Đồng Sơn và tương lai của khu du lịch lâm viên

Trở lại xã Đồng Sơn (TP Hạ Long) sau nhiều năm, tôi khó có thể hình dung được rằng nơi đây sắp trở thành một khu du lịch sinh thái hấp dẫn.

Từ trung tâm TP Hạ Long, chúng tôi mất gần 2 tiếng mới đến trung tâm xã Đồng Sơn, một trong những xã khó khăn nhất của thành phố hiện nay. Mặc dù, có thế mạnh về đất lâm nghiệp, tuy nhiên nhiều năm qua Đồng Sơn chưa phát huy hết tiềm năng để phát triển kinh tế, bởi giao thông đi lại cách trở, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ canh tác còn lạc hậu...

Đồng Sơn có diện tích rừng tự nhiên rất lớn, dân cư thưa thớt.

Đồng Sơn có diện tích rừng tự nhiên rất lớn, dân cư thưa thớt.

Từ một xã khó khăn...

Đồng Sơn nằm ở phía Bắc, cách trung tâm TP Hạ Long khoảng 50km trước kia có tên là Đồng Quặng. Do địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, năm 1983, xã Đồng Quặng được tách thành hai xã Đồng Lâm và Đồng Sơn. Đồng Sơn có diện tích tự nhiên 12.670ha nhưng dân số chỉ có 3.068 khẩu với mật độ dân số nơi cao nhất mới chỉ có 340 người/km2, nơi thấp nhất 12 người/km2. Toàn xã hiện nay có hai dân tộc anh em, dân tộc Dao chiếm 99%, dân tộc Kinh chỉ chiếm 1%.

Là một xã miền núi rẻo cao đặc thù, các thôn bản của Đồng Sơn cách biệt nhau nơi gần nhất 3km, nơi xa nhất 16km tính từ trung tâm xã. Nói thế cũng chưa thể hết được cái khó khăn của Đồng Sơn khi mà nơi này địa hình còn chia cắt bởi khá nhiều đèo dốc khá cao như: Đèo Trũ cao 699m; Đèo Bút cao 688m, Đèo Kinh 698m. Do cấu tạo địa hình như vậy, đã dẫn đến chỗ sông Đồng Sơn có độ đốc cao, lượng phù sa hầu như không đọng lại như những con sông ở vùng khác. Đã vậy, ruộng ở đây hầu hết là ruộng bậc thang xói mòn, bạc màu, nhiều ruộng đất dưới chân núi có độ chua mái cao.

Xã Đồng Sơn có tổng diện tích tự nhiên trên 12.702,76ha, trong đó chủ yếu là đất rừng, đất đồi núi chiếm trên 90%; đất nông nghiệp chỉ có khoảng trên 600 ha. Mùa đông thường đến với Đồng Sơn sớm hơn, từ tháng 10 năm trước và kéo dài đến tháng 1 năm sau. Một số thôn bản có sương muối. Tất cả làm cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Cùng với nhiều nguồn lợi khác về rừng, Đồng Sơn còn có hơn 450ha đồi cỏ, có khả năng phát triển chăn nuôi trâu, bò theo đàn. Nơi đây có nhiều sông suối, tạo nguồn nước ngọt phong phú. Sông lớn nhất Đồng Sơn là sông Cái chảy từ Đèo Trũ qua thôn Phủ Liễn. Sông Tân Ốc bắt nguồn từ ngọn Khe Trạng, qua Khe Dìa, Khe Kẻn. Sông Khe Càn bắt nguồn từ Khe Chó qua Khe Kinh tất cả đều chảy về Lương Mông rồi đổ ra sông Ba Chẽ.

Diện mạo nông thôn Đồng Sơn ngày càng đổi mới.

Từ năm 1963 đến nay, Đồng Sơn đã phát triển trồng các loại cây ăn quả như: Cam, chanh, bưởi, dứa, nhãn, vải và trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Keo, quế, trám, trầm hương. Cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao ở xã sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, lâm nghiệp phát nương làm rẫy, số ít làm ruộng, sống du canh, du cư, kinh tế tự cung, tự cấp.

Anh Đặng Hữu Tề, cán bộ văn hóa xã Đồng Sơn dẫn chúng tôi đi kể rằng: Ngày nay, dù xã hội đã phát triển, nhiều gia đình trong xã đã mua sắm được máy cày, máy tuốt lúa, máy xay xát. Tuy vậy, nhưng những hình ảnh cối gạo sử dụng sức nước, cối giã gạo thủ công sẽ không phai mờ trong ký ức nhắc nhở về một thời khó khăn của đồng bào Dao nơi đây.

Rừng và đất rừng còn có nhiều tài nguyên khoáng sản như: Vàng, quặng. Dù cho kinh tế rừng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của xã nhưng bà con vẫn quẩn quanh trong cái nghèo. Còn nhớ gần chục năm trước, tôi và một anh bạn là doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực y tế tư nhân lên Đồng Sơn để khảo sát xây dựng mô hình du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh. Từ Hạ Long con xe bán tải của anh ì ạch bò mấy tiếng mới lên được đến trung tâm xã. Đồng Sơn lúc đó mạng internet chưa phủ sóng, điện thoại di động cũng còn ít, nhiều chỗ còn chưa có điện. Bà con đồng bào dân tộc gần như xa lạ với ô tô, xe máy chứ nói gì điện thoại thông minh. Cây xăng không có, xe hết xăng phải mua từng chai một. Xe máy hết xăng đã khổ. Ô tô, công nông, xe tải vào đây không may hết xăng phải đổ từng chai làm người bán đổ đến mỏi cả tay. Buổi trưa anh em chúng tôi tìm cả xã mới được một chỗ tạm gọi là quán để dùng cơm trưa. Đây là quán ăn duy nhất ở Đồng Sơn lúc đó. Những khó khăn của Đồng Sơn lúc đó làm anh bạn tôi thấy nản chí, quay về và đến giờ vẫn chưa trở lại Đồng Sơn.

Và những đổi thay

Có thể có những nhà đầu tư như anh bạn tôi đã quay gót với Đồng Sơn vào thời điểm đó. Ông Bùi Vĩnh Dương, Bí thư Đảng ủy xã, gạt đi bảo với chúng tôi rằng, câu chuyện đó bây giờ đã khác. Kinh tế của xã có bước phát triển khá. Tổng giá trị sản xuất của xã năm 2020 đạt 131,95 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,95%/năm. Giá trị sản xuất thương mại dịch vụ đạt 25,5 tỷ, tăng 198% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 137%.

Những năm gần đây, Đồng Sơn chú trọng khai thác tiềm năng của rừng và đất rừng, theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Keo, trầm hương và trám. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp đạt 88,42 tỷ đồng, so với năm 2015 đạt 148,71%. Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, xã đã lồng ghép các biện pháp giảm nghèo thiết thực như: Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, dụng cụ sản xuất; thay đổi phương thức canh tác.

Những ngôi nhà kiên cố thay cho những mái tranh tạm bợ của người Dao xưa ngày càng nhiều hơn ở Đồng Sơn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực và đã hoàn thành trước một năm so với kế hoạch. Đồng Sơn hoàn thành hệ thống lưới điện cho 18 hộ dân xóm Khe Kẻn, thôn Tân Ốc 2. Các hộ dân ở xa đã được lắp đặt điện năng lượng mặt trời. Được sự quan tâm của tỉnh, của thành phố, xã đã triển khai các dự án đầu tư xây mới, nâng cấp hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn do đó giao thông thuận tiện. Trong 5 năm qua, xã đã đầu tư xây mới 24,9km đường. Hoạt động dịch vụ vận tải có bước phát triển khá, hiện trên địa bàn có 55 đầu xe các loại đã góp phần vận chuyển kịp thời các sản phẩm làm ra, cũng như vật tư hàng hóa phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân.

Đồng Sơn thay đổi mọi mặt đã kéo dự án du lịch tầm cỡ về với bản làng. Công ty CP Vinpearl đang triển khai nghiên cứu quy hoạch Dự án quần thể bảo tồn thiên nhiên và du lịch sinh thái Vinpearl Safari Hạ Long tại các xã Vũ Oai, Hòa Bình, Kỳ Thượng, Đồng Lâm (TP Hạ Long) với diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 1.135ha, trong đó khoảng 50ha đất xây dựng công trình và hạ tầng kỹ thuật, phía Đông giáp phường Mông Dương, TP Cẩm Phả, phía Tây giáp TP Uông Bí, phía Bắc giáp huyện Ba Chẽ, cụ thể là các xã Minh Cầm, Lương Mông.

Cảnh đẹp của núi rừng Đồng Sơn- Kỳ Thượng và những giá trị văn hóa dân tộc sẽ được khai thác để phục vụ du lịch sinh thái.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ là khu vực phát triển du lịch, đem lại các trải nghiệm thực tế cho du khách; là khu vườn thú mang tính mở với các loài động vật, thực vật đặc trưng của các khu vực trên thế giới, cũng như của Việt Nam và Quảng Ninh; là khu vực đầu tư đồng bộ, hiện đại, độc đáo mang tầm cỡ châu Á.

Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng nằm trên địa phận 5 xã gồm 2 xã kể trên cùng với Đồng Lâm, Vũ Oai và Hòa Bình vốn được đánh giá là nơi hệ sinh thái rừng kín, nhiều loài động thực vật và thảo dược quý, có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay. Với những giá trị đặc biệt của mình, Khu bảo tồn đã và đang mang lại lợi ích không chỉ cho cộng đồng dân cư trong khu vực, mà còn có giá trị to lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, cung cấp lâm sản, nguồn dược liệu quý... Cùng với đó, nơi đây còn có hệ thống núi xếp kiểu mái nhà, những thác nước hoang sơ, hùng vĩ thuận lợi cho du lịch trải nghiệm khám phá. Đây cũng là lá phổi xanh, là nơi lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen quý, mẫu chuẩn hệ sinh thái có giá trị trong nước cũng như trên thế giới.

Cầu treo dẫn vào thôn Khe Ốc.

Nhớ lại hơn 1 năm trước, từ khi có chủ trương sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, đời sống của bà con được cải thiện, thu nhập nâng cao, từng bước rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo, tạo chuyển biến về tư tưởng, nhận thức, ý thức vươn lên thoát nghèo của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, về lâu dài Hạ Long còn định hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch khám phá liên thông rừng - biển có thể khơi thông tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên đất rừng sẵn có của địa phương gắn giá trị văn hóa bản địa giàu bản sắc, cảnh quan sinh thái đa dạng của các xã vùng cao tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt. Tôi mường tượng rằng, trong tương lai không xa nữa ở Đồng Sơn sẽ có những du lịch cộng đồng hay homestay được triển khai. Và khi những cây cầu mới nối đôi bờ Cửa Lục, những con đường lớn hoàn thành sẽ tiếp tục kết nối, đưa khách tham quan từ thành phố lên thẳng khu lâm viên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Nhìn lại chặng đường 76 năm (1945 - 2021), một chặng đường lịch sử đầy biến động, hào hùng của Đồng Sơn. 76 năm là thời gian bằng cả đời người đủ để ghi dấu sự nỗ lực, cố gắng vượt khó đi lên của nhân dân các dân tộc trong xã. Đồng Sơn hôm nay đã thật sự chuyển mình từng ngày, từng giờ và người dân có quyền tự hào về những đóng góp của mình vào sự nghiệp chung của huyện Hoành Bồ (cũ) nay là TP Hạ Long nói riêng và của đất nước nói chung. Đó là hành trang quý để Đồng Sơn bước sang giai đoạn mới, với nhiệm vụ mới đang đặt ra cũng hết sức nặng nề cùng nhân dân các dân tộc trong xã tiến bước trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, phấn đấu cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202104/dong-son-va-tuong-lai-cua-khu-du-lich-lam-vien-2529462/