén (dẫn nước ra sông VCĐ) phường Hiệp Tân và phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành sống chung với nguồn nước ô nhiễm. Hậu quả là nước chảy đến đâu, cây trồng vật nuôi héo mòn đến đó, thậm chí, một số đồng ruộng bị ô nhiễm trầm trọng, dẫn đến bỏ hoang. Bà con nơi đây cho biết, phải chịu cảnh thất bát, mất mùa, năng suất lúa trung bình mỗi vụ giảm 30% so với các nơi khác.

Diện tích lúa lớn tại xã Trí Bình, TX. Hòa Thành phụ thuộc nước từ sông Vàm Cỏ Đông. Ảnh: Trần Trung.

Bà N.T.L có thâm niên trồng lúa tại khu vực này chia sẻ, trung bình mỗi hộ ở đây có từ 2 đến 5 sào đất, do diện tích nhỏ hẹp, phân tán, nếu không trồng lúa thì cũng chẳng biết trồng cây gì, năm nào lúa cũng bị mất mùa, bỏ đất trống thì cũng tiếc, mong chính quyền sớm khắc phục giúp bà con.

Được biết, lúa là một trong những cây trồng chính của tỉnh Tây Ninh với diện tích tương đối lớn (khoảng 43.000 ha). Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, sông VCĐ cung cấp nước tưới trực tiếp cho khoảng 800 ha lúa. Hiện địa phương đang định hướng bà con nông dân sản xuất lúa hữu cơ.

Người dân trồng lúa hai bên bờ kênh Gò Kén sống chung với ô nhiễm. Ảnh: Trần Trung.

Theo kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025, Tây Ninh sẽ hình thành vùng sản xuất lúa hữu cơ có diện tích khoảng 35 - 50 ha. Giai đoạn 2026 - 2030, Tây Ninh triển khai nhân rộng mô hình, đưa vùng sản xuất lúa hữu cơ lên diện tích khoảng 70 - 110 ha. Ngoài ra, thực hiện đề án nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và xây dựng vùng lúa chất lượng cao diện tích lúa được chứng nhận VietGAP là 2.231 ha.

Tuy nhiên, trước việc nước sông thường xuyên bị ô nhiễm, kế hoạch này cũng khó có thể về đích.

Cánh đồng lúa tại kênh Gò Kén vừa thu hoạch xong nhưng năng suất không cao. Ảnh: Trần Trung

Ông Hà Thành Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết, tuy chưa có cơ sở khoa học chứng minh việc sử dụng nguồn nước này có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng hay không, nhưng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao.

Bởi muốn có lúa gạo sạch, an toàn, ngoài việc đất đai không nhiễm kim loại nặng, không tồn dư hóa chất độc hại, không sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi... thì nguồn nước tưới cho cây trồng cũng phải là nước sạch sẽ, an toàn. “Nhưng trong bối cảnh sông VCĐ hiện nay, nhìn đâu cũng thấy ô nhiễm, thì khó xây dựng được sản phẩm chất lượng cao tại các vùng này”, ông Tùng chia sẻ.

Trần Trung

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ky-1-dong-song-vao-thi-ca-nay-chet-dung-d289991.html