Đồng phục học sinh - 'đồng khổ' của nhiều phụ huynhBài 2: Giá trị thực của đồng phục học sinh

Trong vai người của công ty may đồng phục, chúng tôi có mặt ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) - đầu mối toàn miền Bắc về các loại vải. Tại đây, giá trị thật của mỗi bộ đồng phục học sinh đã dần được làm sáng tỏ.

Mảnh đất màu mỡ

Có mặt tại đại lý vải Hạ Viên tại ki-ốt B2 chợ Đồng Xuân, chúng tôi nhanh chóng được đon đả chào mời. Chủ cửa hàng cho biết, chị đã có thâm niên kinh doanh các mặt hàng vải đồng phục học sinh từ nhiều năm nay. Xưởng dệt của chị tại làng La Cả (Hà Đông, Hà Nội). Đây đồng thời cũng chính là kho chứa các loại vải vóc từ khắp nơi nhập về. Không riêng gì nhà vải Hạ Viên, cả làng La Cả từ xưa đã nổi tiếng bởi nghề buôn bán vải vóc.

Chúng tôi chỉ cần nói mua vải may mẫu đồng phục học sinh, chị chủ hàng đã chào đón chúng tôi rất nồng nhiệt. Sau khi nhận được mẫu quần áo của một số nhà trường, chị chủ hàng lập tức đưa bảng giá từng loại vải.

Với chất liệu Kate silk (hay còn gọi là vải Lon Mỹ) - loại vải may đồng phục luôn được các nhà may giới thiệu để làm hàng đồng phục có giá tại chợ là 28.000 đồng/m. Nếu lấy từ 500m trở lên, giá có thể giao động xuống còn 26.500 - 27.000 đồng/m. Giá vải đồng phục có thể chênh nhau thêm chút xíu tùy thuộc vào việc nhà may thanh toán tiền ngay hay nợ đến cuối mùa. Vải quần chất liệu kaki sản xuất tại Việt Nam hiện đang thông dụng nhất, giao động từ 30.000 - 33.000 đồng/m. Chất liệu kaki sản xuất theo công nghệ Hàn Quốc (nhà máy tại Vĩnh Phúc, với tên gọi Bangrim Hàn Quốc) giá cũng chỉ từ 45.000 - 60.000 đồng/m. Chị chủ cửa hàng cho hay, loại vải Bangrim Hàn Quốc chỉ may ở các trường dân lập hoặc các trường cấp 3, trường chuyên. Đồng phục thông thường ở các cấp 1 và 2 hầu hết sử dụng loại vải kaki sản xuất trong nước, tại các xưởng tư nhân các làng nghề hoặc đất vải Nam Định.

Vải để may đồng phục học sinh rất sẵn ở chợ Đồng Xuân

Nhân viên bán hàng tại quầy vải Huy Vĩnh (ki-ốt B2 chợ Đồng Xuân) cho hay, vải may sơ mi đồng phục được mua nhiều nhất là loại 27.000 đồng/m. Tuy nhiên, không ít nhà may chỉ nhập vải giá khoảng 20.000 - 23.000 đồng/m. Loại vải này rất nóng vì 100% không có chất cotton.

“Tiền nào của ấy, giá thấp đương nhiên là chất lượng sẽ rất kém. Giá vải áo sơ mi đồng phục là 28.000 đồng/m, nếu mua từ 500m vải trở lên giá sẽ giảm. Các công ty may đồng phục thường mua vài nghìn mét về để may dần. Khổ vải là 1m50, chỉ cần dựa vào chiều dài áo, chiều dài quần, tính nhanh cũng ra, cứ 2m vải sẽ may được 3 áo hoặc 3 quần đồng phục”, chủ sạp vải Huy Vĩnh khẳng định.

Giá cả tỷ lệ nghịch chất lượng

Tại nhà buôn vải thun Sài Gòn (đầu mối vải từ TP Hồ Chí Minh) ở ngõ 670 phố Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai, phóng viên Tuổi trẻ Thủ đô được cho biết vải để may đồng phục thể thao có đến vài chục loại. Chất liệu vải may áo thể thao được tính theo kilogam. Loại đắt nhất (100% cotton) lên tới 190.000 đồng/kg. Mỗi kilogam thường dao động từ 3 - 4 mét vải. Loại vải đắt thường chỉ dành may cho khách lẻ. Vải có nhiều coton dễ nhàu, lại là chất vải không phải để may loại áo thun có cổ nên ít được các nhà may lựa chọn.

Loại vải chọn may đồng phục thể thao học sinh có giá 70.000 – 80.000 đồng/kg. Quần dùng vải chéo hay thun mè có giá tương đương. Giá thành loại vải thun mè rẻ hơn các loại thun cá sấu do nhẹ cân hơn. Theo chủ sạp vải, đồng phục thể dục có giá thành rẻ hơn so với các đồng phục sơ mi bởi công may loại này thấp hơn.

Anh chủ nhà vải thun Sài Gòn cho biết thêm, cứ 1kg rơi vào khoảng 3m vải. Một chiếc áo chỉ may hết 70cm, tính ra tiền vải hết chưa đến 30.000 đồng.

Tại một sạp vải thun khác, chủ cửa hàng tư vấn, có loại thun rẻ chỉ 65.000 đồng/kg. Loại này là thun lạnh, co giãn tốt nhưng lại không phải là vải cotton nên không thấm hút mồ hôi.

Sau khi tìm hiểu các loại vải, chúng tôi có mặt tại một số xưởng may đồng phục đóng trên địa bàn Hà Nội. Chị chủ xưởng may tại Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “Giá của một chiếc áo sơ mi đồng phục thường được xưởng nhận về là 15.000 - 20.000 đồng/áo. Giá quần cạp chun (loại quần chủ yếu của cấp tiểu học) tương đương với giá áo. Với bộ thể thao nếu may từ 500 bộ trở lên, giá chỉ còn khoảng 30.000 đồng/bộ”.

Từ nguồn cung cấp vải đến những xưởng may, chúng tôi đã có thể thấy giá trị thật của một bộ đồng phục. Nếu tính ra một bộ sơ mi từ vải đến công đoạn hoàn thiện giá chỉ trên dưới 100.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, giá một bộ đồng phục tiểu học hiện đang được bán từ 145.000 – 165.000 đồng, đồng phục cấp THCS khoảng 350.000 đồng/bộ. Có thể thấy, hiện tại không có trường nào bán đồng phục với giá chuẩn đúng chất lượng.

Thậm chí, nhiều Hiệu trưởng nắm được giá trị thực của đồng phục nên còn ép các doanh nghiệp may giảm giá. Khi đồng phục trở thành miếng mồi béo bở, các doanh nghiệp cạnh tranh nhau khốc liệt thì ai cũng muốn hạ sát với mức giá gốc. Không ít doanh nghiệp để bước được một chân vào thị trường này đã phải “ngỏ ý” trích phần trăm hoa hồng cao ngất ngưởng…

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Khoa học - Giáo dục Hà Nộicho rằng, mục đích của đồng phục rất cao đẹp được nhiều nơi hưởng ứng, thực hiện. Tuy nhiên, dù là “tự nguyện” nhưng cách làm mỗi nơi mỗi khác, chất lượng và giá cả mỗi bộ đồng phục học sinh gần như phụ huynh không kiểm soát được hoặc được tham gia ý kiến. Do đó, cần đẩy cao vai trò của Ban phụ huynh tham gia ý kiến đóng góp vào hoạt động này.

(Còn nữa)

Mai Khôi

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-2-gia-tri-thuc-cua-dong-phuc-hoc-sinh-d2055374.html