Đồng Rui (Tiên Yên): Phát triển kinh tế biển

Đồng Rui là xã đảo ven biển của huyện, có hệ thống rừng ngập mặn đa dạng. Phát huy lợi thế, xã tập trung phát triển kinh tế biển, nâng cao đời sống nhân dân.

Người dân xã Đồng Rui tham gia trồng rừng ngập mặn.

Người dân xã Đồng Rui tham gia trồng rừng ngập mặn.

Đồng chí Nguyễn Văn Tuyến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui, cho biết: Đồng Rui có diện tích 4.900ha, trong đó diện tích rừng ngập mặn trên 2.000ha. Xác định rừng ngập mặn không chỉ là "lá phổi xanh", mà còn tạo kế sinh nhai cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, xã đã thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, giữ gìn và phát triển diện tích rừng này. Trong đó, xã đã hoàn thành quy hoạch 3 loại rừng, tích cực phối hợp thực hiện dự án đất ngập nước, đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của rừng tới người dân.

Từ nguồn vốn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, xã khuyến khích người dân bảo vệ, giữ gìn và trồng mới một số diện tích rừng ngập mặn. Để bảo tồn diện tích rừng ngập mặn, Đồng Rui đã tiến hành quy hoạch các công trình hạ tầng tránh để ảnh hưởng tới sự phát triển của khu rừng. Đồng thời, duy trì hiện trạng diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có, nhằm hạn chế tối đa tác động tới rừng ngập mặn.

Cùng với đó, xã triển khai hiệu quả mô hình cộng đồng quản lý rừng ngập mặn. Mỗi thôn đều có một ban quản lý rừng cộng đồng với quy chế hoạt động cụ thể. Xã công khai số điện thoại của lãnh đạo để tăng cường giám sát chéo từ nhân dân trong công tác bảo vệ rừng.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương tại xã Đồng Rui.

Sự nguyên sơ của rừng ngập mặn còn là một lợi thế để xã phát triển du lịch sinh thái. Xã đang thu hút doanh nghiệp có tiềm lực vào đầu tư khai thác, khuyến khích người dân tận tình hướng dẫn du khách khám phá rừng, tuyên truyền đến người dân giữ gìn vệ sinh môi trường khu rừng và khu vực xung quanh. Toàn bộ diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn hiện phát triển tốt, tạo nguồn lợi thủy hải sản phong phú, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Cùng với rừng ngập mặn, Đồng Rui còn có bãi biển Lòng Vàng hấp dẫn du khách. Để phát triển tiềm năng du lịch này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề cập xây dựng kinh doanh du lịch sinh thái Đồng Rui giai đoạn 2015-2020. Trên cơ sở đó, xã đã ban hành nghị quyết phát triển du lịch, trong đó có bãi biển Lòng Vàng. Đồng thời, xúc tiến doanh nghiệp đầu tư hạ tầng dịch vụ khu vực bãi biển, thu hút khách du lịch, góp phần hình thành tour du lịch trải nghiệm trên địa bàn.

Đồng Rui còn có nhiều lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản. Xã đã xây dựng quy hoạch nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất tập trung đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường. Xã tổ chức ký cam kết bảo vệ môi trường với hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; đồng thời, khuyến khích người dân đầu tư mô hình nuôi trồng với quy mô lớn, chuyển đổi từ phương thức nuôi tôm quảng canh sang nuôi công nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Xã phối hợp với các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho người dân được tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Đến nay, toàn xã có trên 60 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản với diện tích 156,5ha. 9 tháng năm nay, tổng sản lượng thủy sản của xã đạt 498,2 tấn, giá trị mang lại 19,3 tỷ đồng; thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/hộ nuôi/vụ. Nuôi trồng thủy sản đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Ông Lê Mạnh Hùng (thôn Trung, xã Đồng Rui) cho biết: "Gia đình tôi hiện có 8 ô nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp với diện tích trung bình 3.000m2/ô, cho thu hoạch từ 2-3 tấn tôm/vụ, thu nhập 500-600 triệu đồng/năm. Năm nay, gia đình tôi còn đầu tư 4 ô nuôi trong nhà lưới hứa hẹn mang lại hiệu quả cao".

Ngoài ra, các mô hình như nuôi vịt biển, nuôi hàu cửa sông, trồng khoai lang hai nước... đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân xã Đồng Rui.

Cao Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201911/dong-rui-tien-yen-phat-trien-kinh-te-bien-2460139/