Đồng quản lý nghề cá giúp khai thác, bảo vệ nguồi lợi thủy sản bền vững

Những năm qua, vấn đề tổ chức lại sản xuất gắn với trách nhiệm cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi, môi trường sống của loài thủy sản vùng ven bờ đã phát huy hiệu quả tích cực, đặc biệt là khi triển khai Luật Thủy sản năm 2017.

Môt hình đồng quản lý nghề cá, giúp nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Môt hình đồng quản lý nghề cá, giúp nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết: Những năm qua, ngành Thủy sản đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực nội địa, vùng biển và ven biển.

Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng tàu cá khai thác thủy sản quá nhiều, đặc biệt tàu cá công suất nhỏ khai thác ven bờ với nghề khai thác thiếu thân thiện với nguồn lợi; khai thác thủy sản sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc hại…

Để từng bước phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, ngày 13/2/2012, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 188 phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020.

Đặc biệt, năm 2017, việc Quốc hội thông qua Luật Thủy sản thay thế Luật Thủy sản 2003 với cách tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thủy sản để bảo đảm phát triển bền vững của ngành, trong đó có một chương quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản…

Để triển khai Luật thủy sản, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 19/2018 (ngày 15/11/2018) về hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 26 (8/3/2019) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Nghị định 42 (16/5/2019) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản…

Ngoài ra, hàng năm, Tổng cục Thủy sản tham mưu, trình Bộ NN&PTNT có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thực hiện điều tra nghề cá thương phẩm; tăng cường công tác thành lập và quản lý khu bảo tồn biển; hướng dẫn về công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm...

Theo ông Hùng, những năm qua, vấn đề tổ chức lại sản xuất gắn với trách nhiệm cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi, môi trường sống của loài thủy sản vùng ven bờ được coi trọng và có hiệu quả tích cực.

Kế thừa kết quả đạt được từ việc xây dựng các mô hình đồng quản lý trong ngành Thủy sản từ những năm 90 của thế kỷ trước, thông qua sự hỗ trợ của các quốc gia đối tác, các tổ chức, giai đoạn 2013-2016, đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản được triển khai đồng bộ tại 8 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Cà Mau (Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ).

Đã có 97 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ được thành lập trên 25 huyện với hơn 13.000 ngư dân tham gia, hơn 800 km chiều dài bờ biển được người dân tham gia, chia sẻ quyền quản lý nguồn lợi thủy sản cùng nhà nước.

Cùng thời điểm đó, tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ Hội cộng đồng ngư dân tổ chức quản lý nguồn lợi sò lông tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (Quỹ Môi trường toàn cầu/Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của UNDP, UNDP-GEF SGP, tài trợ một phần kinh phí).

Từ năm 2017 trở về trước, đồng quản lý trong lĩnh vực thủy sản mới chỉ dừng ở các mô hình thử nghiệm thông qua dự án và hầu hết các mô hình đều không tiếp tục duy trì hoạt động khi dự án kết thúc. Nguyên nhân chính là thiếu căn cứ pháp lý cho việc thực hiện đồng quản lý.

Luật Thủy sản năm 2017 đã tạo cơ sở pháp lý cao nhất thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực trên lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, năm 2017, nội dung trên đã được chính thức đưa vào Luật, tạo sở pháp lý cao nhất để thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực trên lãnh thổ Việt Nam.

Giai đoạn 2017-2018, sau khi Luật Thủy sản 2017 được ban hành, tỉnh Bình Thuận đã thí điểm giao quyền cho Hội cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam thực hiện đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi sò lông trên 16,5 km2 vùng biển của xã.

Bình Định giao quyền quản lý, bảo vệ rạn san hô tại khu vực biển hòn Khô nhỏ (12 ha), xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn cho Hợp tác xã dịch vụ du lịch thủy sản Nhơn Hải trước thời điểm Luật Thủy sản có hiệu lực (1/1/2019). Các mô hình trên đều nhận được sự hỗ trợ từ UNDP-GEF SGP.

Giai đoạn 2019 đến nay, các tỉnh Bình Thuận, Bình Định tăng cường tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại tất cả các xã ven biển thuộc huyện Hàm Thuận Nam (xã Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận), tỉnh Bình Thuận và khu vực vịnh Quy Nhơn (xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu, phường Ghềnh Ráng), tỉnh Bình Định theo quy định tại Luật Thủy sản 2017 thông qua cơ chế giao quyền quản lý nguồn lợi thủy sản tại khu vực biển nhất định cho tổ chức cộng đồng (UNDP-GEF SGP hỗ trợ).

Năm 2019, tỉnh Hà Tĩnh đã công nhận và giao quyền quản lý cho tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các xã: Xuân Yên, Xuân Liên huyện Nghi Xuân và xã Thịnh Lộc huyện Lộc Hà trên cơ sở kế thừa kết quả thực hiện dự án CRSD giai đoạn 2013-2016.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có 51 Chi Hội nghề cá tham gia đồng quản lý với gần 7.000 hội viên, đã kiện toàn theo Luật Thủy sản là 22 Chi hội nghề cá và giao quản lý 22 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thông qua các hoạt động trong quá trình thực hiện đồng quản lý, nhận thức, ý thức của người dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được nâng cao, các hành vi vi phạm có chiều hướng giảm, môi trường, nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu phục hồi, phát triển tại khu vực, vùng triển khai đồng quản lý.

Nam Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/dong-quan-ly-nghe-ca-giup-khai-thac-bao-ve-nguoi-loi-thuy-san-ben-vung-1758203.tpo