Dòng sông đâu còn 'bên lở bên bồi'

Cách nay vài chục, vài trăm năm ông bà ta có câu dòng sông 'bên lở bên bồi', nhưng nay thì nơi vùng hạ lưu dòng sông Cửu Long không chỉ bên nào cũng lở mà mùa khô cũng lở, mùa nước cũng lở. Lở ngoài sông cái, lở trong sông con, đến cả trong rạch, trong ống cũng lở. Dòng sông ca dao nay xem ra không còn hiền hòa, và rồi người ta đổ lỗi cho nhau, việc này, việc khác, nước này, nước khác đang chọc giận thiên nhiên.

Con người đang chọc giận thiên nhiên

Hàng trăm con đập thủy điện xây trên đất Lào.

Thực ra quy luật bên lở bên bồi chỉ đúng khi dòng sông còn trẻ, nghĩa là đang hoạt động mạnh nhờ nước biển ở tầm sâu tạo nên độ dốc thủy lực lớn đủ để mang hạt cát, hạt bùn ra tận lòng biển. Nhưng từ hàng chục năm trở lại đây thì dòng Cửu Long đã cảm nhận được cái già nua của mình. Cửa sông dần bít lại vì không còn đủ lực đem nước ra xa, do mực nước biển toàn cầu mỗi năm một nhích lên, và tệ hơn nữa là vì châu thổ mỗi ngày một lún xuống dưới sức nặng, và nhất là do người ta rút bớt tầng nước ngầm lên.

Độ dốc thủy lực dần nhỏ lại, dòng sông không còn đủ sức đào sâu nơi cửa biển thì buộc phải phình bụng về phía trên, mở rộng ra cả hai bên tạo nên xói lở. Đó là quy luật tự nhiên. Nhưng không phải tất cả.

Những cơn mưa xối xả theo sau trận bão mà người ta đặt cho nó cái tên rất huyền thoại Việt Nam là Sơn Tinh đã làm cho con đập bên Lào bị vỡ. Dòng nước tràn xuống tàn phá làng mạc, giết chết con người, và nhấn chìm mọi thứ từ Lào sang Campuchia đến Việt, ai còn bảo là sông hiền hòa khi chính con người luôn tìm cách chọc giận? Với tham vọng trở thành bình acquy lớn, bán điện cho các nước Đông Nam Á chung quanh, Lào đã đầu tư vào các đập thủy điện làm thay đổi thủy tính dòng sông. Nhưng nay thì những than phiền từ các chuyên gia các nước đang thành sự thật khi mà bất cứ lúc nào dòng Mê Kông cũng sẵn sàng nổi giận.

Với 4.350 km chiều dài, Mê Kông là dòng sông lớn thứ 12 thế giới, khởi nguyên từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua Vân Nam, rồi vào Myanmar, qua Lào, đến Thái, xuống Campuchia và kết thúc nơi 9 cửa biển ở hạ lưu đồng bằng châu thổ Cửu Long.

Nếu người ta không kể hết lợi ích của nước đối với con người thì họ cũng không kể hết được lợi ích của dòng Mê Kông đối với trên dưới 60 triệu người sinh sống hai bên bờ. Chỉ riêng nghề cá, Campuchia chiếm đến 12% GDP, lớn hơn cả nguồn lợi trồng lúa của nước này. Nơi mà Lào đang đầu tư vào một dãy đập thủy điện thì nguồn lợi từ cá đã chiếm đến 7% GDP. Ở hai nước Thái Lan và Việt Nam, tỷ lệ nghề cá trên sông thấp hơn, nhưng cũng đã mang lại cho mỗi nước 750 triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Thủy điện Sambor có thể chấm dứt sự yên bình của những dòng sông Cửu Long.

Cuộc đua thủy điện giết chết dòng sông

Cuộc chạy đua thủy điện đang giết chết dòng sông. Người ta đã cảm nhận được cơn khát nước trên cánh đồng vào những tháng mùa nắng, và rồi người ta sẽ còn được chứng kiến những thôn làng ngập nước khi hàng trăm đập thủy điện trên nguồn đồng loạt xả nước vào mỗi mùa mưa lũ. Các nhà kỹ thuật biết rất rõ thượng nguồn Mê Kông có thể sản sinh 28.930 MW điện, hạ nguồn cho 30.000 MW, và người ta cũng biết rõ nhu cầu điện của Đông Nam Á phải tăng ít ra là 60% cho đến 2040. Những bài toán đó đang có lời giải: Trung Quốc là nước đi đầu trong việc xây dựng thủy điện nơi vùng thượng nguồn Mê Kông. Nay thì đến lượt Lào, Campuchia và các nước khác xây nơi hạ nguồn. Thử tưởng tượng riêng Lào có đến 100 dự án chặn dòng thì biết con sông thân thương sẽ bị băm nát đến cỡ nào!.

Vụ vỡ đập ở Lào đang làm cho các đập thủy điện ở Campuchia, nơi đầu nguồn châu thổ hạ lưu sông Cửu Long trở nên khó xử. Xem ra những con đập nhận vốn Trung Quốc gọi là tham gia vào sáng kiến "một con đường một vành đai" đang làm cho nước này phân vân, với những thiệt hại trước mắt cho mình và nhất là cho hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long, nơi những bờ sông về phía Việt Nam đang bị lở vì Mê Kông đang buộc phải thay đổi thủy tính, buộc phải hóa già trước tuổi. Diễn biến của thiên nhiên đã có quy luật mà các nhà quy hoạch luôn có thời gian để thích ứng. Nhưng sự tàn phá của con người thì không có quy luật.

Campuchia rất cần thủy điện, đó là một thực tế, Nhưng việc quy hoạch vội, xây dựng nhanh bất chấp những hậu quả cho mình và cho vùng hạ lưu sông Cửu Long lại mang ý nghĩa khác. Thông tin rò rỉ từ một báo cáo tác động môi trường, được tiết lộ trong tháng 6-2018 bởi National Heritage Foundation cho biết việc xây dựng Đập thủy điện Sambor do Trung Quốc tài trợ sẽ "trên thực tế giết chết dòng sông Mê Kông".

Báo cáo cho biết vị trí của con đập này nằm ở nơi nguy hiểm nhất cho dòng sông, và khuyên Campuchia nên đầu tư cho điện mặt trời thay cho thủy điện Sambor. Bộ trưởng Nông nghiệp Nao Thuok cho biết lượng cá có thể giảm đến 30%, và các tổ chức bảo vệ động vật sợ rằng cá heo sông và các dòng cá khổng lồ rất quý trong sông Mê Kông sẽ biến mất vì con đập này!

Hoàng Việt

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277573/dong-song-dau-con-ben-lo-ben-boi.html